Đổi thay làng biển Tam Thanh

Dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (DLST) tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển KT-XH của địa phương. Góp phần giải quyết việc làm, từng bước cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây.

Dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (DLST) tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển KT-XH của địa phương. Góp phần giải quyết việc làm, từng bước cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây.

Nhờ làm du lịch, người dân Tam Thanh có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang hơn.

Trở lại làng biển Tam Thanh, chúng tôi ngỡ ngàng chứng kiến những dãy nhà cao tầng mọc lên sầm uất. Đường sá được mở rộng, hàng chục homestay cùng hàng trăm nhà hàng, quán nhậu, quầy tạp hóa... mọc lên để phục vụ du khách gần xa. Cùng với sự phát triển du lịch đã tạo nhiều công việc cho người dân địa phương. Tuy tuổi đã gần 60 nhưng bà Trần Thị Bảy (trú thôn Trung Thanh) vẫn mở một quán tạp hóa nhỏ, bán nước giải khát và giữ xe cho du khách, mỗi ngày thu nhập hơn 300 ngàn đồng. Bà Bảy niềm nở bán hàng cho khách ghé quán, thậm chí có thể giao tiếp một số câu nói thông thường với khách nước ngoài.

Trong kí ức của bà Bảy, Tam Thanh những năm trước chỉ là một vùng quê nghèo, những hàng cây dương liễu chắn gió cùng những hàng dừa thưa thớt trải dài trên miền cát trắng, những căn nhà lụp xụp, rêu phong. Cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào những chuyến đi biển của người đàn ông. Phụ nữ, người trung niên không có việc làm, khi tàu cập bến mới chở cá tôm ra chợ bán, thu nhập bấp bênh. "Từ khi làng bích họa và 2 bãi tắm được nhiều người quan tâm tìm đến đã tạo nhiều công việc cho người dân nơi đây. Người dân không còn mặc quần áo lao động như xưa, bây giờ phải mặc đồ đẹp để đón khách du lịch, rồi còn phải học thêm ngoại ngữ để giao tiếp bán hàng nữa. Từ đó, nhiều cửa hàng ăn uống, giữ xe...mọc lên, phụ nữ, trẻ con, người già đều có thể làm... du lịch. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển du lịch đã đẩy giá đất tăng cao ngất ngưỡng, những bãi đất cát trắng hoang hóa bây giờ có giá tiền tỷ. Nhiều người bán đất lấy tiền xây dựng nhà mới khang trang, số khác nhờ buôn bán tiếp tục xây, sửa nhà kiên cố hơn. Nói chung cuộc sống người dân bây giờ đã ổn định, khá giả"- bà Bảy phấn khởi nói.

Du lịch phát triển đã tạo nhiều công việc cho người dân Tam Thanh, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhiều năm công tác trên cương vị Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, trải qua biết bao khó khăn để tìm hướng đi góp phần đưa kinh tế địa phương từng bước đi lên, ông Nguyễn Thanh Bình phấn khởi cho biết: từ thôn Trung Thanh đến thôn Hạ Thủy bây giờ đã khoác trên mình chiếc áo mới rồi. Nhiều căn nhà cao tầng, kiên cố mọc lên, cuộc sống người dân đã ổn định, không còn vất vả như xưa. Từ một xã kinh tế chủ yếu là ngư nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi du lịch sinh thái đi vào hoạt động đã tạo những chuyển biến rõ rệt, người dân được đào tạo kiến thức, kinh nghiệm để làm du lịch. Từ đó, góp phần tạo việc làm cho người dân có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Việc phát triển du lịch cũng đã góp phần vực dậy làng nghề làm nước mắm truyền thống nơi đây để du khách tham quan trải nghiệm, mua sản phẩm. Đặc biệt, sau những chuyến tàu cập bến, thay vì người dân chở cá lên bán ở các chợ trên TP Tam Kỳ giá không được cao, nay được sử dụng làm thực phẩm chế biến phục vụ tại chỗ cho du khách, điều đó càng làm tăng cảm giác yên tâm và thích thú cho du khách.

"Để tiếp tục thu hút thêm lượng khách đến với Tam Thanh, vừa qua UBND TP Tam Kỳ đã phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tổ chức khánh thành làng bích họa giai đoạn 2, "khoác" thêm 30 bức bích họa rực rỡ cho hơn 50 căn nhà thuộc thôn Thượng Thanh và Trung Thanh. Ủy ban xã đã xây dựng, bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Thành lập câu lạc bộ bài chòi, tour du lịch trải nghiệm chèo thuyền thúng tham quan; cùng ngư dân đánh bắt cá, đạp xe ngắm biển... tạo nhiều cảm giác mới lạ cho du khách. Đồng thời, khi tuyến đường Điện Biên Phủ (nối đường Thanh Niên với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) hoàn thành sẽ xây dựng Quảng Trường biển tại thôn Thanh Tân, Thanh Đông và tiếp tục mở rộng thêm một bãi tắm biển để phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các thôn còn lại"- ông Bình nói.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_194484_doi-thay-lang-bien-tam-thanh.aspx