Đổi thay nơi mảnh đất phên giậu

Cùng với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, các chính sách an sinh xã hội của địa phương, những năm qua chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bình Liêu đã có nhiều khởi sắc, người dân đã tự ý thức được việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cán bộ xã Húc Động tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Cán bộ xã Húc Động tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Tới xã Húc Động, một trong những xã vùng sâu vùng xa của huyện Bình Liêu, chúng tôi đã thấy những đổi thay nơi vùng đất này. Đó không chỉ là những con đường được đầu tư, giúp nhân dân đi lại dễ dàng hơn, hay những công trình trường học, trạm xá, nhà văn hóa kiên cố, mà trong tư tưởng mỗi người dân, đó là ý chí vươn lên thoát nghèo thấy rõ. Ở Húc Động, ngày càng có nhiều người thể hiện quyết tâm ấy bằng những lá đơn thoát nghèo. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, xã đã có 26 hộ viết đơn xin thoát nghèo và đến thời điểm này, 100% số hộ trên đã hoàn thành mục tiêu của mình.

Anh Sằn A Chắn (thôn Thánh Thìn, xã Húc Động) là một trong những hộ đăng ký xin thoát nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã, chia sẻ: Quê hương đổi mới, nên người dân cũng phải đổi mới thôi. Không chỉ có gia đình tôi, nhiều gia đình khác trong xã cũng muốn thoát nghèo. Bây giờ, tỉnh, huyện đã làm đường, xây dựng các công trình xã hội, lại hỗ trợ vốn, hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nên bà con cũng muốn áp dụng. Phải tự mình vươn lên thôi.

Còn ông Hoàng Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Húc Động thì cho biết: Từ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã đã đẩy mạnh thực hiện nhiều dự án, mô hình phát triển sản xuất, cho vay vốn, nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo như: Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ hợp tác sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo mua trâu, lợn, gà; cho vay vốn quỹ tín dụng giảm nghèo… Năm 2018, toàn xã có 94 hộ nghèo, chiếm 15,5%, thì đến năm 2019, đã giảm xuống chỉ còn 34 hộ nghèo, chiếm 5,61%.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh La Ngọc Trung, thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. (Ảnh chụp tháng 12/2019)

Không chỉ riêng Húc Động, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách giúp người dân trên địa bàn các xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tính riêng trong năm 2019, bằng nguồn vốn xây dựng NTM, huyện đã tập trung đầu tư 16 công trình hạ tầng giao thông mới tại các thôn bản; khởi công mới 117 công trình hạ tầng từ nguồn vốn chương trình 135. Vì vậy, đến nay các chỉ tiêu, tiêu chí về hạ tầng trên địa bàn các xã đã cơ bản hoàn thành.

Cùng với đó, bằng nhiều hình thức hỗ trợ và triển khai các cơ chế, chính sách giúp người dân thoát nghèo, tới nay tỷ lệ hộ nghèo của Bình Liêu đã giảm từ 840 hộ (đầu năm 2019) còn 388 hộ, đạt 180% theo kế hoạch tỉnh giao và đạt 121% theo kế hoạch phấn đấu của huyện. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 1.377 hộ viết đơn đăng ký phấn đấu thoát nghèo, cận nghèo. Tới nay, 100% số hộ đăng ký đã thoát nghèo.

Ông Vi Văn Hồng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo để thực hiện các chính sách giảm nghèo mang tính tổng thể, toàn diện hơn. Cùng với đó, đề xuất với huyện tăng các chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao tính tự chủ của hộ nghèo và tiếp tục đề xuất cơ chế khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nhằm đảm bảo tiến độ công tác thoát nghèo của huyện đã đề ra.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/doi-thay-noi-manh-dat-phen-giau-2464616/