Đổi thay ở làng 'nữ chúa An Kỳ'

Thôn Bình Lợi hiện có 247 hộ, 1.044 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao ở các tỉnh phía Bắc đến.

“Làng người rừng” hay “làng nữ chúa An Kỳ” là cái tên mà người dân bản địa đặt cho thôn Bình Lợi. Sau 20 năm, với những chính sách hỗ trợ thiết thực, cuộc sống bà con dân tộc tại làng đang dần được đổi thay.

Đối diện “nữ chúa rừng xanh”

Từ trung tâm xã Cư M’lan(huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi vượt thêm khoảng 30km đường đất gập ghềnh để vào thôn Bình Lợi, tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây. Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là “nữ chúa rừng xanh”, tức bà Bàng Diệu An Kỳ (sinh năm 1964), một người phụ nữ có uy tín tại “làng người rừng”.

Ban đầu, khi nghe danh “nữ chúa rừng xanh”, người viết cứ mường tượng về một cụ bà tóc bạc, tuổi cao, sức khỏe yếu. Không ngờ khi đến làng, gặp gỡ mới biết “nữ chúa” còn trẻ, tuổi đời mới ngoài 50.

 Bà An Kỳ kể lại những kỷ niệm khi mới đến “ làng người rừng”.

Bà An Kỳ kể lại những kỷ niệm khi mới đến “ làng người rừng”.

“Nữ chúa” là người dân tộc Dao, quê gốc ở tỉnh Quảng Ninh. Thuở nhỏ, bà theo cha mẹ di cư vào Đồng Nai sinh sống. Năm 1980, bà theo cha lên Đắk Lắk rồi lấy chồng, lập gia đình riêng năm đó. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng của bà chẳng mấy mặn nồng. Năm 1995, sau nhiều biến cố gia đình, bà quyết định cắt đứt tình cảm với chồng, dắt con thơ đến sinh sống tại tiểu khu 265 và 271 của lâm trường Cư M’lan (nay là thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan).

Khi bà tới, vùng đất ấy chưa có tên, chỉ có vài hộ dân sinh sống. Cả làng nằm lọt thỏm giữa rừng xanh thăm thẳm, cách biệt với thế giới bên ngoài, giao thông rất khó khăn. Ban ngày, từng đàn voi đi ngang, lấy vòi quật phá nhà dân, đêm đến cọp về gầm rú rợn người. Cũng vì thế, những thợ săn thời đó thường gọi nơi bà An Kỳ ở là “làng người rừng”.

Lễ khởi công xây cầu Bình Lợi.

Đến năm 2001, “làng người rừng” có khoảng 30 hộ dân. Do bà An Kỳ sống tại đây đã lâu, lại gan dạ, hiểu biết nhiều, có tư tưởng tiến bộ nên những hộ dân xung quanh rất kính nể và coi bà như một “nữ chúa” giữa chốn rừng xanh. Mọi việc lớn nhỏ trong làng như đặt tên cho trẻ mới sinh, giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình đều do một mình “nữ chúa” đảm nhiệm. Cũng vì những lý do đó, sau này người ta mới quen gọi “làng người rừng” là làng “nữ chúa An Kỳ”.

Nhớ lại thời mới tới ở “làng người rừng”, bà An Kỳ cho hay, địa hình của thôn cao, không trồng được lúa, đường ra chợ lại quá xa, phải đi suốt một ngày trời nên bà con trong vùng chủ yếu ăn thịt rừng và ngô, sống rất cực khổ.

Để đảm bảo cho cuộc sống, hàng ngày, bà cùng phụ nữ và người già trong làng phát rẫy, tỉa bắp, những thanh niên trai tráng được cử vào rừng đi săn bắt. Tối đến, mọi người tập trung về nhà bà để chia thịt. Tới mùa thu hoạch, bà cắt cử người đem ngô ra chợ đổi lấy gạo, muối về cho buôn làng rồi chia nhau.

Khởi sắc “nơi thâm sơn cùng cốc”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày trước, “làng người rừng” thực chất là một điểm di dân tự phát. Khoảng những năm 1994-2009, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao đã đến đây sinh sống, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương.

Người dân nơi đây không được công nhận về luật cư trú, không có các giấy tờ hợp lệ theo quy định, cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn vì giao thông bất tiện, khó qua lại với các vùng lân cận, không có điện sinh hoạt… Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay “làng người rừng” đã có nhiều đổi mới, khác hẳn những ngày tăm tối trước kia.

Cụ thể, năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định thành lập điểm di dân tự do này thành thôn Bình Lợi, thuộc xã Cư M’lan. Cũng từ đó, đường sá vào thôn Bình Lợi được san ủi rộng hơn, dễ đi lại hơn trước.

Năm 2012, Nhà nước đã đầu tư làm mới 20 km đường cấp phối từ trung tâm huyện Ea Súp vào thôn Bình Lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa. Cùng với đó, từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đã xây dựng được 3 điểm trường với 2 lớp học mầm non, 3 lớp tiểu học và 2 lớp trung học cơ sở, tạo điều kiện cho 217 trẻ em đến trường, không còn cảnh vượt hàng chục cây số để đến trường hoặc nghỉ học giữa chừng.

Cuối tháng 8/2017, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đầu tư hơn 15 tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia vào tận thôn Bình Lợi. Công trình có tổng chiều dài khoảng 32 km, gồm hệ thống 22 km đường dây 22KV, hơn 11 km đường dây 0,4 KV và 4 trạm biến áp phụ tải. Điện về thôn không những giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt mà còn mở ra hướng phát triển sản xuất mới.

Điểm trường học tại thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan.

Mới đây, vào tháng 12/2018, Huyện Đoàn Ea Súp đã phối hợp với nhóm Vietnam Smile (TP. HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình thanh niên cầu dân sinh tại thôn Bình Lợi, giúp người dân tại thôn Bình Lợi lưu thông sang huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) được dễ dàng hơn. “Giờ thôn có điện, có đường, có cả cầu bê tông, bà con mình vui lắm. Năm nay, bà con đón Tết chắc cũng vui hơn mấy năm trước, muốn đi thăm bà con, thăm họ hàng cũng tiện lợi hơn rất nhiều”, bà An Kỳ nói.

Trao đổi về những đổi thay tại “làng người rừng”, lãnh đạo UBND xã Cư M’lan cho hay, thôn Bình Lợi hiện có 247 hộ, 1.044 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao ở các tỉnh phía Bắc đến. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%. Hiện các vấn đề an sinh xã hội tại thôn đã được đảm bảo tương đối, đời sống của bà con cũng khấm khá hơn trước rất nhiều. Những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được bài trừ; kinh tế trong làng cũng khấm khá hơn, hầu hết các hộ dân đều có xe máy, việc ra chợ, giao thương với các vùng khác không còn là điều quá khó khăn như trước.

Trần Nhân – Hải Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/doi-thay-o-lang-nu-chua-an-ky-post288791.info