Đổi thay ở vùng đất biên cương Si Ma Cai

Vùng đất biên cương, nơi khuỳnh nhô sông Chảy Si Ma Cai sau 55 năm thành lập huyện đã ngời sáng, đổi thay, ấm no. Dư địa chí về địa danh huyện bắt nguồn từ truyền thuyết ngựa thần mà đồng bào địa phương truyền kể gắn với tên Xín Ma Cái, Xi Ma Cai, Si Ma Cai - có nghĩa là 'chợ ngựa mới', chợ xuất hiện ngựa lạ, ngựa của Giàng vừa về vùng biên ải…

Một góc thị trấn Si Ma Cai hôm nay.

Cũng như nhiều địa bàn vùng cao, biên giới tỉnh Lào Cai, dù được biết đến Chính phủ mới chỉ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng từ đây, đồng bào luôn một lòng tin tưởng vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo dòng lịch sử, tháng 3/1950, Ban cán sự Đảng huyện Bắc Hà được thành lập và trực tiếp lãnh đạo cách mạng khu vực Bắc Hà - Si Ma Cai. Tháng 9/1950, trong chiến dịch Lê Hồng Phong, bộ đội giải phóng Bắc Hà - Si Ma Cai, từ đây, cơ sở cách mạng được giác ngộ, chính quyền mới được thành lập, dẫn dắt đồng bào xây dựng cuộc sống mới.

Trước yêu cầu xây dựng hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 15/11/1966, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định chia tách huyện Bắc Hà, thành lập huyện Xi Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai, gồm khu vực 17 xã phía Bắc huyện Bắc Hà. Đầu năm 1976, tỉnh Lào Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái và một số huyện của tỉnh Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn; huyện Xi Ma Cai là 1 trong số 23 huyện, thị xã của tỉnh. Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng pháo đài biên giới, Chính phủ sáp nhập lại huyện Xi Ma Cai và huyện Bắc Hà thành huyện Bắc Hà. Bước vào kỷ nguyên mới, để động viên đồng bào vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn tấn công đói nghèo, tháng 8/2000, Chính phủ cho tái lập lại huyện Si Ma Cai.

Thời kỳ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 - 1965), Si Ma Cai luôn là địa phương có nhiều phong trào điển hình trong xây dựng cuộc sống mới như định canh, định cư, làm thủy lợi ở xã Sín Chéng, khai ruộng bậc thang ở xã Mản Thẩn, xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp Bản Mế, Hợp tác xã mua bán vùng cao Lùng Sán, xóa mù chữ ở xã Sín Hồ Sán. Vùng biên ải Si Ma Cai còn là quê hương của những cán bộ người địa phương trưởng thành từ phong trào cách mạng cơ sở như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp Giàng Lao Pà, Đội trưởng Đội du kích xã Sín Hồ Sán; nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cư Hòa Vần, từng có thời gian làm Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày mới hợp nhất. Và còn nhiều cán bộ chủ chốt của 2 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai qua các thời kỳ…

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979, dù trong vòng vây quân xâm lược, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đồng bào, chiến sĩ vẫn kiên cường trụ vững trong khu vực phòng thủ địa phương, bảo vệ toàn vẹn biên giới quốc gia. Khí thế mới xây dựng lại quê hương vùng cao, biên giới được khơi dậy từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập. Đặc biệt từ tháng 9/2000, khi huyện mới tái lập đã mở ra chương mới cho tiến trình xây dựng lại Si Ma Cai. Công cuộc đổi mới đất nước, hào khí xây dựng lại quê hương Lào Cai, trong đó có việc triển khai thực hiện Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như luồng sinh khí thức dậy vùng cao biên giới Si Ma Cai…

Nhớ lại thời kỳ mới thành lập, huyện mới đi vào làm việc đầu năm 1967, ông Trần Văn Luân, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Xi Ma Cai từng nhiều năm làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói: Lớp cán bộ trẻ được trên điều động lên vùng cao đã sát cánh cùng cán bộ người địa phương, vận động đồng bào xây dựng cuộc sống mới. Nay tuổi cao, khi thăm lại Si Ma Cai những dịp kỷ niệm lớn, tôi thấy quê hương vùng cao do chính đồng bào xây dựng ngày càng phát triển mà không khỏi ngỡ ngàng, mừng vui khôn tả!

Trong những ngày trụ lại cùng đồng bào bảo vệ biên giới đầu năm 1979, ông Giàng Seo Sẩu, khi đó là Bí thư Huyện ủy Xi Ma Cai, sau sáp nhập làm Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà từng kể lại cho lớp trẻ: Trong vòng vây quân địch, vừa chỉ đạo giữ vững an ninh, không để địch kích động bạo loạn, không cho quân thám báo lấn chiếm biên giới, vừa phải tổ chức đưa thương binh, hỗ trợ đồng bào từ Tả Gia Khâu, Pha Long (Mường Khương) sang cứu chữa, nhưng đồng bào vẫn vững tin vào chiến thắng. Đó là niềm tin vào cuộc sống mới mà Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đem lại cho đồng bào mấy chục năm đã qua.

Còn ông Vù Seo Phềnh, cán bộ người địa phương trưởng thành từ cơ sở, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Si Ma Cai nhớ lại: Trong hào khí mới, chỉ 10 năm sau tái lập huyện, nông thôn vùng cao đã khởi sắc. Thành tựu bắt đầu từ thực hiện 5 vấn đề trọng tâm, có tính đột phá mà Đảng bộ huyện triển khai:

Một là, chuyển đổi cơ cấu giống cây lương thực theo hướng thâm canh, mở ra vụ lúa xuân ở Bản Mế và vùng ven sông Chảy, thử nghiệm trồng cây thuốc lá, cây ăn quả mới; phát triển gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều năm liên tiếp, Si Ma Cai được mùa lớn, toàn diện, tổng sản lượng lương thực tăng 30 - 40%. Hai là, đảm bảo phát triển bền vững khi thực hiện Chương trình 135, những năm đầu, huyện chọn 7 thôn xa nhất mở đường để xe máy đến được, tạo khí thế cho phong trào xây dựng nông thôn vùng cao. Ba là, thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, bắt đầu từ những vấn đề rất đơn giản nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Các bản cam kết không có hộ di cư tự do; không có hộ tái trồng cây thuốc phiện; không để hộ nào bị lôi kéo theo đạo trái phép. Bốn là, giữ vững an ninh trật tự nông thôn, chống diễn biến hòa bình. Năm là, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố cơ sở chính trị cơ sở. Hôm nay, tôi vẫn nhớ nằm lòng 5 nội dung trên khi triển khai về cơ sở. Thành tựu to lớn để lại chính là khắc phục tính tự ty, ỷ lại của đồng bào trong thời kỳ bao cấp, là việc chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, là xây dựng và bảo tồn văn hóa dân tộc, ngăn ngừa và phòng, chống hiệu quả việc truyền đạo trái phép.

21 năm sau ngày tái lập huyện, diện mạo nông thôn vùng cao Si Ma Cai đã khởi sắc như một “kỳ tích”. Thành tựu nổi bật và ấn tượng nhất mà những cán bộ trưởng thành từ Si Ma Cai đều cảm nhận được, đó là: Chuyển dịch cơ cấu nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, được chú trọng qua thâm canh cây ngô lai, cây đậu tương; phát triển cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu; chăn nuôi trâu, ngựa, lợn bản địa... Kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới làm rạng ngời vùng cao biên giới: Đường vào 90 thôn được đổ bê tông hoặc rải nhựa, có điện lưới quốc gia; trung tâm các xã được đầu tư xây dựng khang trang, trung tâm huyện lỵ từ nơi khuất nẻo đã mang dáng vẻ đô thị. Văn hóa - xã hội chuyển biến căn bản, phổ cập giáo dục thành công, huyện có tới 3 trường PTTH. Đặc biệt hệ thống chính trị 10 xã hôm nay được củng cố đáp ứng yêu cầu mới trong cải cách hành chính; đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đoàn kết, đi đầu trong công tác. Biên giới luôn ổn định và được giữ vững qua thử thách chống đại dịch Covid-19...

55 năm đi qua, huyện Si Ma Cai đã có bước phát triển như trong truyền thuyết con ngựa vươn mình trên vùng biên giới. Rồi đây, quê hương Si Ma Cai sẽ còn sáng thêm nhiều mô hình mới trong dựng xây cuộc sống ấm no.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349491-doi-thay-o-vung-dat-bien-cuong-si-ma-cai