Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Ái Thượng

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xã Ái Thượng (Bá Thước) có 11 thôn, trong đó có 3 thôn đặc biệt khó khăn và 1 thôn phải qua sông (nay là lòng hồ thủy điện Bá Thước 2). Do địa bàn sinh sống chủ yếu là núi cao hiểm trở, chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sạt lở đất nên cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Mô hình nuôi cá lồng ở xã Ái Thượng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Những năm qua, từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 cùng nhiều chính sách khác, xã Ái Thượng đã xây dựng được 11/11 nhà văn hóa thôn; 100% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh; gần 5.100 lượt người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT; hỗ trợ 82 nhà ở cho hộ nghèo; 152 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Đơn cử như hộ anh Đỗ Thanh Bình, ở thôn Tôm trước đây phải chạy ăn từng bữa. Từ khi được tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng, anh đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo. Anh Bình cho biết: Từ 1 con bò buổi đầu, đến nay gia đình đã nhân đàn lên 9 con. Sau đó, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng mô hình gia trại chăn nuôi trâu, bò sinh sản, kết hợp vườn rừng trên diện tích 0,5 ha trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Hiện, thu nhập của gia đình anh đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm.

Theo anh Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong xã đã đem lại kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Năng suất các cây trồng chủ lực mỗi năm một tăng, trong đó năng suất lúa và ngô năm 2022 đạt cao nhất từ trước đến nay. Cơ giới hóa được tăng cường, giảm chi phí và sức dân trong sản xuất. Một số mô hình mới về tích tụ, tập trung đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đang triển khai thực hiện, như: mô hình trồng cây gai xanh có bao tiêu sản phẩm tại thôn Khà; mô hình trồng cây ăn quả tại các thôn Tôm, Thung Tâm, Vèn. Chăn nuôi phát triển khá với tổng đàn trâu, bò, lợn, dê đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Lâm nghiệp phát triển ổn định, công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, không để xảy ra cháy rừng. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, với số lồng cá hiện có là 210 lồng, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 56,94 ha, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ước đạt 172 tấn. Bên cạnh đó, một số mô hình trồng cây dược liệu của HTX nông dược Bá Thước trên địa bàn xã được nhân rộng đã thu hút một lượng lao động tại chỗ, góp phần giảm tình trạng lao động không có việc làm.

Những kết quả trên đã góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 7,05%, với 92 hộ nghèo và 162 hộ cận nghèo; đầu giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 255 hộ nghèo, chiếm 19,53%, giảm xuống còn 11,61% cuối năm 2022 với 151 hộ nghèo, thấp hơn so với bình quân chung của huyện. Điều đáng nói là xã không còn tình trạng hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở, không còn hộ nghèo phải ở nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ. Xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2024.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/doi-thay-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-xa-ai-thuong/184858.htm