Đổi thay thần kỳ nơi sông Mẹ chảy vào Tổ quốc

Theo những giai điệu bài hát 'Gửi em ở cuối sông Hồng', chúng tôi lên biên giới Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, đánh dấu điểm bắt đầu của sông Mẹ chảy vào Tổ quốc để hình thành nên nền văn minh sông Hồng. Vùng đất xưa kia núi non trùng điệp, lau lách mọc đầy nay có sự đổi thay thần kỳ.

Cột cờ Lũng Pô

Từ đầu sông “Gửi em ở cuối sông Hồng”

Điểm bắt đầu của con sông Hồng chảy vào đất Việt là ngã ba sông - nơi gặp gỡ của sông Hồng và con suối Lũng Pô, nơi có Cột mốc thiêng liêng 92 (1) thuộc bản Lũng Pô 2, xã A Mú Sung. Leo 125 bậc thang lên đỉnh Cột cờ Lũng Pô, nơi lá cờ đỏ sao vàng rộng 25m2 tung bay trong gió, phóng tầm mắt ra xa, khung cảnh vùng biên ải đẹp diệu vợi. Giữa vùng núi non trùng điệp, vùng ngã ba sông Cả (sông Mẹ) nổi lên như một điểm nhấn. Nơi đây, con sông Hồng chảy xuôi với dòng nước có hai màu đặc trưng: một nửa là màu đỏ của phù sa sông Hồng và nửa kia là màu nước xanh biếc của suối Lũng Pô. Bờ sông trắng ngát hoa lau.

Sông Hồng (Trung Quốc gọi là sông Nguyên Giang) bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) ở độ cao 1.776m. Suối Lũng Pô (tiếng địa phương gọi là Long Pò, nghĩa là Rồng Cha) là tên con suối bắt nguồn từ dãy núi cao Nhìu Cồ San của huyện Bát Xát, Lào Cai chảy xuống. Trên lãnh thổ Việt Nam, bắt đầu từ nơi gặp gỡ của sông Hồng và suối Lũng Pô, sông Hồng chảy qua 9 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi đổ ra biển ở cửa sông Ba Lạt (giữa Nam Định và Thái Bình), kết thúc hành trình hơn 500km trên đất Việt. Tại cột mốc 92 (1) ở ngã ba sông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai đã trồng một cây sung với ý nghĩa cầu mong từ nơi đầu nguồn này, bà con các dân tộc sinh sống ở lưu vực sông Hồng luôn được sung túc, no ấm.

Ngày 16/12/2017, Tỉnh đoàn Lào Cai đã làm Lễ Khánh thành Cột cờ Lũng Pô-Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nếu làm phép so sánh thì Cột cờ Lũng Pô không bề thế bằng Cột cờ Lũng Cú nhưng mỗi Cột cờ có giá trị và ý nghĩa riêng. Cùng với cột mốc 92 (1), nó là điểm đánh dấu nơi sông Mẹ chảy vào đất Việt để hình thành nên nền văn minh sông Hồng.

Ít người biết rằng, khi có mặt ở Bát Xát những ngày lịch sử để chuyển tải những thông tin về chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979, phóng viên Dương Soái của Đài Phát thanh tỉnh Hoàng Liên Sơn đã xúc động viết bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Năm 1980, nhạc sĩ Thuận Yến đọc bài thơ này trên Báo Văn nghệ liền phổ nhạc. “Gửi em ở cuối sông Hồng” là bài hát trữ tình với ca từ hết sức sâu lắng, thiết tha, viết về mối tình thủy chung, son sắt của người lính - ở đầu nguồn sông Hồng, phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nơi biên cương, ngày đêm chắc tay súng, canh giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc với cô gái thôn quê, nết na, hiền hậu ở cuối sông Hồng. Tuy sống xa cách nhau trong cồn cào, da diết nỗi nhớ nhung nhưng họ luôn đặt tình yêu lớn với đất nước, với Tổ quốc lên trên tình cảm đôi lứa.

Bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” ngay sau lần đầu tiên phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng được công chúng đón nhận và có nhiều thính giả yêu cầu phát lại trong các chương trình ca nhạc. Năm 1999, 20 năm sau khi bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh BĐBP trao giải thưởng “Bài hát được các chiến sĩ BĐBP bình chọn hay nhất”.

Dù nhạc sỹ Thuận Yến khi phổ nhạc đã sửa lại lời và thêm ca từ vào bài hát nhưng những câu thơ nguyên bản của Dương Soái cũng rất đẹp và thật da diết: “Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc là em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông”.

Ngã ba nơi suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92 (1), là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt

Ngày đêm bảo vệ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Vùng biên ải Lũng Pô còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn, nơi có những người lính biên phòng A Mú Sung đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc. Đồn BP A Mú Sung, BĐBP có một tấm bia kỳ lạ. Trên tấm bia đó, dù khác năm nhưng ngày hy sinh của các liệt sỹ của Đồn đều là ngày 17/2. Ngày 17/2/1979, toàn bộ 25 cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ mảnh đất Lũng Pô, con suối Lũng Pô và sông Mẹ. Năm 1984, 4 liệt sỹ khác của Đồn cũng hy sinh đúng ngày 17/2. Vào đêm 16, rạng sáng 17/2/2011, Đại úy Trần Văn Duẩn cũng ngã xuống hy sinh.

Những người lính biên phòng gọi Lũng Pô là xứ sở mù sương, bởi nơi đây gần như quanh năm sương mù bao phủ. Có những ngày tầm nhìn xa không quá 2m. Mùa đông quần áo phơi mấy ngày không khô. Những ngày thời tiết đẹp rất hiếm. Nơi này cách chợ gần nhất ở xã Trịnh Tường cũng hơn 20km. Trước đây chỉ có đường mòn, vượt qua đồi núi cheo leo, đất đỏ trơn trượt mỗi khi mưa xuống, bà con chỉ đi chợ phiên cuối tuần. Nay Lũng Pô đã có đường bê tông, giao thông thuận tiện, điện thoại di động đã phủ sóng được mấy năm. Trước đây, cả xã A Mú Sung không hề có điện thoại. Giờ cả 6 xã trên tuyến biên giới của huyện Bát Xát với chiều dài 67km đã phủ sóng di động.

Nhờ “cái di động”, bà con giờ chuyện gì cũng biết cả. Điện thoại di động vừa để liên lạc với người thân, vừa là nghe đài FM, vừa nghe nhạc, rồi còn chụp ảnh được nữa. Nhờ di động mà công tác quản lý địa bàn cũng như thông tin của các chiến sĩ BP nơi đây thuận lợi hơn.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Chính trị viên Đồn BP A Mú Sung cho biết: “Trước đây, có việc gì bất thường là người dân phải đi bộ, hoặc đi xe máy lên tận Đồn báo cáo. Cần chỉ đạo việc gì, Đồn cũng phải cử người xuống tận thôn. Nhưng nhờ có sóng điện thoại di động, suốt tuyến biên giới do Đồn A Mú Sung quản lý, có bất kỳ chuyện gì khác thường, đều được bà con thông báo ngay. Có người xin qua biên giới thăm người thân, trao đổi hàng hóa, khi qua đó có chuyện bất trắc, nhờ có di động gọi ngày về bên này, nên chính quyền, Đồn BP và người thân phối hợp giải quyết kịp thời”.

Sự chuyển mình thần kỳ ở vùng biên viễn

Nhìn màu xanh trù phú của Lũng Pô bây giờ khó ai có thể hình dung, trước đây, nơi này là vùng đất hoang vu, khô cằn, đầy lau lách.Lũng Pô giờ có 2 thôn: Lũng Pô 1 và Lũng Pô 2. Ông Ma Seo Páo vốn là Trưởng thôn Ngải Thầu của xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Dìn Chin là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. 90 hộ dân Ngải Thầu sinh sống chênh vênh trên sườn núi đá. Nơi đó thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, chỉ có một mạch nước nhỏ cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Đất sản xuất ít, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng là nguyên nhân khiến cho hầu hết người dân Ngải Thầu rơi vào cảnh đói nghèo. Vì vậy, năm 2006, ông Trưởng thôn Páo tiên phong đi tìm vùng đất mới để an cư lạc nghiệp.

Năm 2007, 19 hộ dân Ngải Thầu bắt đầu hành trình di cư về vùng đất mới theo kế hoạch giãn dân ra biên giới do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức. Các hộ được Nhà nước hỗ trợ một số tiền và gạo để ổn định cuộc sống. Gia đình ông Páo dỡ căn nhà dựng bằng gỗ sa mộc ở Dìn Chin vận chuyển đến vùng đất mới làm nhà. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Đoàn Kinh tế quốc phòng 345 và cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung, chỉ trong vòng 1 tháng, 19 ngôi nhà đã mọc lên lập thành một thôn mới với tên gọi Lũng Pô 2.

Trong thành công của Lũng Pô 2 có sự góp sức không nhỏ của những người lính BP A Mú Sung. Chính các anh là điểm tựa ban đầu cho bà con khi chân ướt chân ráo về Lũng Pô lập nghiệp.

Ở vùng đất mới, gia đình ông Páo chọn làm điểm để rồi nhân rộng mô hình làm kinh tế ra toàn bản. Anh Ma Seo Lằng - con trai thứ của ông Ma Seo Páo giờ là Phó ban Mặt trận Tổ quốc xã A Mú Sung. Anh Lằng đã học hết lớp 9, là người có trình độ so với mặt bằng dân trí chung của người Mông vùng cao.

Anh Páo kể: “Năm 2006, bố tôi tới Lũng Pô tìm đất, gây dựng cuộc sống mới. Tin lời bố tôi rằng cuộc sống nơi này đỡ khổ hơn, nhiều hộ khác quyết định rời quê cũ chuyển tới đây. Ngày đầu, chúng tôi chỉ trồng ngô và lúa. Cái bụng no hơn nhưng vẫn còn nghèo. Thấy phía bên kia biên giới, người dân sống no đủ nhờ trồng chuối và dứa, bố tôi cũng học theo. Ông mua cây giống về trồng, rồi tự mày mò nhân giống dứa. Sau này, ông trồng thêm cả chuối. Nhờ có cây chuối và dứa, cuộc sống của gia đình tôi no đủ hơn”.

Học theo Trưởng thôn Páo, người dân Lũng Pô 2 thu hẹp diện tích trồng ngô, lúa, bắt đầu trồng chuối và dứa. Chỉ trong vòng 4 năm, diện tích trồng chuối, dứa của cả thôn đã lên tới 50ha. Riêng hai vợ chồng anh Lằng đã có 4ha chuối, dứa, còn lại 4ha đất trồng ngô, sắn. Mỗi năm ruộng dứa của gia đình anh thu hoạch được gần 10 tấn quả. Hết đói khổ, vợ chồng anh Lằng tích góp được tiền để xây nhà.

Bây giờ, thôn Lũng Pô 2 là nơi định cư an lành của 29 hộ với 180 khẩu dân tộc Mông, là một điểm sáng về văn hóa, kinh tế vùng biên. Anh Lằng cho biết: “Ở đây tốt hơn quê cũ nhiều vì có đất sản xuất và nước sinh hoạt. Huyện đầu tư xây dựng cho chúng tôi 5 bể nước chứa sinh hoạt. Thôn tôi cũng có riêng một trường tiểu học được xây năm 2008.”.

Ghi chép của Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/doi-thay-than-ky-noi-song-me-chay-vao-to-quoc-380430.html