Đổi thay trên cánh đồng Phú Điền

Xã Phú Điền (huyện Tân Phú) là xã thuần nông với những cánh đồng lúa, ao cá, ruộng sen năng suất cao, quanh năm được dòng sông La Ngà cung cấp nước ngọt và bồi đắp phù sa. Một mùa xuân mới cận kề, ruộng vườn, khu dân cư xã Phú Điền thêm tô đậm nét xuân vui.

Những chân ruộng thấp được nông dân xã Phú Điền (huyện Tân Phú) chuyển đổi sang trồng sen cho thu nhập cao.

Xã Phú Điền xây dựng thành công nông thôn mới vào năm 2016 và quyết tâm đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2019. Qua từng mùa xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Điền càng tự hào với những nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng xây dựng địa phương thêm sung túc, phát triển.

* “Chinh phục” đầm lầy

Có mặt ở Phú Điền từ năm 1976, ông Đặng Đức Thuận (68 tuổi, ấp 4) cho biết, vào thời điểm đó cánh đồng Phú Điền toàn đầm lầy, cỏ dại um tùm, chỉ có một số ít ô ruộng nhỏ của nông dân bản địa và người đi kinh tế mới di cư từ TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc vừa mới khai phá. Do là vùng đầm lầy nên tôm, cá nơi cánh đồng Phú Điền nhiều đến mức chỉ cần nhà nông thò chân xuống ruộng là đạp phải.

Chủ tịch UBND xã Phú Điền Nguyễn Văn Ngọc cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn năng suất cao, giá trị lớn; mời gọi đầu tư, thu hút du lịch sinh thái, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác giá trị cảnh quan, môi trường, môi sinh do cánh đồng Phú Điền mang lại.

Để khai phá được 25 hécta ruộng, 5 hécta ao như ngày nay là thành quả của cả quá trình lao động bền bỉ, cực khổ của vợ chồng ông. Ông Thuận kể, với con trâu, cái cuốc thô sơ, vợ chồng ông chọn những gò đất cao, bằng phẳng nơi vùng đầm lầy Phú Điền để trồng lúa 1 vụ. Do sản xuất bằng sức người, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên những vụ lúa mà gia đình ông Thuận dồn sức, vắt công ra cày cấy chẳng thu được bao nhiêu vì sâu bệnh, thú rừng phá, thiên tai. Chính vì vậy, ngày xuân của nhà nông nơi cánh đồng Phú Điền những năm đầu khai phá đất ngoài nghĩa tình, chẳng có gì cao sang.

Ông Nguyễn Ngọc Thăng (66 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 5) kể, mãi đến năm 1995 gia đình ông mới chân ướt, chân ráo vào xã Phú Điền lập nghiệp. Lúc đó, cánh đồng Phú Điền vẫn đầy lau sậy, lục bình và cỏ dại. Khu dân cư ấp 5 nơi ông Thăng ở hiện nay, trước kia là gò đất cao trên đầm lầy. Mùa mưa lũ, nhà nông phải kết thân cây chuối thành bè nhỏ để chuyển lúa từ ruộng mới gặt, từ ruộng ngập lên bờ cao đập. Thời đó, ruộng chỉ làm được 1 vụ lúa trong năm và vụ sau nếu nhà nông không tiếp tục canh tác thì lau sậy, cỏ dại nhanh chóng quay trở lại.

Mỗi nhóm dân cư về xã Phú Điền lập nghiệp đều chinh phục vùng đầm lầy này theo cách riêng của mình. Ông Nguyễn Kinh (ngụ ấp 5, xã Phú Điền, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế,) bộc bạch, dân Nam bộ đến trước, có điều kiện kinh tế thì dùng nhiều máy móc để khai khẩn đất và sản xuất trên diện tích rộng. Còn dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến sau, ruộng ít, ruộng xấu, vốn liếng không có thì lấy sức, sự cần cù, nhẫn nại tạo ra những ô ruộng nhỏ (1-2 sào) với 2 vụ lúa được bón bằng phân chuồng. Thời gian không sản xuất được hoặc năm hết, tết đến có nhóm người bám đầm lầy Phú Điền đánh bắt tôm, cá; nhóm khác thì tranh thủ đi làm thuê mướn ở các vùng trồng thuốc lá, đậu, cà phê tại các xã: Phú Hòa, Trà Cổ, Phú Lợi....

* Những mùa xuân sung túc

Mùa xuân năm 2000, nông dân xã Phú Điền chộn rộn niềm vui khi hệ thống thủy lợi cánh đồng Phú Điền được xã, huyện, tỉnh đầu tư và đưa vào khai thác. Những thửa ruộng 1 vụ lúa trước kia, nay sản xuất được 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu hoặc 3 vụ lúa, sen, ao cá.

Cánh đồng Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) tiếp tục hứa hẹn vụ mùa bội thu, với năng suất đạt từ 8-10 tấn/hécta.

Ông Hoàng Lê Vinh Quang, cán bộ phụ trách nông thôn mới xã Phú Điền thổ lộ, bản thân ông cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong sản xuất khi hệ thống thủy lợi, kênh mương Đồng Hiệp được đầu tư, đưa vào khai thác. Vùng trũng ngập nước lập tức được thoát nước ra sông La Ngà bằng hệ thống kênh mương. Riêng khu gò cao, mùa nắng vốn khô khan không sản xuất được, nay nông dân gieo sạ lúa vụ mùa hoặc lên liếp trồng hoa màu hay trồng cây ăn trái. Bên cạnh đầu tư hệ thống thủy lợi, đường kênh mương, địa phương còn kéo lưới điện trung, hạ thế về vùng sản xuất và khu dân cư.

Nông dân Nguyễn Hòa (50 tuổi, ấp 4) bộc bạch, từ lúc đập thủy lợi Đồng Hiệp và hệ thống kênh mương nội đồng đưa vào khai thác, cánh đồng Phú Điền quanh năm luôn có màu xanh, màu đỏ hồng của lúa và hoa sen. Đây cũng là thời điểm nông dân nơi cánh đồng Phú Điền gieo sạ được 3 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 hoa màu năng suất cao, không còn hồi hộp lo mưa lũ hay hạn hán như những năm về trước. Mùa xuân năm 2000, nông dân nơi cánh đồng Phú Điền rất phấn khởi mỗi khi đi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì, nhìn hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nguồn nước ngọt tưới từng chân ruộng mà hả hê lòng.

Hiện nay, ruộng vườn, ao cá, hồ sen của nông dân xã Phú Điền cho giá trị lợi nhuận trên 100 triệu đồng/hécta/năm, nhà nông ngày càng có cuộc sống sung túc. Điều này càng khuyến kích nông dân Phú Điền chung sức, đồng lòng cùng ban điều hành các ấp, hệ thống chính trị và chính quyền xã dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Từ đó, những tuyến đường nội đồng, dân sinh lầy lội nhanh chóng được cứng hóa và kết nối cánh đồng với khu dân cư, trung tâm xã. Những căn nhà khang trang, đại đoàn kết nơi khu dân cư xuất hiện ngày một nhiều sau những vụ mùa.

Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao từ năm 2012 đến nay ở xã Phú Điền ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp cho cánh đồng Phú Điền thêm sức bật mới. Bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền cho biết, trong năm 2019 ngoài việc tiếp tục chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị đất canh tác, địa phương còn vận động bà con phát triển du lịch sinh thái ở khu vực cánh đồng Phú Điền để nông dân ở đây nâng cao thu nhập từ ao cá, vườn sen...

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/201812/doi-thay-tren-canh-dong-phu-dien-2927034/