Đổi thay trên những vùng quê nông thôn mới

Trong tiết trời mùa xuân ấm áp, diện mạo bộ mặt những vùng quê nông thôn mới (NTM) tại các địa phương được thay da đổi thịt, bừng lên sức sống mới với những con đường bê tông bằng phẳng, mở rộng, nối liền các xóm, hai bên đường những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, cao tầng mọc lên san sát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Nông thôn mới khởi sắc

Trở lại xã NTM Phong Châu (Trùng Khánh) trong tiết trời se lạnh của những ngày cận kề Tết Giáp Thìn, không khó để nhận ra diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay. Việc về đích NTM từ năm 2016 đến nay đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đến nay, 100% đường trục xã được nhựa hóa, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 95% hộ có nhà ở đạt chuẩn, xã không có nhà tạm, nhà dột nát, điều kiện về y tế, giáo dục, an sinh xã hội luôn đảm bảo.

Chủ tịch UBND xã Phong Châu Nông Thế Thuần phấn khởi cho biết: Có được kết quả trên là sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã trong quá trình xây dựng NTM gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tập trung mở rộng diện tích trồng thuốc lá, nuôi vịt cỏ, trồng các loại cây đặc sản như nếp Ong, dẻ, phát triển nuôi gia súc, mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ gắn với phát triển du lịch sinh thái, nuôi cá lồng trên hồ Bản Viết. Hiện nay, xã duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/năm; 91% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; độ che phủ rừng đạt 61%...

Bà con xóm Lũng ỉn, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) chăm sóc cây thanh long.

Tại xã Ngọc Đào (Hà Quảng), chúng tôi thấy rõ sự đổi thay ở vùng quê này, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày một phát triển với đa dạng các loại hình. Các công trình giao thông được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông được nâng cấp, mở rộng, giúp nhân dân tiếp cận nhiều dịch vụ xã hội...

Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Đào (Hà Quảng) Đàm Thị Huệ, xác định xây dựng NTM nâng cao là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nên cùng với bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, xã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng chuồng chăn nuôi… Năm 2023, toàn xã trồng 353,8 ha thuốc lá, sản lượng đạt 1.082,6 tấn. Tổng sản lượng lương thực đạt 2.791,96 tấn. Đến nay, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM, trong đó 6/19 tiêu chí NTM nâng cao (quy hoạch, điện, hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, lao động, quốc phòng - an ninh). Hiện nay, hệ thống hạ tầng cơ sở được xã đầu tư với hơn 27 km đường liên xóm, các tuyến mương chính được kiên cố hóa, 13/13 xóm có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, không có nhà tạm, nhà dột nát, 86,3% hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm...

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Vũ Minh (Nguyên Bình) tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú; lồng ghép nội dung trong các hội nghị của xã và các cuộc họp xóm, sinh hoạt chi bộ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, có giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM. Năm 2023, xã tổ chức 14 cuộc tuyên truyền NTM, vận động nhân dân hiến 8.800 m2 đất xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Từ xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc. Các nhóm đồng sở thích về chăn nuôi, trồng trọt được thành lập lan tỏa đến các xóm phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị... đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho bà con. Năm 2023, xã đạt 13/19 tiêu chí NTM, giảm 5 - 6% hộ nghèo, quyết tâm về đích NTM trong năm 2024.

Anh Lý Tòn Ton, xóm Lũng Ỉn, xã Vũ Minh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, thanh long và chăn nuôi nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi xã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế gia đình, gia đình mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình nuôi 7 con bò, trên 50 con lợn đen, hằng năm xuất chuồng hơn 1 tấn lợn thịt cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ chăn nuôi hiệu quả, gia đình có điều kiện sắm sửa nhiều vật dụng sinh hoạt, máy móc nông nghiệp phục vụ đời sống và sản xuất.

Quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Nông Thanh Mẫn khẳng định: Giai đoạn 2021 - 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chương trình, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đến các tầng lớp nhân dân. Chương trình xây dựng NTM được các cấp, ngành hưởng ứng, người dân nhiệt tình tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đường nội đồng xã Trường Hà (Hà Quảng) được bê tông hóa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi.

Từ năm 2021 đến nay, các địa phương tổ chức 175 hội nghị tuyên truyền về xây dựng NTM cho 13.502 lượt người. Các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức phát động các phong trào thi đua sâu rộng “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Từ phong trào, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu như: hiến đất làm đường, trường học, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp ngày công lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường… Toàn tỉnh tập trung huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư và các nhà tài trợ 29,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 77.633 ngày công lao động làm đường nông thôn, kiên cố hóa mương nội đồng, làm nhà văn hóa và các công trình phúc lợi. Năm 2023, giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 107,5 tỷ đồng, bằng 33,09%, trong đó, vốn đầu tư trên 101 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 6,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 17/139 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 46 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 64 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 4 xã dưới 5 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã.

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Tập trung hỗ trợ đầu tư hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Huy động mọi nguồn lực, nhất là lồng ghép các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phát huy cao độ vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM... Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; trên 50 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 30% xóm được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 5% xóm được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doi-thay-tren-nhung-vung-que-nong-thon-moi-3167334.html