Đổi thay trên vùng biên giới Lai Châu

Trên khắp các bản làng người La Hủ và người Dao ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu hôm nay, lúa, ngô, cây ăn quả lên xanh ngút ngàn, đàn bò, đàn dê ngày càng nhiều hơn trên đồng cỏ, những ngôi nhà mới khang trang vững chắc đã thay thế cho những ngôi nhà cũ nát trước đây, tiếng học bài của trẻ nhỏ râm ran làng bản... Giờ đây, có sự đồng hành của những người lính mang quân hàm xanh, cuộc sống của bà con người La Hủ và người Dao đã bước sang trang mới với sắc màu của sự no ấm, đủ đầy.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp đồng bào La Hủ bản Hà Xi làm đất trồng lúa nước. Ảnh: Đức Duẩn

Bắt đầu từ một đề án mang tính nhân văn

Người La Hủ sinh sống chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, còn được gọi là tộc “lá vàng”, vì trước kia, họ sống du canh, du cư trong rừng, lợp lán sống tạm, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì chuyển nơi khác. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Đề án “BĐBP Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” được tiến hành.

Anh Phản Lê Xa, ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè vẫn luôn nhớ rõ quãng thời gian khi thành lập bản. Ngày đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã vận động bố của anh Phản Lê Xa là ông Phản Xạ Chô - một người có uy tín trong cộng đồng người La Hủ dẫn đường, băng rừng vượt suối tìm đến từng hộ gia đình động viên, thuyết phục bà con từ bỏ cuộc sống du canh, du cư để về định cư tại bản mới. Những người lính mang quân hàm xanh đã làm nhà, nhiều công trình dân sinh rồi vừa làm, vừa hướng dẫn bà con cách trồng lúa, trồng màu, nuôi thả gia súc, gia cầm. Trong gian khó, tình cảm giữa quân và dân cứ thế ngày thêm bền chặt, gắn bó. Anh Phản Lê Xa hồ hởi khoe với chúng tôi: “BĐBP giúp người dân dựng nhà, trồng lúa, trồng ngô…, cuộc sống của người dân trong bản đã khá lên nhiều so với trước đây”.

Cũng giống như bản Tân Biên, bản Nhú Ma, xã Pa Ủ nằm cheo leo giữa mênh mông núi rừng biên cương, là nơi sinh sống của 100% người dân La Hủ, đa phần trình độ văn hóa còn hạn chế. Là người có uy tín của bản làng, ông Ly Xạ Pu - Trưởng ban Công tác mặt trận bản Nhú Ma luôn xác định cần phải tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, xóa bỏ hủ tục, tham gia giữ gìn an ninh trật tự biên giới... Sau những năm tháng nỗ lực phát huy vai trò của mình, ông Ly Xạ Pu đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa bà con trong bản với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2017 đến năm 2022, ông Ly Xạ Pu đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản Nhú Ma tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động, đã tổ chức được 613 cuộc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với trên 10.000 lượt người tham gia. Hiện nay, đa số người La Hủ ở bản Nhú Ma đã có ý thức tích cực tham gia lao động, sản xuất, đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là mong muốn gắn bó và góp sức xây dựng quê hương biên cương ngày càng đẹp giàu. Những tín hiệu tích cực này chính là món quà tinh thần vô giá dành cho người cán bộ mặt trận tận tụy Ly Xạ Pu.

Từ cuộc sống du canh, du cư dựa vào tự nhiên để sinh tồn, người La Hủ nay đã biết làm ruộng nước, biết nuôi thả gia súc, gia cầm, ốm đau đã biết dùng thuốc, biết dùng điện thoại, mạng xã hội để trao đổi thông tin, bán những mặt hàng nông sản mà họ làm ra. Con em người La Hủ cũng được quan tâm chuyện học hành, biết nói tiếng phổ thông… Tất cả là một bước tiến dài của cộng đồng người La Hủ trên vùng cao biên giới tỉnh Lai Châu.

Lan tỏa tấm lòng - Lan tỏa ấm no

Nếu huyện Mường Tè là nơi sinh sống chủ yếu của người La Hủ thì huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) là nơi có những bản làng của người Dao cũng đang đổi thay, khởi sắc từng ngày. Trước đây, người Dao Tiền ở xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ thường sống trên núi cao, du canh, du cư nay đây mai đó nên cái đói, cái nghèo luôn vây quanh cuộc sống của mọi gia đình, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại.

Để giúp bà con định canh, định cư, xây dựng cuộc sống mới, cuối năm 2004, BĐBP Lai Châu đã giao nhiệm vụ cho Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Ma Lù Thàng đưa bà con người Dao xuống núi lập bản. Bằng sự bền bỉ, kiên trì, các cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Ma Lù Thàng đã vận động được bà con xuống định canh, định cư trên vùng đất mới và bản Hùng Pèng cũng ra đời từ đó.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân bản Tân Biên. Ảnh: Đức Duẩn

Là người đã trải qua những tháng ngày cơ cực, anh Phàn Quẩy Trào (bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho) thấu hiểu cái đói, cái nghèo, nên khi được BĐBP giúp phát triển kinh tế, anh rất phấn khởi, coi đây là cơ hội để gia đình có thể cải thiện cuộc sống. Với 2ha đất đồi, anh Trào bắt tay vào trồng chuối, một mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế khá cao. Do khí hậu thổ nhưỡng vùng đất biên giới hợp với loại cây này, lại được chăm sóc đúng cách nên cả vườn chuối của gia đình anh phát triển tốt.

Ngày nào cũng vậy, anh Trào dành nhiều thời gian chăm chút cho từng cây chuối trong vườn. Công sức của anh bỏ ra đã thu về những trái ngọt, chuối nhà anh buồng to, quả nhiều, cho năng suất cao, mỗi năm, anh thu hoạch tới vài ba tấn chuối quả. Từ các nguồn thu trong chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh Trào nay đã có tiền để làm được một ngôi mới khang trang, trong nhà có ti vi, xe máy, cuộc sống cũng đầy đủ hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Phàn Quẩy Trào cho biết: “Gia đình tôi ngày trước rất khó khăn, được BĐBP giúp đỡ về cách trồng chuối nên kinh tế gia đình bây giờ cũng khá lên rồi. Cảm ơn các chú BĐBP nhiều lắm”.

Cuộc sống của bà con bản Hùng Pèng tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn còn một số gia đình khó khăn, thiếu thốn, nhất là về vấn đề nhà ở bị xuống cấp. Năm 2022 vừa qua, thực hiện Đề án xây dựng 600 ngôi nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ (hay còn gọi là Đề án 645), cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Ma Lù Thàng đã góp sức cùng các cấp, các ngành xây dựng 4 căn nhà cho bà con người Dao bản Hùng Pèng. Theo đề án, mỗi căn nhà xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Ma Lù Thàng đã vượt qua rất nhiều khó khăn để giúp 4 hộ dân có nơi ở mới, khang trang.

Thượng tá Hà Đức Long, Chính trị viên Đồn BPCK Ma Lù Thàng chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai đề án này. Nhưng bằng sự kiên trì, chúng tôi cử cán bộ vận động quần chúng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi tuyên truyền, vận động, giải thích đây là chủ trương đúng đắn, hỗ trợ bà con có ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, đầm ấm. Tôi cùng Ban Chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp bám nắm cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Bộ đội luôn sẵn sàng lăn xả, trực tiếp tham gia san nền, đổ nền, vận chuyển vật liệu xây nhà giúp dân. Thế rồi, bao gian khó cũng qua nhanh, 4 hộ dân giờ đây đã có căn nhà mới khang trang, sạch đẹp”.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cho biết: “Chúng tôi phối hợp với cấp ủy, chính quyền 12 xã biên giới của huyện Phong Phổ tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt những hộ nghèo hộ khó khăn hiểu mục đích, ý nghĩa nhân văn của đề án để phối hợp với BĐBP trong di chuyển lấy mặt bằng làm nhà mới, vận chuyển nguyên vật liệu giúp dân”.

Được ở trong căn nhà mới ấm áp nghĩa tình, gia đình anh Lý Chỉn Ngan, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho rất vui mừng, phấn khởi. Nay đã “an cư”, gia đình anh yên tâm tập trung làm ăn, phát triển kinh tế để “lạc nghiệp”. Anh Lý Chỉn Ngan nói: “BĐBP giúp gia đình tôi từ khi làm nền nhà, đào móng, khênh vật liệu vào nhà, đến khi lợp mái. Đến bây giờ, mưa gió, bão lụt, tôi cũng không lo gì nữa. Cảm ơn BĐBP”.

Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua, nhưng nhờ có sự đồng hành của những người lính Biên phòng, chắc chắn rằng, trong thời gian tới, cuộc sống của bà con người La Hủ và người Dao trên vùng biên giới Lai Châu sẽ ngày càng thêm ấm no, hạnh phúc.

Đức Duẩn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thay-tren-vung-bien-gioi-lai-chau-post459204.html