Đổi thay trên vùng 'đất khó'

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và một phần vùng biên giới Đông Nam Bộ, cuối năm 1998, Bộ trưởng Quốc phòng đã quyết định thành lập Binh đoàn 16. Bộ Tư lệnh Binh đoàn đặt tại tỉnh Bình Phước, có nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh hai tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước (sau này Đắk Lắk chia tách thêm tỉnh Đắk Nông).

* Những con đường bê-tông giúp người dân xã Đắk Ngo đi lại thuận lợi hơn.

* Những con đường bê-tông giúp người dân xã Đắk Ngo đi lại thuận lợi hơn.

Cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 về thăm vùng dự án của Trung đoàn 720, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là hình ảnh vùng núi trước đây khô cằn hẻo lánh nay đã khoác lên mình “bộ áo” hoàn toàn mới. Để có được thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của Trung đoàn 720 - đơn vị đã có mặt ngay từ những ngày đầu và đêm ngày bám bản, bám thôn, ấp; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào giúp dân trong vùng dự án.

Vào những ngày này, bà con thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vui mừng và phấn khởi vì được Trung đoàn 720 đầu tư bê-tông hóa con đường đất đỏ trơn trượt như chảo mỡ trong mùa mưa, bụi mù mịt mỗi khi có xe máy đi qua trong mùa khô. Tuyến đường dài hơn 2,5 km hoàn thành đã giúp người dân lưu thông thuận lợi, rút ngắn quãng đường đến trường của con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây. Bà Nguyễn Thị Lượt, Trưởng thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo cho biết: Toàn thôn có 100 hộ dân, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây giá nông sản liên tiếp chạm đáy cho nên kinh tế khá khó khăn. Mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng chúng tôi không thể đóng góp đủ kinh phí để thực hiện. Phải nhờ Trung đoàn 720 hỗ trợ thì tuyến đường mới được khởi công, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Xã Đắk Ngo là địa bàn chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cho nên địa hình khá phức tạp, dân cư sống không tập trung vì vậy việc học tập của trẻ em bị gián đoạn hoặc bỏ lỡ. Để tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường thuận lợi, Trung đoàn 720 đã xây dựng Trường tiểu học Kim Đồng gồm tám phòng học khang trang và hai nhà ở cho giáo viên. Đồng thời, xây dựng thêm Trường mầm non Hoa Ban và bốn nhà trẻ, nhà mẫu giáo phân bố rộng khắp trong vùng dự án của Trung đoàn đã tạo điều kiện cho hơn 300 lượt trẻ em đến trường mỗi năm. Song song với đó, đơn vị cũng đã xây dựng một khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi và khu liên hợp văn hóa - thể thao.

Đơn vị cũng làm mới 22 km đường cấp phối, 10 cầu bê-tông, 15 km đường điện trung, hạ thế, đưa điện về vùng sâu, vùng xa thắp sáng các bản làng; xây dựng 17 đập nước để tưới cho cây trồng trong mùa khô. Để giúp nhân dân có nước sạch trong sinh hoạt, Trung đoàn đã xây dựng hai nhà máy nước, khoan 35 giếng, 21 bể nước. Riêng năm 2018, đơn vị đầu tư xây mới bệnh xá quân - dân y trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân trong vùng… Những công trình đó đều nhằm mục đích phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân trong vùng dự án kinh tế - quốc phòng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: Trong những năm qua, Trung đoàn 720 đã cùng chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Trung đoàn xây dựng nhiều công trình thiết thực nâng cao chất lượng đời sống vùng nông thôn, góp phần cùng chính quyền hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trung đoàn 720 được thành lập năm 1999 với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với ổn định dân cư và củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn hai huyện Tuy Đức, Đăk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông). Nơi đơn vị đứng chân thuộc vùng sâu, xa, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Năm 2002, nhận nhiệm vụ cấp trên giao, đơn vị tiếp nhận, tổ chức tái định cư cho 312 hộ trong tổng số 1.986 người là đồng bào dân tộc H’Mông từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư vào, quy hoạch thành ba bản Giang Châu, Sín Chải và Si Át. Đại tá Nguyễn Văn Trọng Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 16, nguyên Chính ủy Trung đoàn 720 cho biết: Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhất là trong điều kiện đơn vị mới thành lập còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Số hộ đồng bào này đã di cư ở nhiều nơi, cuộc sống bấp bênh, phần lớn không biết chữ, tập quán sinh hoạt và làm ăn lạc hậu… Không những vậy, những ngày đầu vận động, nhiều người không chịu từ bỏ chỗ ở cũ để đến nơi mới. Tuy nhiên với phương châm “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), anh em mắc võng ở những nơi thuận tiện, hằng ngày vào giúp bà con dọn dẹp, hướng dẫn thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn chín uống sôi, ngủ màn tránh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết… Kiên trì vận động, sau nhiều ngày bền bỉ thuyết phục, bà con đồng ý chuyển về vùng đất mới tại xã Đắk Ngo, nơi đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng.

Để giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, Trung đoàn 720 đã cấp cho mỗi hộ từ 400 đến 700 m2 đất để làm nhà, 1 ha đất sản xuất và được tham gia nhận khoán vườn cây. Bên cạnh đó, các hộ dân còn được hỗ trợ tiền làm nhà, bảo đảm lương thực, công cụ sản xuất, hỗ trợ vốn, giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn vệ sinh, tuyên truyền cho bà con từ bỏ tập tục lạc hậu. Nhờ đó, đến nay đời sống của 312 hộ đã ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu xây nhà mới, mua sắm đồ dùng hiện đại. Kinh tế ổn định, các hộ còn nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tiêu biểu như gia đình anh Vàng A Chớ (ở bản Sín Chải, xã Đắk Ngo) từ 1 ha đất sản xuất được Trung đoàn 720 hỗ trợ năm 2002, đến nay gia đình anh Chớ đã vươn lên làm giàu, cho các con ăn học đầy đủ. Anh Chớ cho biết, để phát triển kinh tế trên vùng đất mới, gia đình anh đã mua tôn về dựng nhà ở tạm và trồng khoai, mì xen điều, cà-phê để lấy ngắn nuôi dài. Sau ba năm, khi điều và cà-phê cho thu hoạch, số tiền thu được hằng năm từ điều và cà-phê (trung bình gần 70 triệu đồng/năm), gia đình anh lại tích góp và mua thêm đất sản xuất. Đến nay, gia đình anh có 6 ha đất trồng các loại cà-phê, cao-su, điều. Trung bình một năm, trừ chi phí sản xuất thu lời hơn 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Không những làm kinh tế giỏi, bản thân anh Chớ và gia đình luôn chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, anh Chớ được người dân tín nhiệm bầu là phó trưởng bản, kiêm công an viên.

Từ Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16, chúng tôi ngược quốc lộ 14 và một số tuyến đường liên xã để lên thăm ngôi nhà con nuôi của Binh đoàn 16, khi mặt trời đã đứng bóng. Trong căn nhà cấp bốn được xây dựng kiên cố, giờ còn bốn chị em gồm: Sùng A Dàng (SN 2002); Sùng Thị Gió (SN 2004) Sùng Thị Nu (SN 2006) và Sùng Thị Sùng (SN 2007) đang quây quần bên mâm cơm trưa. Thấy nhà có khách, các em vội ăn cho xong bữa rồi đón tiếp chúng tôi bên chiếc bàn hằng ngày ngồi học bài. Nhờ được các chú bộ đội hướng dẫn cách ăn, ở cho nên căn nhà khá ngăn nắp và sạch sẽ. Riêng chị cả Sùng Thị Dinh (SN 2000) đã trưởng thành và lập gia đình riêng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 720, cho biết: Cách đây 5 năm, thông qua báo chí, lãnh đạo Binh đoàn 16 biết được thông tin năm cháu người H’Mông mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thấy hoàn cảnh khó khăn của các cháu cho nên Bộ Tư lệnh Binh đoàn chỉ đạo Trung đoàn 720 đón các cháu về nuôi và coi như con của Trung đoàn. Đơn vị đã xây nhà tình thương ngay tại bản Giang Châu, xã Đắk Ngo và làm thủ tục pháp lý với chính quyền tỉnh Đắk Lắk, rồi đón các cháu về trong tình thương yêu, đùm bọc của dân bản và các chú bộ đội. Trung đoàn cử người làm “bảo mẫu” chăm sóc năm đứa trẻ, nuôi dưỡng, dạy học, dạy nghề và hằng ngày mua thức ăn cho các cháu. Đến nay, người chị cả Sùng Thị Dinh đã yên bề gia thất và được Trung đoàn bố trí làm việc tại nhà trẻ của đơn vị với mức lương hơn sáu triệu đồng/tháng. Còn các em của Dinh đang được theo học tại Trường tiểu học Kim Đồng và Trường THCS Trần Phú tại xã Đắk Ngo.

Chị Sùng Thị Dinh cho biết: Sau khi bố mẹ mất, năm chị em về sống với ông bà nội. Nhưng do hoàn cảnh ông bà cũng khó khăn cho nên cả năm chị em không được đến trường. Năm 2014, sau khi được Trung đoàn 720 nhận làm con nuôi, dù phải xa ông bà nhưng bù lại chúng em được quan tâm, được lo cho chỗ ở, cái ăn, cái mặc và được đến trường. Giờ đây, em đã lập gia đình có cuộc sống riêng, ổn định, các em đứa nào cũng được đến trường, chăm ngoan, học giỏi. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, là nhờ tấm lòng của các cô, các chú Binh đoàn 16 mà trực tiếp là Trung đoàn 720. Các cô, các chú như là người cha, người mẹ sinh chúng em ra lần thứ hai và cho chúng em một cuộc sống đầy đủ. Không chỉ nuôi dưỡng 5 chị em Sùng Thị Dinh, Trung đoàn 720 còn chu cấp lương thực, hỗ trợ tiền ăn học cho hàng chục cháu nhỏ mồ côi thuộc xã Đắk Ngo.

* Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720 giúp nhân dân làm đường giao thông.

Bài và ảnh: NHẤT SƠN, TUẤN DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/42427502-doi-thay-tren-vung-%E2%80%9Cdat-kho%E2%80%9D.html