Đối thoại gay gắt về bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại

Ngày 3-1, cuộc đối thoại giữa Bộ GD-ĐT, thành viên hội đồng thẩm định SGK mới và GS Hồ Ngọc Đại đã diễn ra với nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt, nặng lời nhưng chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.

Buổi đối thoại giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại về bộ sách công nghệ giáo dục chính thức diễn ra vào sáng 3-1.

Tại buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đối thoại về "Chương trình thực nghiệm", năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định chương trình Thực nghiệm theo 2 vòng. Hội đồng gồm 13 thành viên do Viện Khoa học Giáo dục thành lập. Hội đồng đã trình bộ trưởng kết quả đánh giá vòng 1 chương trình Thực nghiệm phù hợp với chương trình hiện hành và cho phép thực hiện 1 năm trước khi chương trình GD phổ thông mới triển khai.

Ở vòng 2, hội đồng cũng khẳng định có một số ý kiến góp ý từ vòng 1 đã được tác giả sửa chữa, nhưng còn một số nội dung chưa sửa chữa. Do vậy trong số 6 bộ SGK được đưa ra hội đồng thẩm định thì duy nhất bộ SGK công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại.

GS Hồ Ngọc Đại muốn biết sách công nghệ giáo dục có được triển khai cho năm học mới hay không?

GS Hồ Ngọc Đại muốn biết sách công nghệ giáo dục có được triển khai cho năm học mới hay không?

Phát biểu tại buổi đối thoại, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông đến họp với ý kiến duy nhất, tìm mọi cách xác nhận bộ sách này có được triển khai cho năm học mới hay không.

“Khi bộ sách bị loại, tôi không oán trách Hội đồng thẩm định bởi họ làm đủ trách nhiệm. Bộ sách công nghệ của chúng tôi thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, tôi không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, tôi chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra. Vì lí lẽ đó, tôi cho rằng không thể sửa chữa” - ông nói.

GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia môn Toán khẳng định, việc thẩm định các bộ sách đều khách quan, công tâm và đều là những người có trình độ nên kết quả đáng tin cậy.

GS Trần Kiều cho rằng bao giờ có một chương trình mới, sẽ có những SGK mới phù hợp với chương trình. Có những cuốn SGK rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy lý do sách của GS Hồ Ngọc Đại có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục.

Đề xuất giải pháp, PGS .TSKH Nguyễn Kế Hào cho rằng Bộ GD-ĐT nên thẩm định sách của GS Hồ Ngọc Đại theo cách khác để các hội đồng có tư duy cởi mở, vận dụng hướng dẫn linh hoạt đồng thời vẫn đảm bảo đầu ra các lớp học, cấp học. Theo PGS Hào, chương trình công nghệ giáo dục được triển khai tại các tỉnh, thành và được phản hồi tích cực.

Nhiều địa phương như Hà Nam, học sinh học sách công nghệ xong không nói ngọng. Một số tỉnh khác, học sinh không tái mù. PGS Hào khẳng định, hội đồng thẩm định 6 bộ sách, 5 bộ được đánh giá đạt, còn bộ sách công nghệ giáo dục bị loại. Điều này không bình thường, làm cho dư luận xã hội quan tâm và bức xúc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ điều hành buổi đối thoại về bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, tổ chức một cách thẩm định khác cho sách Công nghệ giáo dục khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK.

"Bộ GD&ĐT đánh giá Sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại là tốt, nhưng cần phải thực hiện theo nội dung chương trình đã ban hành. Bộ rất mong muốn cuốn sách sẽ phù hợp để đưa vào các trường học, tuy nhiên phải đảm bảo việc cùng một công thức cùng một quy trình đánh giá. Các thành viên hội đồng thẩm định đều mong muốn tác giả và cộng sự sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh cuốn sách cho phù hợp”- Thứ trưởng Độ đề nghị.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Kế Hào cho rằng Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng giải đáp chưa thỏa đáng và sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên. Ông Hào cho biết rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD-ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu.

Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi.

“Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD-ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”- GS-TSKH Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh cuối buổi họp.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/doi-thoai-gay-gat-ve-bo-sach-cong-nghe-giao-duc-cua-gs-ho-ngoc-dai/838538.antd