Đối thoại với công nhân, người lao động ở Bình Phước

Ngày 21/5, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đã chủ trì buổi đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động năm 2024 với chủ đề 'Công nhân Bình Phước với khát vọng phát triển quê hương'.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường trả lời các kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường trả lời các kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại.

Cùng dự buổi đối thoại có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh; lãnh đạo các sở, ngành và hơn 300 đại biểu.

Đây là một trong những hoạt động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân theo Quyết định số 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.

Thông qua đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và các sở, ngành liên quan mong muốn lắng nghe những ý kiến đề xuất, kiến nghị cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu về việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến người lao động.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 năm qua. Theo đó, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng khá; nhiều dự án, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động; quan hệ lao động trong các doanh nghiệp bảo đảm hài hòa, ổn định; các vụ tranh chấp lao động được kịp thời giải quyết; chính sách, chế độ đối với người lao động được bảo đảm.

Cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tham dự buổi đối thoại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tham dự buổi đối thoại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Năm 2023, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu nhập bình quân đạt khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Do tác động của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2022, Bình Phước có 1.265 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động; riêng năm 2023 có 111 doanh nghiệp đăng ký giải thể, 452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ xảy ra 9 vụ tranh chấp lao động tập thể, không có phát sinh vụ việc đình công. Tính đến hết quý I/2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước quản lý 1.305 tổ chức công đoàn cơ sở với tổng số 116.011 đoàn viên; trong đó, công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu kinh tế của tỉnh chiếm khoảng 62%.

Trước tình hình việc làm, đời sống, điều kiện làm việc của một bộ phận đoàn viên, nhất là lao động tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn; hoạt động của tổ chức công đoàn có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế...

Từ thực tế, đó, người đứng đầu cấp ủy của Bình Phước đã tổ chức đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động.

Đoàn viên công đoàn phát biểu ý kiến, kiến nghị với Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Đoàn viên công đoàn phát biểu ý kiến, kiến nghị với Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, đã có 21 ý kiến với các nhóm vấn đề: nhà ở, các thiết chế và các phúc lợi xã hội, chính sách tiền lương và phụ cấp, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực và một số vấn đề liên quan đến công đoàn viên và người lao động.

Các nhóm ý kiến được lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn trả lời tại buổi đối thoại, một số ý kiến, kiến nghị được ghi nhận và hứa sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Hội nghị đối thoại là quá trình tiếp thu ý kiến từ cơ sở, là những tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của công đoàn viên, người lao động liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đây là những vấn đề rất thiết thực, nhất là vấn đề và nhà trọ cho công nhân, nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, rồi vấn đề an ninh, an toàn trong lao động…

Đoàn viên công đoàn phát biểu ý kiến, kiến nghị với Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Đoàn viên công đoàn phát biểu ý kiến, kiến nghị với Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Công đoàn viên, người lao động không thể bình an, hạnh phúc khi sống trong môi trường lo sợ bị trộm cắp, tội phạm; lao động trong môi trường mất an toàn. Do đó, các cấp, các ngành, nhất là ngành công an cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, đối thoại với công đoàn viên, người lao động là đối thoại liên quan đến các chính sách, do đó các cơ quan chuyên môn cần ghi nhận, trên cơ sở đó tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp giải quyết các vấn đề, từ đó có lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết được gốc của vấn đề.

Đối với những vấn đề đã có cơ chế, chính sách và các sở, ngành đã hứa giải quyết trong thời gian tới cần phải thực hiện cho bằng được và báo cáo cho cấp có thẩm quyền khi có kết quả.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Bình Phước đang phát triển nhanh và lấy công nghiệp hóa làm trọng tâm; trong đó, vai trò của công nhân, người lao động rất quan trọng. Do đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần hướng đến về mọi mặt: chất lượng lao động, năng lực cá nhân, nhận thức chính trị phải rõ ràng.

Song song với đó, cần chăm lo đời sống cho người lao động trên tinh thần: người lao động phải tự chăm lo cho chính mình, chính quyền, xã hội chăm lo các vấn đề thiết chế, đời sống tinh thần. Đây là hai nhóm vấn đề quan trọng, là nhân tố để tỉnh phát triển trong thời gian tới, do đó các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thoai-voi-cong-nhan-nguoi-lao-dong-o-binh-phuoc-post810427.html