Đối thoại với gần 200 doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng vừa có cuộc đối thoại với gần 200 doanh nghiệp (DN) về triển vọng kinh tế Việt Nam từ năm 2018 đến 2020.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia cùng đại diện các tập đoàn kinh tế, các DN trong và ngoài nước đã phân tích, đánh giá tình hình, triển vọng kinh tế đến năm 2020. Đồng thời đưa ra các giải pháp mở rộng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả SXKD của các DN phát triển bền vững.

Động lực mới để tăng trưởng

Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra nhiều thông điệp về cải cách, đổi mới của Chính phủ. Đồng thời, khẳng định mối quan hệ giữa nhà nước và DN phải được thay đổi để tạo được sự thân thiện. Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới trong các năm 2018 và 2019 được dự báo tăng trưởng tốt hơn 2017. Cụ thể, GDP quý I.2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp; thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo.

Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỉ USD và số DN thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn DN với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412.000 tỉ đồng. Cùng đó, theo dự báo của IMF, tăng trưởng toàn cầu trong 2 năm 2018 và 2019 sẽ đạt mức 3,9%. Đây cũng là những thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (VN). Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều những trở ngại khách quan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế VN do chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp bảo hộ mậu dịch… của các cường quốc kinh tế như Mỹ và Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nền kinh tế VN đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP...

Có nhiều lý do để có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Chủ tịch kiêm TGĐ Cty KPMG VN - Warrick Cleine cho rằng, việc VN cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện các thể chế như Luật về Đầu tư, doanh nghiệp, Luật về Đặc khu kinh tế đã khiến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mạnh hơn với nền kinh tế VN.

Nâng cao chất lượng cải cách kinh tế

Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng, muốn thu hút nhà đầu tư lớn, thì phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ các nhà đầu tư làm thương mại quốc tế, chứ trong chỉ phục vụ hoạt động kinh doanh nước sở tại. Vì khi bỏ vốn, các nhà đầu tư phải nhìn ra những chính sách của nước đó phải tốt hơn các nước trong khu vực. Muốn vận động được hiệu quả, cần cấu trúc bộ máy kịp phục vụ giai đoạn thực sự kiến tạo phát triển bằng cách nhìn mới, luật chơi mới để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ các vướng cản trước đó để lại.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - hiện, đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp rất quan trọng đối với nền kinh tế VN, đảm bảo 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng, và cùng với kinh tế tư nhân, đóng vai trò là 2 chân vững chắc của 1 cơ thể cường tráng, giúp cho nền kinh tế VN vững vàng hơn.

Nhưng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả, song, nhìn chung, tốc độ cải cách vẫn chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Do vậy, cần phải thay đổi tư duy ở cấp nhân viên, chuyên viên, chứ không chỉ dừng lại ở tầm lãnh đạo.

“Thay đổi tư duy trong bộ máy hành chính là 1 nội dung quan trọng của cải cách thể chế, từng bước bám sát trình độ tư duy của thế giới vì chúng ta thường phải có luật rồi mới cho làm nên đã hạn chế sức sáng tạo. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người ta đánh giá cao và khuyến khích startup, các ý tưởng luật chỉ là phương thức tạo hành lang pháp lý,” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng đó, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nền công nghiệp chế tạo của VN hiện nay gần như nằm trong tay người nước ngoài, mà cụ thể là khối FDI. Do vậy, nên phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin là phù hợp. Nhưng, điều quan trọng nhất là để đến thành công, cần có có sự vào cuộc đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống DN lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách.

Trước quan điểm của ông Nghĩa, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được đối xử bình đẳng. Sau 30 năm đầu tư nước ngoài, VN phải rà soát lại luật pháp chính sách, tăng cường năng lực thực thi của bộ máy, tăng cường năng lực hấp thu của bộ máy để thu hút đầu tư có chọn lọc và phải có hàng rào kỹ thuật.

Đặng Tiến

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/doi-thoai-voi-gan-200-doanh-nghiep-de-cai-thien-moi-truong-dau-tu-608198.ldo