Đối thoại với lụa

Tiếp sau triển lãm mang tên 'Lụa của Hương' cuối năm 2019 tại Hà Nội, triển lãm 'Hương Lụa' diễn ra từ ngày 7/5 kéo dài cho đến hết ngày 21/5 tại TP HCM của nữ họa sĩ thế hệ 8X Nguyễn Thu Hương đã đem lại cho công chúng nhiều xúc cảm và cả niềm say mê.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Hương.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Hương.

Tranh lụa không mới nhưng thành công với nó cũng không nhiều, cho dù Việt Nam vốn là đất nước nổi tiếng về lụa tơ tằm. Cùng với các nghệ nhân, nhiều họa sĩ đã thử sức với lụa, nhưng số người đọng được tên là khá hiếm. Đã có mấy người thành danh với tranh lụa như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ… Vì thế, với một phụ nữ trẻ “thế hệ mới” dấn thân vào chất liệu này đã nhận được nhiều cảm mến.

Điều đặc biệt nhất ở tranh lụa của Nguyễn Thu Hương chính là biến hóa thành nhiều phong cách hiện đại như lập thể, trừu tượng, các motif nhắc lại nhưng không giống nhau. Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương cũng đã vượt qua những đề tài quen thuộc, làm nên thương hiệu như phong cảnh, chân dung...

Nữ họa sĩ chia sẻ chị vẫn giữ lối vẽ truyền thống, sử dụng màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một màu mới. “Thỉnh thoảng tôi cũng làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh” - Nguyễn Thu Hương cho biết. Nhưng chính những lúc “thỉnh thoảng” như vậy chị đã bước vào lĩnh vực khác biệt.

Trong thời gian theo học Khoa Hội họa (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Nguyễn Thu Hương đã chọn lụa để làm bài tốt nghiệp và khi học tiếp lên cao học, chị vẫn tiếp tục trung thành với chất liệu này cho dù đó thục sự là một thử thách. Chỉ nói riêng việc có tiền mua lụa để vẽ cũng đã khiến nhiều họa sĩ ngại ngần, lúng túng. Thể hiện trên lụa cũng rất khó vì bản thân chất liệu rất mỏng manh, mịn màng, ít được dùng để tả khối, ánh sáng, và diễn không gian tự nhiên như cách vẽ của sơn dầu. Muốn vẽ trên lụa và nhất là đi đến thành công thì không chỉ đam mê, cũng không chỉ có nhiều tiền mà quan trọng nhất phải là tư duy nghệ thuật đặc sắc và kỹ thuật chắc tay.

Nguyễn Thu Hương đã thành công khi đưa những hình ảnh đầy nữ tính vào chất liệu mềm mại là lụa tơ tằm. Đó là cuộc đối thoại văn hóa giữa xưa và nay và cũng là sự gắn kết văn hóa xưa và nay. “Lụa giúp tôi tĩnh tâm, điều phối cảm xúc của tôi khi vẽ. Điều đó giúp tôi luôn suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, nghĩ về những ưu điểm của nhân vật trong tranh” - nữ họa sĩ từng tâm sự. Phần lớn sáng tác của chị trung khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

“Lụa mang đến những nét vẽ mềm mại, huyền ảo, những thớ lụa có thể thấy rõ cũng chính là một thế mạnh của chất liệu này” - chị cho hay.

Trong lịch sử mỹ thuật nước nhà, đã có nhiều cuộc cách tân. Nhưng riêng với tranh lụa thì ít hơn. Chính vì thế, sự cách tân của Nguyễn Thu Hương với lụa được đánh giá cao. Và thực tế thì sự tương phản về màu, giữa tối và sáng, bóng và hình… trong tác phẩm của Nguyễn Thu Hương đã đem tới cách tiếp cận mới cho tranh lụa Việt Nam, hiện đại và lãng mạn.

Trịnh Thị Hạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doi-thoai-voi-lua-561847.html