Đổi tiển lẻ, tiền mới để thu lời có vi phạm pháp luật?

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới rất gần, nắm bắt nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cận Tết của người dân, hàng loạt những quảng cáo, giới thiệu về dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ đang tràn lan trên mạng.

Bất kỳ hành vi đổi tiền lẻ của tổ chức, cá nhân để hưởng chênh lệch, kiếm lời sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Ảnh minh họa

Bất kỳ hành vi đổi tiền lẻ của tổ chức, cá nhân để hưởng chênh lệch, kiếm lời sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Ảnh minh họa

Những lời mời chào đổi tiền mới trên mạng rất hấp dẫn như: phí đổi thấp, tiền nguyên seri, sẵn sàng giao tận nơi. Tuy nhiên, người dân cần hết sức cảnh giác, bởi nếu không có thể sẽ rơi vào tình cảnh "tiền mất tật mang".

Chỉ cần gõ cụm từ "đổi tiền mới lì xì", trong vòng chưa đầy 1 giây đã có hàng triệu kết quả trả ra, với mức phí dao động từ 3 - 15% cùng cam kết giao hàng nhanh trong 24 tiếng đồng hồ, thậm chí nếu đổi càng nhiều, còn được giảm phí hơn. Đó là những lời quảng cáo hấp dẫn của những dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ có thu phí trên mạng.

Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc, phục vụ giao hàng tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa với các hình thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, thẻ cào… Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu.

Tuy nhiên, phí đổi khá cao và có sự chênh lệch giữa các loại tiền, tiền mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng đắt. Nhiều bạn đọc băn khoăn liệu hành vi này có bị xử lý không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - khẳng định: “Việc trên mạng rao đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Ngân hàng Nhà nước luôn có chủ trương đảm bảo tốt nhất nguồn tiền cho lưu thông.

"Về mặt chủ trương, tất cả các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, người dân hoàn toàn có thể đến các tổ chức tín dụng để đổi và không mất phí. Ngân hàng Nhà nước luôn có chủ trương đảm bảo cung ứng tốt nhất tiền cho lưu thông về mặt chất lượng tiền, cơ cấu, chủng loại, mệnh giá tiền...", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh, bất kỳ hành vi đổi tiền lẻ của tổ chức, cá nhân để hưởng chênh lệch, kiếm lời sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo Điểm a Khoản 5 Điều 30 Mục 8 Chương II Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân còn mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

Không chỉ vi phạm pháp luật, việc đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng có thu phí này cũng đem đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi đặc điểm của hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới thường giao dịch qua mạng. Người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng phí chênh lệch sau đó mới giao tiền theo yêu cầu. Không ít người khi nhận về, cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát, thậm chí cả tiền giả.

T.Quang

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doi-tien-le-tien-moi-de-thu-loi-co-vi-pham-phap-luat-319846.html