Đổi trắng thành đỏ

Dư luận bang Utah (Mỹ) gần đây có phen xôn xao vì vụ scandal lạm dụng tình dục diễn ra tại nhà một bác sỹ tâm lý. Tuy cảnh sát không công bố tên của kẻ thủ ác, nhưng họ cho biết từ năm 1990 đến năm 2010, vị bác sỹ tâm lý này đã tìm cách 'mê hoặc' các bệnh nhân của mình để làm họ nghĩ rằng mình bị ma quỷ nhập. Đủ kiểu 'trừ tà' được bác sỹ và đồng bọn bày ra để che giấu những hành vi đồi bại của mình.

Điều kỳ dị hơn nữa là những hành vi dâm ô được thực hiện vì mục đích tôn giáo. Những kẻ tham gia đường dây tội phạm này đều là thành viên của giáo phái Oklevueha. Tôn giáo này tự nhận là một nhánh tín ngưỡng của người thổ dân da đỏ Mỹ. Nhưng từ “ông tổ” đến các thành viên giáo phái đều là người da trắng, không có một chút “dây mơ rễ má” nào với những bộ tộc da đỏ cả. Tại sao lại có một thứ tôn giáo “tréo ngoe” đến vậy?

Cody “Mắt Sắt” gặp mặt cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Cody “Mắt Sắt” gặp mặt cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Tổ tiên là ai?

Việc người da trắng ở Bắc Mỹ tự nhận mình có tổ tiên là người da đỏ không phải hiếm. Vào thế kỷ 19, nhiều người làm vậy để che giấu việc ông bà, cụ kị là người da đen. Việc người da trắng, da đen có con với nhau thời đó là điều không thể chấp nhận được. Đối với những người có nước da ngăm ngăm, cách duy nhất để tránh điều dị nghị của xã hội là nói dối về tổ tiên mình.

Nhưng trong thời đại này, tại sao vẫn có không ít người da trắng nói rằng mình là 1/16 hay… 1/32 da đỏ? Trong số này có nhiều cái tên nổi tiếng như danh ca Miley Cyrus, nhạc sỹ Johnny Cash, nam tài tử Johnny Depp. Đôi khi sự “lầm tưởng” lây lan nhanh hơn cả dịch bệnh. Tờ This Land Press từng làm một cuộc khảo sát 3,8 triệu người dân sống tại bang Oklahoma. Trong số này có 62% người tin rằng mình có ít nhất một tổ tiên là thành viên bộ tộc Cherokee. Tuy nhiên, thống kê của Cục Dân số Mỹ chỉ cho thấy có khoảng 120.000 người Cherokee sống tại Oklahoma, chưa đầy 3% dân số của bang này.

Trường hợp người nổi tiếng đầu tiên bị bóc trần là “da đỏ giả” là diễn viên Cody “Mắt Sắt” (tên người da đỏ thường có một tên thật đi kèm biệt danh). Cody trở nên nổi tiếng vào năm 1971 khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ để tuyên truyền nhận thức tái chế rác thải. Chẳng mấy chốc mà Cody “Mắt Sắt” trở thành biểu tượng cho phong trào bảo vệ môi trường. Ông còn được chính tay cựu Tổng thống Jimmy Carter mời đến Nhà Trắng để trao huy chương.

Cody “Mắt Sắt” viết trong hồi ký xuất bản năm 1982 rằng mình là con trai của một gia đình mang dòng máu hai bộ tộc Cherokee và Creek ở Oklahoma. Nhờ sự kiên cường của mình mà Cody mới thoát ra được cuộc sống gò bó trong khu bảo tồn để rồi trở thành ngôi sao Hollywood.

Ngay từ khi cuốn tự truyện được xuất bản, nhiều người đã đặt ra nghi ngờ về tính trung thực của Cody “Mắt Sắt”. Vào thời điểm ông ta sinh ra, người Cherokee không được phân đất khu bảo tồn để định cư. Vào năm 1996, nữ nhà báo Angela Aleiss đã viết hẳn một cuốn sách tiết lộ rõ thân thế của Cody. Ông ta tên thật là Espera Oscar de Corti, một người gốc Ý sinh ra tại Kaplan, bang Louisana. Để được nhận công việc đầu tiên của mình là cố vấn hóa trang, Espera lấy tên giả rồi tự nhận mình là người da đỏ. Đáng ngạc nhiên hơn, không ít người ở Hollywood biết rõ về thân thế thật của Cody nhưng chọn giữ im lặng vì ông ta quá nổi tiếng.

Gần 24 năm sau, nước Mỹ lại có phen xôn xao vì một vụ làm giả thân thế khác. Khi vận động tranh cử tổng thống, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren khai trong hồ sơ của mình rằng cụ nội của bà là người Cherokee. Nhưng tên của cụ nội bà không có trong danh sách những người Cherokee thời đó. Giám định AND cũng xác định Elizabeth Warren 100% là người da trắng. Phải chăng bà thượng nghị sỹ đã nói dối? Không, người nói dối là cụ nội của bà. Để được nhận trợ cấp chính phủ, cụ của bà Elizabeth Warren đã làm giả giấy tờ khai sinh. Sau đó ông cụ còn bán thuốc giả dưới danh nghĩa “thầy cúng”. Thượng nghị sỹ Warren sau đó đã phải công khai xin lỗi vì sự việc. Nhiều người tuy vậy vẫn còn đặt nghi vấn về việc liệu bà đã biết chuyện này từ trước nhưng giấu nhẹm đi để được nhận vào học tại Đại học Texas theo diện chính sách.

James Mooney, trưởng lão của giáo phái Oklevueha

Nhà báo Angela Aleiss, chuyên gia điều tra về những vụ việc giả làm người da đỏ, viết: “Có lẽ hơn một nửa những người nhận mình có máu da đỏ làm vậy để kiếm lời. Ngay cả khi người di cư từ Châu Âu tàn sát các bộ tộc bản địa để chiếm đất, họ vẫn coi người da đỏ là một thứ gì đó tâm linh, siêu nhiên lắm. Họ thèm được sở hữu một thế giới quan sâu sắc và phong phú như vậy. Nhiều kẻ mới tự “làm mới mình” để đi lừa đảo”.

“Lấy ví dụ “nhà văn” Forrest “Cây Nhỏ” Carter, tác giả cuốn tiểu thuyết “The Education of Little Tree”. Ông ta chẳng phải người da đỏ mà cũng không mang tên Forrest Carter. Tên thật của ông ta là Asa Earl Carter, thành viên KKK, một tổ chức da trắng cực đoan chuyên đi sát hại những người tham gia phong trào đòi quyền lợi cho các sắc tộc da màu ở Mỹ. Vậy mà sau hai năm “bặt vô âm tín”, Asa Earl đổi sang tên mới để rồi trở thành triệu phú nhờ viết “tự truyện” về tuổi thơ ấu ở khu bảo tồn của mình. Tất nhiên là không có bất kỳ một sự kiện có thật nào trong tiểu thuyết, và Forrest Carter chỉ dựa vào trí tưởng tượng mà sáng tác”.

Việc người da trắng giả làm người da đỏ đang là vấn nạn lớn ở Bắc Mỹ

Tôn giáo hay tà giáo?

Đời sống tôn giáo của người da đỏ Bắc Mỹ rất phong phú, nhưng điều này cũng vô hình trung tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Không khó để tìm thấy những giáo phái tự nhận mình nắm trong tay những “bí quyết” của người da đỏ. Giáo sư Alton Caroll, một nhà nghiên cứu văn hóa người da đỏ và có tổ tiên cũng là người da đỏ, khuyên: “Không ai nên tốn tiền để mua những cuốn sách như “Bí quyết làm tình của người Sioux”, hoặc là trả vài nghìn USD để tham gia những “khóa học” dạy cách gọi mưa. Tôi từng gặp những kẻ lừa đảo kém cỏi đến mức không viết nổi tên bộ tộc mà vẫn lấy được tiền của người nhẹ dạ cả tin”.

Giáo sư Caroll là người có công lớn trong việc vạch trần “thầy cúng” Malachi Z. York (tên thật Dwight York). Tên này là một kẻ lừa đảo tôn giáo chuyên nghiệp từng lập ra giáo phái Nuwaubian bằng cách “ăn trộm” triết lý của bộ tộc Nagual. Tại thời điểm thịnh vượng nhất của mình, giáo phái có hơn 500 tín đồ và một khu trang trại rộng 192 ha tại hạt Putnam, bang Georgia. Sau khi vạch trần Dwight York trên mặt báo, giáo sư Caroll đã cộng tác với cảnh sát để buộc kẻ lừa đảo phải vào tù vì tội trốn thuế và hãm hiếp trẻ em.

Giáo phái Oklevueha liên quan đến vụ scandal tình dục ở Utah cũng là một nhóm lừa đảo như vậy. “Ông tổ” giáo phái này là James Warren “Đại Bàng Lửa” Mooney. Trước khi vụ scandal vỡ lở, James Mooney được công chúng biết đến vì từng phải vào tù do pha ma túy vào các chai gọi là “thuốc thảo mộc” dùng trong các nghi lễ giả y tự nghĩ ra. Người nào cả tin hay tò mò tham gia nghi lễ sẽ lăn ra ngủ mê mệt để Mooney dễ trấn lột.

Không ít kẻ lừa đảo như Carrie Bourassa làm ăn bằng cách nói dối về tổ tiên của mình

Anh Brett Buth là một trong các nạn nhân bị Oklevueha lạm dụng tình dục, trả lời phóng viên hãng tin CNN: “Tôi là người đồng tính, mà ở Utah người ta hay có cái nhìn rất tiêu cực về những ai đồng tính. Tôi đi vào chỗ bế tắc nên buộc phải tìm đến bác sỹ tâm lý. Thay vì điều trị cho tôi, bác sỹ lại nói rằng tôi bị ma quỷ nhập nên mới yêu đàn ông. Cũng vì cái tính cả tin của tôi nên tôi mới nhận lời làm vài chục buổi “trừ tà”. Ông “thầy cúng” được bác sỹ mời đến bèn lợi dụng lễ cúng để sờ soạng khắp người tôi… Sau đó tôi liên lạc được với hai bệnh nhân khác của vị bác sỹ và tìm hiểu ra họ cũng từng bị quấy rối như tôi. Đấy là lúc chúng tôi cùng nhau gửi đơn đến cảnh sát”.

Hiện nay cảnh sát Utah chưa công bố thông tin chi tiết về cuộc điều tra, nhưng theo tờ Utah Nation, James “Đại Bàng Lửa” Mooney đã trốn khỏi nơi ở sau khi nhận được giấy triệu tập từ cảnh sát.

Đi tìm công lý

Nhà văn, luật sư Jacqueline Keeler mới đây đã cho công bố một bản danh sách gồm 200 tên cá nhân nói dối về thân thế của mình. Bản danh sách đã gây “sóng” trong dư luận và buộc nhà chức trách phải có động thái phản hồi, ví dụ như trường Đại học Dartmouth sa thải phó giáo sư Susan Taffe Reed do bà này làm giả giấy khai sinh nhằm được nhận chức Giám đốc khoa Người bản địa. Một trường hợp khác là vụ scandal của Carrie Bourassa, bác sỹ truyền hình Canada nổi tiếng. Tổ tiên của bà này là người Nga, vậy mà Bourassa sẵn sàng nhận mình là con cháu da đỏ để bán những loại thuốc dân tộc.

Về vụ việc Oklevueha, ngay chính trong cộng đồng da đỏ cũng đang có một cuộc tranh luận. Vẫn biết là quyền tự do tôn giáo được đảm bảo bởi Hiến pháp Mỹ, nhưng theo lập luận của nhiều chuyên gia pháp lý, các thầy tu, giáo phái giả làm người da đỏ đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của các vùng lãnh thổ tự trị do bộ tộc bản địa quản lý. Không loại trừ khả năng đại diện các bộ tộc sẽ sớm đệ trình lên Quốc hội Mỹ yêu cầu được tham gia quá trình tố tụng những đối tượng lợi dụng tôn giáo để lừa đảo.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/doi-trang-thanh-do-i663800/