Đối tượng đâm nữ tài xế taxi rồi tự sát sẽ bị xử lý thế nào?

Liên quan tới vụ án nữ tài xế taxi bị bại trai dùng dao đâm trọng thương nạn nhân rồi tự sát tại đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác...

Sáng 15/5, quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan Công an xác định đối tượng cứa cổ nữ tài xế taxi rồi tự tử là Nguyễn Tuấn Long (SN 1976, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Danh tính nữ tài xế taxi được xác định là Phạm Thị O (SN 1980, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Trước đó vào khoảng 21 giờ tối 14/5, người dân phát hiện đối tượng Long dùng dao đâm nữ tài xế taxi O, rồi tự sát. Ngay sau đó cơ quan chức năng kịp thời có mặt đưa cả hai đi cấp cứu tại bệnh viện. Cơ quan công an cũng nhận định nhiều khả năng xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, Long hẹn chị Phạm Thị O đi cùng taxi của nạn nhân đến khu vực Đền Lừ rồi ra tay.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người.

Theo kết quả điều tra ban đầu, xuất phát từ việc mâu thuẫn tình cảm, do bực tức, nghi phạm Long đã sử dụng hung khí con dao đâm nhiều nhát vào người chị O. Sau đó nghi phạm đã tự sát. Hậu quả chị O và nghi phạm đã được mọi người phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu nên may mắn thoát chết trong gang tấc.

Để xác định tội danh đối với nghi phạm trong vụ án, Luật sư Thơm cho rằng cần căn cứ vào hậu quả thiệt hại về sức khỏe của chị O do nghi phạm gây ra.

Trường hợp, nếu có căn cứ xác đinh nghi phạm đã có hành vi dùng dao cứa cổ chị O, dù chị O không tử vong thì nghi phạm phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo điểm n, Khoản 1 Điều 123 BLHS. Bởi lẽ, căn cứ Án lệ số 01/2016/AL về vụ án "Giết người" được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 6/4/2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 6/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã xác định: Tội cố ý gây thương tích chỉ khi đối tượng phạm tội tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân.

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi dùng hung khí nguy hiểm tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người (đầu, cổ, ngực) là nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả chết người chưa xảy ra do bị hại chống cự lại và được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp, nếu có căn cứ xác định nghi phạm chỉ sử dụng hung khí tác động vào các vùng không nguy hiểm trên cơ thể nạn nhân như chân, tay,... hoặc những vùng ít nguy hiểm khác mà tỷ lệ thương tích không đáng kể thì hành vi phạm tội của nghi phạm cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Kết quả giám định tỷ lệ thương tích của nạn nhân là căn cứ nghi phạm xử lý tương ứng theo định khoản Điều 134 BLHS.

Điều 15. Phạm tội chưa đạt: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:……… n) Có tính chất côn đồ;

Thành Long

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/doi-tuong-dam-nu-tai-xe-taxi-roi-tu-sat-se-bi-xu-ly-the-nao-d2066952.html