Đối tượng nào bị thu phí khi khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Về việc có thu phí khi khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, chỉ tính toán thu phí đối với các doanh nghiệp, thương mại.

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (BCĐ Đề án 896).

Phó Thủ tướng cho rằng, việc cấp số định danh cá nhân không nên làm ào ào như kiểu chiến dịch

Phó Thủ tướng cho rằng, việc cấp số định danh cá nhân không nên làm ào ào như kiểu chiến dịch

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, theo lộ trình của Đề án 896, chỉ còn 2 năm nữa để hoàn thành. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại nhiều và rất quan trọng như việc hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ban hành các văn bản để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân...

Đặc biệt, năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phương châm hành động là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Vì vậy, đòi hỏi mỗi thành viên BCĐ phải chủ động hơn, quyết liệt hơn và làm tốt công tác phối hợp để tạo sự bứt phá, hiệu quả đối với các nhiệm vụ được giao.

Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12/11/2018 của Quốc hội. Tập trung đầu tư cho đúng trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn này.

Cụ thể, Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2020, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết TTHC, dịch vụ công, trước hết là Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc thu thập thông tin, bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác, kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các cách làm hay, công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ thu thập và nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về việc cấp số định danh cá nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục công tác triển khai chuẩn hóa thông tin để thu thập thông tin dân cư, và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu trong quá trình đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cần tính toán, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin công dân, tránh tình trạng đầu tư trùng lặp và yêu cầu thông tin công dân nhiều lần.

Bên cạnh đó, việc cấp số định danh cá nhân không nên làm ào ào như kiểu chiến dịch, mà gắn với công việc hằng ngày của cơ quan và các cấp chính quyền địa phương, bộ ngành như kết hợp với Tổng điều tra dân số toàn quốc từ 1/4/2019 tới đây, rồi công việc thường xuyên về hộ tịch của ngành tư pháp, cũng như của các bộ ngành khác…

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/thoi-su/doi-tuong-nao-bi-thu-phi-khi-khai-thac-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-67231.html