Đối tượng sát hại tài xế Grab đối mặt với mức án nào?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối tượng sát hại tài xế Grab sẽ phải đối mặt với tội giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình.

Như đã đưa tin, Công an Hà Nội đã phát đi thông báo truy tìm 2 nghi can sát hại tài xế xe ôm công nghệ N.C.S (SN 2001, quê huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tại bãi đất vắng ở phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

S là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội (có địa chỉ tại đường Thái Thịnh, quận Đống Đa). S mới nhập học từ đầu tháng 9/2019.

S được xác định bị sát hại vào khoảng 3 ngày trước đó khi đi chở khách ở bến xe Mỹ Đình đi Cổ Nhuế. Trước khi chở hai người khách lạ mặt, S có nhắn tin cho người bạn gái mới quen tên N rằng sắp chở hai thanh niên ngồi ở cổng bến xe, kèm theo dòng tin nhắn "Có gì báo công an nhé, tí chở hai thằng này lên Cổ Nhuế".

Không an tâm khi chở khách, S đã nhắn tin nhờ bạn báo công an.

Không an tâm khi chở khách, S đã nhắn tin nhờ bạn báo công an.

Thạc sỹ - luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, cơ quan công an sẽ sớm tìm ra hung thủ trên cơ sở những thông tin, hình ảnh của đối tượng gây án để lại trên điện thoại của người thân nạn nhân.

Những đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với tội giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình, hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù chung thân, khi kết tội tòa án sẽ tổng hợp hình phạt của hai tội danh này mà các đối tượng phải đối mặt sẽ là tử hình. Hình phạt sẽ là hết sức nghiêm khắc, ngoài ra các đối tượng này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.

Nhưng, dù có áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình và Tòa án có tuyên mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu tiền cho gia đình nạn nhân chăng nữa thì cũng không thể khắc phục được hậu quả mà các đối tượng phạm tội đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội.

Người nhà S đau đớn chờ nhận thi thể của con

Cũng theo LS Cường, thời gian gần đây những vụ việc tài xế xe ôm công nghệ bị cướp, bị giết có xu hướng gia tăng, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến các nguyên nhân như: Người lái xe ôm công nghệ thường là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống; những người lái xe ôm công nghệ luôn bị các đối tượng hướng đến là chiếc xe máy (phương tiện mưu sinh), điện thoại và một số vật dụng tùy thân khác, đây là những tài sản có giá trị dễ dàng tiêu thụ, vận chuyển một cách nhanh chóng…

Hiện lượng xe ôm công nghệ ở các thành phố lớn rất nhiều, phần lớn là sinh viên, chưa hiểu biết nhiều về đường sá, công việc thường xuyên phải chở khách vào những khu vực vắng, ngõ hẻm, khu vực quy hoạch xây dựng dở dang, hoang vắng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những người lái xe ôm công nghệ đều không được trang bị những kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống bị cướp, bị tấn công khi đang hành nghề. Doanh nghiệp vận tải xe ôm công nghệ chưa thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ người lao động khi tình huống người lao động có nguy cơ bị cướp tài sản…

Người thân gia đình S ra khu bãi đất trống- nơi phát hiện thi thể S để thắp hương

"Những vụ án giết người cướp tài sản xảy ra mà nạn nhân là người lái xe ôm không phải là chuyện hiếm, cũng không lạ. Trước khi có lái xe ôm công nghệ thì rất nhiều người làm xe ôm truyền thống cũng đã trở thành nạn nhân của những vụ giết người, cướp tài sản.

Đối với xe ôm công nghệ thì vụ việc xảy ra có thể để lại nhiều dấu vết hơn, dễ phá án hơn cho cơ quan điều tra như: Lộ trình của cuốc xe, thông tin về số điện thoại của người gọi, thời điểm, địa điểm của chuyến đi...", LS Cường nói.

Thành Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/doi-tuong-sat-hai-tai-xe-grab-doi-mat-voi-muc-an-nao-20190930092810043.htm