Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia: Những bóng hồng đến từ trường sư phạm

Trong số các tuyển thủ góp phần đưa đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên giành quyền vào vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023, có 4 sinh viên thuộc Khoa Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (HCMUE).

Tiền đạo Huỳnh Như.

Đó là tiền đạo Huỳnh Như, thủ môn Trần Thị Kim Thanh, tiền vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh và tiền đạo Nguyễn Thị Tuyết Ngân.

Nữ đội trưởng từng có ý định nghỉ học

Trong số 4 nữ tuyển thủ thì tiền đạo Huỳnh Như (đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam) sinh năm 1991 thuộc diện “cứng” nhất, đang chờ nhận bằng tốt nghiệp.

Sinh ra, lớn lên tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Huỳnh Như đam mê, tập luyện bóng đá từ năm 2005 tại Trường Nghiệp vụ Năng khiếu Thể dục Thể thao Trà Vinh. Đến năm 2008, Huỳnh Như tham gia đội tuyển bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh và đội tuyển Việt Nam tới nay.

“Vừa đi học vừa đá bóng khá vất vả. Do đó, khi mới học năm thứ nhất em từng có ý định bỏ học nhưng nhờ sự động viên, tạo điều kiện của nhà trường và thầy cô Khoa Giáo dục Thể chất nên em đã vượt qua những trở ngại. Đến nay, em hoàn tất chương trình học và chờ ngày nhận bằng tốt nghiệp”, tiền đạo Huỳnh Như chia sẻ.

Ngoài các danh hiệu vô địch SEA Games 29 và 30, Huỳnh Như còn góp sức cùng đội tuyển giành nhiều thành tích ở giải vô địch quốc gia, quốc tế khác. Đặc biệt, Huỳnh Như và các đồng đội đã lập kỳ tích khi lần đầu tiên lọt vào Vòng chung kết của một kỳ World Cup.

Tại Lễ trao giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2021 diễn ra vào tháng 2/2022, với thành tích xuất sắc trong một năm qua, đội trưởng Huỳnh Như giành được danh hiệu Quả bóng vàng lần thứ 3 liên tiếp.

Nói về cơ duyên theo học tại HCMUE, tiền đạo Huỳnh Như cho biết: Khi tham gia vào CLB bóng đá nữ của thành phố, em được huấn luyện viên cũng từng là cựu sinh viên của trường tư vấn nộp đơn vào học tại HCMUE. Từ đó tới nay, em thấy lựa chọn vào học tại HCMUE là đúng đắn...

Từ trái sang phải: Huỳnh Như, Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Mỹ Anh và Nguyễn Thị Tuyết Ngân. Ảnh: TG.

Nữ thủ môn với 27 pha cứu thua xuất thần

Thủ môn Trần Thị Kim Thanh, sinh năm 1993 tại huyện Đức Hòa, Long An, hiện cũng đang khoác áo CLB Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2014, Kim Thanh được chơi trong đội tuyển nữ quốc gia. Kim Thanh được ví như “người nhện” của đội tuyển bóng đá nữ và là chốt chặn rất đáng tin cậy với khả năng ra vào hợp lý, phán đoán tình huống chuẩn xác.

Chỉ cao 1m65 nhưng Kim Thanh có thể lực tốt và phản xạ cực kỳ nhạy bén. Thành tích đầu tiên của Kim Thanh là cùng với đồng đội giành chức vô địch Đông Nam Á 2019 và sau đó là tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 (năm 2019). Tấm vé lần đầu tiên tham dự VCK Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 mà đội tuyển nữ Việt Nam vừa giành được có đóng góp quan trọng của cô gái quê Long An này.

Trong thành công của đội tuyển nữ Việt Nam tại Cúp Bóng đá nữ châu Á 2022 không thể không nhắc đến đóng góp của thủ môn Trần Thị Kim Thanh. Thanh được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ca ngợi là 1 trong 5 cá nhân tạo dấu ấn nổi bật trong giải đấu này. Trong số này có 1 huấn luyện viên và 4 cầu thủ, gồm HLV đội tuyển nữ Trung Quốc Shui Qingxia (vô địch châu Á 2022), tiền đạo Australia Sam Kerr (vua phá lưới, 7 bàn thắng), tiền đạo Philippines Bolden (người thực hiện thành công cú sút 11m cuối cùng, giúp Philippines thắng Đài Loan ở trận tứ kết, lọt vào bán kết), tiền vệ Indonesia Helsya Maeisyaroh là cầu thủ trẻ nhất giải đấu khi mới hơn 16 tuổi và thủ môn Trần Thị Kim Thanh (Việt Nam).

Nói về thủ môn Trần Thị Kim Thanh, trang chủ AFC.com viết: “Bận rộn ở phía sau, thủ môn của đội tuyển nữ Việt Nam đã có 27 pha cứu thua xuất thần trong 6 trận đấu, kỷ lục của giải đấu. Trong 2 trận play-off (gặp Thái Lan và Đài Loan), Kim Thanh chỉ để lọt lưới 1 bàn và cô là chìa khóa thành công cho đội bóng của mình”.

Nói về cơ duyên đến với bóng đá, Kim Thanh cho biết: Lúc đang học dưới quê (Long An), huấn luyện viên của CLB bóng đá tại Thành phố Hồ Chí Minh điện thoại xuống nhờ thầy dạy tìm cho một người dáng cao và bàn tay to to để cô đào tạo thủ môn. Thế là thầy giới thiệu Thanh. Khi nghe nói đi đá bóng cô một phần vì thích nên đồng ý. Phần khác để ba mẹ đỡ vất vả.

Bốn nữ tuyển thủ tặng chiếc áo số 9 của tiền đạo Huỳnh Như, có 4 chữ ký cho đại diện Khoa Giáo dục Thể chất và lãnh đạo HCMUE. Ảnh: TG.

Nữ hậu vệ xuất sắc

Hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh, sinh năm 1994 tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, hiện là sinh viên khóa 43 của Khoa Giáo dục Thể chất HCMUE. Ưu điểm lớn của Mỹ Anh là tốc độ, khả năng hóa giải những đợt phản công nhanh của đối thủ.

Mỹ Anh có niềm đam mê bóng đá từ nhỏ và tham gia nhiều giải bóng đá học đường tại huyện Củ Chi. Sau đó được thầy hướng dẫn giới thiệu đến với CLB Thể dục Thể thao Tao Đàn (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Mỹ Anh theo đuổi con đường bóng đá tới nay.

“Em đam mê bóng đá từ nhỏ, sau đó được thầy huấn luyện dẫn dắt nên có thành tựu như hiện tại. Trong các trận đấu vừa qua, khó khăn mà nhóm gặp phải là nhiễm Covid-19 và phải sinh hoạt trong phòng nhưng các thành viên đã không ngừng tập luyện để tới lúc thi đấu đạt được thành tích giành quyền vào VCK FIFA World Cup nữ 2023…”, Mỹ Anh chia sẻ.

Là một trong số những trụ cột của tuyển nữ Việt Nam tại Asian Cup nữ 2022, Mỹ Anh đã đóng góp công sức không nhỏ trong chiến tích giành vé dự World Cup 2023. Chơi được ở cả 2 vị trí tiền vệ và hậu vệ cánh, Mỹ Anh được HLV Mai Đức Chung bố trí đảm đương vai trò hậu vệ và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Trong 6 trận đấu tại Ấn Độ, Mỹ Anh thi đấu đội hình chính cả 6 và đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng của hàng thủ tuyển nữ Việt Nam. HLV Mai Đức Chung đánh giá cao Mỹ Anh về sự cần mẫn, năng nổ, luôn ra sân với ý chí thi đấu tuyệt vời.

Một số trận đầu tiên của tuyển nữ Việt Nam ở Asian Cup nữ 2022, vì một số đồng đội chưa kịp khỏi Covid-19, nên Mỹ Anh ngoài quán xuyến nhiệm vụ ở hàng thủ còn phải gồng mình chơi “lan” sang cả những vị trí khác. Ngoài ra, Mỹ Anh cũng bị Covid-19 tại Tây Ban Nha nên nằm trong nhóm cầu thủ thứ 2 của tuyển nữ Việt Nam sang Ấn Độ muộn hơn nhưng khá may mắn là kịp khỏi trước trận đầu tiên gặp Hàn Quốc.

Nền tảng thể lực dẻo dai, cô được ví như “buồng phổi” của hệ thống phòng ngự đội nữ Việt Nam. Không chỉ phòng thủ an toàn, cô còn tham gia hỗ trợ tấn công cùng với tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung, giúp cánh trái của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn.

Trong màu áo CLB nữ TP Hồ Chí Minh 1, Mỹ Anh cũng là cầu thủ chủ chốt và được HLV Đoàn Kim Chi sử dụng liên tục tại giải vô địch nữ quốc gia, cúp quốc gia. Mỹ Anh cũng chơi ấn tượng và có công không nhỏ trong cú đúp giải quốc nội năm 2021 của đội tuyển.

Ngay sau khi cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ, Mỹ Anh được CLB nữ Thái Nguyên mời về đầu quân. Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Khi đội nữ Thái Nguyên xin Mỹ Anh về thi đấu, chúng tôi cũng muốn tạo cơ hội cho em được thử sức ở môi trường mới, nhưng còn tùy thuộc ý kiến của lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Mỹ Anh được chấp thuận, đội sẽ bổ sung cầu thủ từ tuyến dưới lên nên không lo bị thiếu hụt lực lượng”.

Tiền đạo Nguyễn Thị Tuyết Ngân và mẹ.

Nữ tiền đạo triển vọng

Tiền đạo Nguyễn Thị Tuyết Ngân, sinh năm 2000 tại Long An, thành viên CLB Thành phố Hồ Chí Minh, được xem là “của để dành” của bóng đá nữ Việt Nam. Tuyết Ngân có tốc độ, thể hình tốt, nên được kỳ vọng sẽ kế thừa tốt vai trò của Hải Yến.

Ngân ghi 4 bàn tại vòng loại và Vòng chung kết giải U19 nữ châu Á 2017; Ghi 7 bàn tại vòng loại giải U19 nữ châu Á 2018; Ghi 11 bàn thắng tại vòng loại và Vòng chung kết giải U19 nữ châu Á 2019. Trong đó, đáng chú ý là bàn thắng trong trận U19 nữ Việt Nam gặp đội chủ nhà Thái Lan ở Vòng chung kết. Tuyết Ngân còn là một trong những chân sút trẻ được Liên đoàn Bóng đá châu Á đánh giá cao trong năm 2019.

Năm học 2021 - 2022, Tuyết Ngân trở thành tân sinh viên khóa 47 của Khoa Giáo dục Thể chất HCMUE. Ngày 28/2, nhà trường tổ chức buổi giao lưu và khen thưởng 4 nữ tuyển thủ của Khoa Giáo dục Thể chất cũng là lần đầu tiên Tuyết Ngân đến trường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ khi trúng tuyển đến hết học kỳ I vừa rồi, Tuyết Ngân học qua hình thức trực tuyến.

Song hành bước chân mạnh mẽ trên sân cỏ và nhẹ nhàng nơi giảng đường đại học là chuyện không dễ dàng hoặc có thể nói là cực khó, nếu không có sự sẻ chia, thấu hiểu của thầy, cô giáo. Trong buổi giao lưu và trao thưởng do Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/2, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE đã dành những lời khen ngợi và lời chúc tốt đẹp nhất tới các nữ tuyển thủ.

“Thành tích mà các em đạt được đặc biệt xuất sắc, mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhìn lại chặng đường mà các em cùng đội tuyển đã trải qua càng cảm thấy tự hào hơn với tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam. Bản lĩnh và tinh thần chiến đấu kiên cường ấy đã hun đúc niềm tin và tình yêu của rất nhiều người yêu bóng đá.

Thành công của các em càng đáng trân trọng hơn vì ý chí của nhiều tuyển thủ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, kiên trì, khổ luyện để có được thành công của ngày hôm nay. Điều đó chắc chắn sẽ tạo cho các em nhiều động lực để tiếp tục vươn cao, vươn xa hơn nữa ở những giải đấu tiếp theo…”, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc chia sẻ đồng thời nhắn nhủ: Nhà trường và khoa sẽ tạo điều kiện hết mình trong việc hoàn tất chương trình học tại trường để các em yên tâm tập luyện, thi đấu hết mình...

Công Chương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/doi-tuyen-bong-da-nu-quoc-gia-nhung-bong-hong-den-tu-truong-su-pham-dX8OwPPng.html