Đội tuyển Đức: Nỗi đau hiện tại, tiếng vọng quá khứ

Lần cuối cùng một đội tuyển Đức bị dìm xuống đến tận đáy sâu tủi nhục ở một giải đấu lớn là khi nào?

Là EURO 2000, nơi họ cũng phải ra về sau vòng bảng, với vị trí đội sổ bảng A (1 điểm sau 3 trận), và với lời tạ từ thê thảm không kém trận thua Hàn Quốc lần này: Bị đội hình B của Bồ Đào Nha, dẫn đầu là Sergio Conceicao, nghiền nát tới ba bàn không gỡ.

1. Tuy nhiên, kể cả khi ấy, khi dư luận Đức sôi sục vì phẫn nộ và tủi hổ còn hơn cả bây giờ, khi Erick Ribbeck trở thành HLV trưởng đầu tiên phải rời Die Mannschaft mà không giành được bất cứ một danh hiệu lớn (EURO hoặc World Cup) nào, khi sự tôn nghiêm của một gã khổng lồ (3 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch châu Âu tính đến lúc đó) đích thực bị tàn phá đến tận cùng…, vẫn chẳng có cuộc cách mạng nào thực sự diễn ra.

Không có quá nhiều khả năng sau thất bại sấp mặt này, một chu kỳ tái kiến thiết sẽ nhanh chóng được tiến hành cho Die Mannschaft.

Rudi Voeller lên “chấp chưởng đại quyền”, và kỷ nguyên Kahn – Ballack vẫn tiếp diễn, với rất nhiều sự tiếp nối không thể đoạn tuyệt từ thế hệ vàng 1996, đặc biệt là về mặt tư tưởng. Tính cách Đức: lạnh lùng, khắc kỷ, già dặn và thậm chí khô khan – những giá trị tạo dựng nên mọi thành công trong quá khứ - vẫn còn được bảo lưu.

Phải đến sau EURO 2004, khi một lần nữa người Đức bị loại ngay tại vòng bảng (lần này là ở vị trí thứ ba), nhu cầu thay đổi mới trở nên thật sự lột xác. Làn gió cách tân thổi tới cùng một người về từ bên kia Đại Tây Dương – Jurgen Klinsmann, “cặp bài trùng” trên hàng công Die Mannschaft suốt bao năm của Voeller.

2. Và từ đó, World Cup 2006 trở thành một cột mốc “lịch sử cách mạng”. Từ đó, đội bóng ấy mang một diện mạo sexy hơn, được yêu mến rộng rãi hơn, nhiều giá trị thương mại hơn. Và quan trọng nhất, họ tìm được đỉnh cao tại World Cup 2014, với ngôi vô địch xứng đáng tuyệt đối.
Nhưng, bây giờ thì họ đã lại tụt xuống chân dốc. Có được thì có mất, những gì đã phôi pha, như tất cả đều nhận thấy, là phẩm chất chiến binh, là sự dữ dằn, là độ lỳ lợm, là thói quen trừng phạt mọi sai lầm, là khả năng mạnh dần lên sau từng phút thi đấu…

Tóm lại, đổi lấy dáng vóc của những nam thần, Die Mannschaft buộc phải hy sinh không ít thứ khí chất sắt máu Phổ cổ điển. Thứ móng vuốt hung tàn từng làm nên uy phong của “đàn Đại bàng sông Rhine”.

Để đạt được điều này thì thật khó giữ được lại điều kia, nhất là trong bối cảnh một xã hội cũng đang càng lúc càng phức tạp như xã hội Đức.

3. Vậy thì, có thể tin là với thất bại sấp mặt này, một chu kỳ tái kiến thiết sẽ nhanh chóng được tiến hành cho Die Mannschaft hay không?

Thực ra là không, không có quá nhiều khả năng. Joachim Loew còn hợp đồng đến tận năm 2022. Mà nếu DFB nhất quyết thay thế ông, thì việc ai sẽ là người kế tục còn không quan trọng bằng việc người kế tục ấy sẽ lựa chọn hướng đi nào: Giữ nguyên tư tưởng phóng khoáng đã làm nên khúc khải hoàn 2014, và chỉ lên lộ trình “thay máu” nhằm tiếp thêm sinh lực cũng như khao khát chinh phục cho đội tuyển – cách làm quen thuộc từ những miền dĩ vãng xa xưa phủ bụi? Hay xới tung tất cả, xây dựng hẳn một triết lý mới, với những màu sắc mang đậm giá trị Đức truyền thống?

Joachim Loew còn hợp đồng làm HLV đội tuyển Đức đến tận năm 2022.

Hơn thế, cho dù muốn lựa chọn cách thứ hai, cũng cần không ít thời gian để đào tạo nên những lứa tài năng đáp ứng được hệ giá trị đó. Đâu phải ngày một ngày hai, bóng đá Đức sản sinh ngay ra được những Mueller, Goetze, Reus, Kroos, Oezil…? Mà, chỉ hai năm nữa thôi, đã lại là EURO.

Phi Hồ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/world-cup-2018/doi-tuyen-duc-noi-dau-hien-tai-tieng-vong-qua-khu-1292827.tpo