Đôi uyên ương đẹp của làng âm nhạc truyền thống

Vợ chồng nghệ sĩ Quang Hải và Bạch Yến.

Trần Quang Hải: Không dựa bóng cha Giáo sư nhạc sĩ Trần Quang Hải là một trong hai người con trai của Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê. Anh là người con trai duy nhất nối nghiệp cha đi theo con đường âm nhạc, nỗ lực bảo vệ, phát huy âm nhạc truyền thống. Gia đình anh nhiều đời làm nghệ thuật cổ truyền. Cụ cố Trần Quang Thọ là nhạc công trong cung đình Huế. Bên ngoại là dòng dõi của Nguyễn Tri Phương, vị quan yêu nước đã tử tiết khi Pháp chiếm thành Hà Nội. Trong gia đình của cụ Nguyễn Tri Phương từng nuôi nhiều nhạc sư nổi tiếng. Bố anh, Giáo sư Trần Văn Khê là người say mê âm nhạc, rất nhiều cao vọng trong sự nghiệp, lại tham gia phong trào văn nghệ sĩ chống Pháp cùng Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng... Thấy thế, gia đình vội lo chuyện gia đình, để có người nối dõi sự nghiệp sau này. Trần Quang Hải cho biết: Lúc đó còn đang học trường thuốc, Trần Văn Khê nghe lời người cô Trần Ngọc Viện, người đã lo cho ăn học từ nhỏ tới lớn, để lập gia đình, với hy vọng có con trai nối dòng họ Trần. Trong gia đình họ Trần, thân phụ Trần Văn Khê đã qua đời sớm , để lại hai trai là Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch (từ trần năm 1994 tại Paris, Pháp). Nếu không may hai cậu trai ấy qua đời mà chưa có con trai nối dòng thì dòng họ Trần sẽ tuyệt. Nghe theo lời của cô, Trần Văn Khê chịu lập gia đình. Trần Quang Hải ra đời ngày 13-5-1944, tại Linh Đông, Thủ Đức, Sài Gòn. Không chỉ dòng tộc vui mừng mà bạn bè của Trần Văn Khê cũng vô cùng háo hức. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết ca khúc "Trần Quang Hải bao nỗi mừng" để chia vui với người bạn chí thân! Tiếng là con nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng Trần Quang Hải phải sống cuộc đời tự lập từ bé. Gia đình anh tản cư về đồng bằng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Huỳnh Văn Tiểng (Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ) bổ nhiệm bố anh làm "Nhạc trưởng quân đội Nam Bộ" với cấp đại đội trưởng trong chiến khu, nên bố con không mấy khi gặp nhau. Sau đó bố anh về thành, hoạt động cùng với anh em văn nghệ sĩ, bị lộ, năm 1948 Trần Văn Khê bị bắt. Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp, vừa "lánh nạn", vừa du học với hai bàn tay trắng, để lại gia đình sau lưng. Sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê thành công rực rỡ, uy tín khắp toàn thế giới. Ở quê nhà, Trần Quang Hải phải tự lập để học tập và phấn đấu vươn lên, khi người cha không còn ở Việt Nam nữa. Anh học ở Trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn, theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn năm 1961. Sang Pháp năm 1961, Trần Quang Hải miệt mài học tập. Ban đầu, anh mơ ước trở thành một nghệ sĩ violon. Nhưng nhờ sự góp ý khéo léo của cha mình, anh hiểu rằng, cái đang cần và anh có thể thành công chính là trở thành một chuyên gia về âm nhạc Việt Nam, âm nhạc châu Á. Trần Quang Hải học khá nhiều ngành về nghệ thuật, để bổ trợ lẫn nhau. Anh lấy chứng chỉ văn chương Pháp, Đại học Xoóc-bon, Pa-ri, 1963, chứng chỉ dân tộc nhạc học, Viện Dân tộc học Pa-ri, 1964, chứng chỉ Anh văn Cambridge năm 1964. Sau đó anh tốt nghiệp cao học dân tộc nhạc học, Trường Cao đẳng Khoa học Nhân văn, Pa-ri, rồi tốt nghiệp Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương về lịch sử năm 1969, lấy chứng chỉ Âm thanh học, Đại học Khoa học, Pa-ri. Trần Quang Hải là tiến sĩ Dân tộc nhạc học năm 1973. Năm 1989, anh tốt nghiệp giáo sư nhạc cổ truyền trong kỳ thi do Bộ Văn hóa Pháp tổ chức. Trần Quang Hải chính thức trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc truyền thống châu Á. Bạch Yến - Diễn mô-tô bay và hát nhạc ngoại Ca sĩ Bạch Yến có giọng hát rất đặc biệt. Chị nổi tiếng ở nước ngoài hơn là trong nước. Lúc còn nhỏ Bạch Yến đã đoạt huy chương vàng ca nhạc thiếu nhi của Đài phát thanh Pháp Á năm 1953. Tuy nhiên do kinh tế sa sút, bố mẹ chia tay, cuộc sống của chị rất khó khăn. Chị đi diễn xiếc mô-tô bay khi còn rất nhỏ, và có lần bị xe đè lên người gây chấn thương. Bạch Yến bước vào sự nghiệp ca hát ở Việt Nam từ năm 1956, vất vả lặn lội trong các phòng trà, vũ trường. Năm 1961 chị sang Pháp học thanh nhạc và thật may mắn, với tài năng của mình, trong hai năm chị đã được mời thu 3 đĩa hát tại Pháp! Khi chị về nước, với tiếng tăm của mình, chị đã được mời tham gia vào chương trình Ed. Sullivan show đang rất nổi ở Mỹ. Bạch Yến không ngờ, với hợp đồng ban đầu tại Mỹ hai tuần, chị đã ở Mỹ biểu diễn 12 năm ròng, từ năm 1965 đến năm 1977. Chị là ca sĩ Việt Nam duy nhất từng trình diễn chung với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas... ngay tại Mỹ. Đến khi gặp Trần Quang Hải, chị quyết định rời Mỹ sang định cư ở Pháp, đó là năm 1978. Hai người vốn biết nhau từ năm 1963 ở Pháp. Bẵng một thời gian dài, năm 1978, chị tình cờ gặp lại anh trong một đại nhạc hội ở Paris. Chị từng bộc bạch: "Anh Trần Quang Hải mời tôi đi ăn cơm. Sau bữa cơm, anh nói "mình cưới nhau đi", tôi tưởng anh đùa nên cũng đùa "ừ, cưới thì cưới", chẳng dè anh ấy làm thật, hai tuần sau cưới liền". Chị cũng cho biết, hồi nhỏ như bao người khác, mong có tấm chồng để nhờ. Khi thành đạt rồi, chị thấy có thể sống một mình, tự do thoải mái. "Vậy mà không hiểu sao khi anh Hải nói mình cưới nhau đi, tôi lại gật đầu liền". Họ thực là một sự kết hợp thú vị. Như đôi uyên ương, thời gian tưởng chia cắt họ, nhưng rồi họ vẫn tự nhiên mà đến với nhau. Như một định mệnh! Cùng bước đi trên con đường âm nhạc dân tộc Theo truyền thống Việt Nam, "lấy chồng thì phải theo chồng", Bạch Yến đã từ bỏ sự nghiệp hát nhạc quốc tế để hát nhạc truyền thống của Việt Nam. 15 năm trời chị chuyên tâm học hát nhạc cổ truyền của dân tộc. Họ đi hát với nhau, chồng áo dài khăn đóng, vợ áo nâu sòng, áo tứ thân, năm tà, đi guốc mộc, hài đen, vấn khăn đen... Chị rất nỗ lực, bởi như có lần chị tâm sự: "Đi biểu diễn là đi làm văn hóa, đi truyền bá văn hóa dân tộc chứ không chỉ là làm văn nghệ". Hai vợ chồng chị đến hơn 70 quốc gia đã biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Quang Hải có người nâng khăn sửa túi, càng thêm hăng hái làm việc. Anh là Hội viên của 20 hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế; giảng dạy âm nhạc tại hơn 100 trường đại học của 50 quốc gia trên thế giới. Trần Quang Hải và Bạch Yến đã diễn khoảng 3.000 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại hơn 100 đại hội liên hoan nhạc cổ truyền quốc tế. Họ đã phát hành 15 đĩa nhựa, tám CD, bốn phim vi-đê-ô, và tham gia vào 10 CD của những cơ quan nghiên cứu quốc tế... Đặc biệt, hai vợ chồng có 8.000 học trò tại 70 quốc gia trên thế giới. Một kỷ niệm chung đáng nhớ đánh dấu sự ăn ý của cặp uyên ương này, trong lĩnh vực âm nhạc dân gian, đó là vào năm 1983, Bạch Yến cùng Trần Quang Hải đoạt giải thưởng lớn nhất dành cho một đĩa nhạc dân ca cổ (Grand Prix Du Disque de l’Académie Charles Cros). Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của Trần Quang Hải và Bạch Yến là trong thời mở cửa giao lưu, phát triển thông tin in-tơ-nét, họ có điều kiện về nước làm việc và biểu diễn nhiều hơn. Sau 50 năm ca hát, nổi tiếng khắp nơi, Bạch Yến có dịp gần gũi hơn với người xem trong nước. Giáo sư, nhạc sĩ Trần Quang Hải cũng có tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống tại Việt Nam. Con gái của anh chị cũng có điều kiện để gắn bó với đất nước Việt Nam của mình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/v-n-hoa/chan-dung-ngh-s/oi-uyen-ng-p-c-a-lang-am-nh-c-truy-n-th-ng-1.309581