Đôi vai người lính tăng cường

'Một đời lính gánh hai vai: Vai lính Biên phòng và vai cán bộ xã. Vai nào chưa xong cũng là không hoàn thành nhiệm vụ, chưa tròn trách nhiệm là công bộc của dân' - Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Cải Viên (Hà Quảng, Cao Bằng) nói, khi cùng tôi bước vào Nhà văn hóa xóm Lũng Pán để tham gia một cuộc họp dân.

Cuộc họp dân xã Lũng Pán.

Cuộc họp dân xã Lũng Pán.

Để dân chia sẻ trách nhiệm với chính quyền

Chị Trần Thị Nguyên, người phụ nữ Nùng đi họp mà không rời cái điếu cày, chốc chốc lại đưa lên châm thuốc, nhả khói rồi chuyền cho những phụ nữ khác kế bên. Đất này, đàn bà nghiện thuốc lào từ bé, tất tật đều quyết hết việc lớn, việc nhỏ trong nhà. Chị Nguyên vừa đồng ý trước cuộc họp, có mặt đủ các chủ hộ dân trong xóm là sẽ hiến cả mảnh ruộng mà chị đang trồng ngô để mở rộng con đường liên thôn dài 0,67km. Chuyện hiến đất nhẹ như những vòng khói thuốc vấn vít trong phòng họp đang chật kín người.

Diện tích đất trồng trọt của Lũng Pán chỉ có 142ha, nên dùng đất làm gì cũng phải chắt chiu từng chút một. Nhưng trước lời nói có lý, có tình của vị Phó Chủ tịch xã mang quân hàm xanh, ai cũng thấy việc quy hoạch lại, mở đường ra còn mang lại lợi ích lâu dài. Nhu cầu có giống ngô mới, cây trồng mới, sản phẩm bán tại chỗ, tập huấn kỹ thuật, phân bón đưa tận từng ruộng từng nhà của bà con mới được đáp ứng.

Thiếu tá Tuấn Anh cho biết, anh lần lượt phải tới từng xóm trong xã Cải Viên: Tà Piểu, Nậm Liệc, Đông Có, Cả Giáng và Lũng Pán để bàn thảo với dân kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay theo Nghị quyết của Huyện ủy. Cải Viên là một trong 6 xã nằm trong vùng Lục khu của Hà Quảng, nơi không có mạch nước ngầm. Trước đây, trẻ con vài ba tháng mới gội đầu một lần, tóc cứ cứng bết như tổ quạ. Đó là do cả vùng thường xuyên khô khát. Cả vùng đá khô cứ trơ phếch ra... Đến nay, Cải Viên vẫn còn 20 hộ nghèo đói kinh niên vì thiếu đất canh tác, gia đình neo đơn.

Nghèo khó là vậy, nhưng mà biết được mạch nguồn tấm lòng tình cảm của bà con ở đâu mà khơi vào đó, để dân sẻ chia trách nhiệm với chính quyền thì bảo hiến đất chứ góp công góp của cũng nhất định thành công. Từ khi được tăng cường về xã đến nay, dấu ấn của vị Phó Chủ tịch là cán bộ biên phòng rõ nhất ở chỗ bà con trong xóm được tham gia dân chủ với từng quyết sách phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi một câu nói, anh đều mở lời từ tiếng "dạ", "thưa", "bà con đồng ý không", "làm thế này được chứ ạ". Nghe như cách người thân ruột thịt nói với nhau, chứ không phải giữa cuộc họp.

Chỉ còn một chốn quê

Thiếu tá Tuấn Anh đang kiên nhẫn cầm thước chỉ từng con đường, từng công trình cần quy hoạch, xây dựng, đường nội xóm, nội đồng cho bà con hình dung ra quy hoạch tổng thể. Anh kiên nhẫn giải thích việc mỗi nhà phải vạc đi một ít đất ruộng để làm đường vì lợi ích chung. Một trong những cái khó thử thách ý chí và tài thao lược, khôn khéo của các cán bộ tăng cường xã nghèo biên giới phía Bắc là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa "thấm" vào dân. Trước đây, cán bộ xã thường nói rồi để đấy. Bà con nghe rồi cũng… để đó, cứ ý mình, mình làm. Dân chủ ở nông thôn miền núi là điều tưởng như không tưởng.

Bây giờ, Cải Viên hầu như đủ nước dùng, mỗi nhà đều có bể trữ nước, Nhà nước và nhân dân cùng bỏ vốn để làm. Trường học xây mới, không còn trẻ nhỏ thất học. Bước sang năm 2014, chỉ còn một vấn đề phải giải quyết, đó là đưa chuồng nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Mỗi gia đình chỉ được hỗ trợ vài triệu đồng từ vốn xây dựng nông thôn mới do địa phương tự cân đối, còn lại thuộc về bà con. Con bò nuôi ở gia đình nào cũng là cả tài sản lớn. Thói quen để gia súc ngay cạnh chỗ nằm cũng là thói quen lâu đời, đâu dễ thay đổi. Biên giới trước đây hoang vu thưa thớt, quạnh quẽ, gia súc và người ở chung một mái nhà, lâu dần thành quen. Xóa được nếp cũ, không thể tính bằng ngày một, ngày hai.

Chúng tôi có một giờ trò chuyện với Thiếu tá Tuấn Anh trước khi anh trở lại với cuộc họp dân ở xóm bên mà anh phải chủ trì. Anh bảo: "Có thể ngồi ở tổ công tác biên phòng hay ở trụ sở Ủy ban xã cũng được, đều là nhà tôi cả. Lính Biên phòng thường một chốn, bốn quê. Giờ với tôi, bao công sức chỉ phục vụ mảnh đất này thôi".

BĐBP Cao Bằng có 11 cán bộ tăng cường xã hiện đang là Huyện ủy viên. Các anh đều giữ những trọng trách quan trọng ở những xã biên giới khó khăn nhất, trọng yếu nhất. Cải Viên chỉ là một dấu ấn mang đậm sắc xanh của người lính Biên phòng.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-vai-nguoi-linh-tang-cuong/