Đội Việt Nam giành giải Nhất Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mê Kông

Cricket One– sản phẩm protein bền vững với chi phí hợp lý đến từ loài dế của Việt Nam đã vinh dự là 1 trong 2 sản phẩm giành giải Nhất của Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mê Kông (MATCh)

Chương trình Thách thức Công nghệ Nông nghiệp vùng Mê Kông (MATCh) vừa chính thức công bố 6 startup thắng cuộc cho cuộc thi năm 2017. Đây là những startup có giải pháp công nghệ tuyệt vời và vô cùng triển vọng với tâm huyết có thể giúp ngành Nông nghiệp của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) có được những bước phát triển vượt bậc. Giá trị giải thưởng cho mỗi công ty giành chiến thắng là từ 2.000-5.000 USD. Bên cạnh đó, các đội thắng cuộc cũng sẽ được hỗ trợ xuyên suốt và được giới thiệu tham gia Cuộc thi Giải thưởng Lương thực cho Tương lai Khu vực Châu Á (Future Food Asia) tại Singapore.

22 đội dự thi đã được mời tới Hà Nội để trình bày công nghệ và giải pháp của họ trước những chuyên gia đầu ngành và các nhà đầu tư triển vọng. Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng có sự góp mặt của các ứng viên đến từ Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của các đội đến từ khắp nơi trên thế giới như: Úc, Trung Quốc, Israel và Hà Lan. Tại MATCh, các đội cũng đã được kết nối với DN phù hợp, gặp riêng với các nhà cố vấn và trải nghiệm khảo sát thực tế các nông trại.

Các giải thưởng đã được trao cho 3 startup sơ khởi đến từ Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar và Việt Nam và 3 DN đang hoạt động ở ngoài khu vực.

Giải nhất đã thuộc về Cricket One (Việt Nam) – sản phẩm protein bền vững với chi phí hợp lý đến từ loài dế; Và AgUnity (Úc) – một nền tảng blockchain giúp nông dân chia sẻ nguồn lực.

Giải nhì gồm KIU Global (Phạm vi khu vực, gồm Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar và Việt Nam) – giải pháp tài chính công nghê giúp các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận với các nguồn tín dụng; Và Verifik8 (Thái Lan) – phần mềm kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối lại với nhau, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp.

Giải ba thuộc về TunYat (Myanmar) – giải pháp cho thuê giúp hộ nông dân nhỏ lẻ có thể tiếp cận và sử dụng các máy móc nông nghiệp lớn; Và Enzootic, Ltd. (Israel, Hồng Kông, CHND Trung Hoa) – công nghệ ghép tế bào giúp các hộ nuôi tôm ấp được toàn bộ tôm cái, giúp tăng năng suất sản xuất và giảm thiểu hao hụt.

“Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar và Việt Nam cùng có chung những nguồn lợi nông nghiệp quý báu. Trong khi nền kinh tế của các quốc gia này đang trở nên ngày càng đa dạng, thì nông nghiệp vẫn là một ngành góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của mỗi nước”, ông Connor McGuinness, Giám đốc Khu vực của Chương trình, thuộc Bộ Ngoại giao và Thương Mại Úc cho biết.

MATCh là cuộc thi được đồng tổ chức bởi Dự án Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông (MBI), chương trình Lương thực cho tương lai khu vực Châu Á và Chương trình hỗ trợ Nông nghiệp Cốt lõi giai đoạn 2. Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là hai nhà tài trợ và nguồn hỗ trợ chính cho chương trình này. Mục tiêu của MATCh là hỗ trợ các startup trong ngành nông nghiệp phát triển các sản phẩm; tạo dựng mạng lưới kết nối; cũng như mang lại cơ hội học hỏi cho các startup từ những tên tuổi lớn trong ngành; bên cạnh đó, đây còn là dịp để giới thiệu các giải pháp nông nghiệp, tiếp cận thị trường mới và các nhà đầu tư. Chương trình dành cho tất cả DN nông nghiệp: từ công nghệ tới truyền thống nhưng với yêu cầu phải mang lại được giải pháp có tính sáng tạo đổi mới; kèm theo đó là khả năng tăng trưởng đột phá tại Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar và Việt Nam. Cuộc thi này không giới hạn các nước tham gia. MATCh sẽ được hỗ trợ từ khối liên minh MATCh - tập hợp các tên tuổi lớn trong khu vực trong hệ sinh thái sáng tạo đổi mới ngành nông nghiệp.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hi-tech/doi-viet-nam-gianh-giai-nhat-chuong-trinh-thach-thuc-cong-nghe-nong-nghiep-vung-me-kong-388411.html