Đón bạn về trong vòng tay bè bạn

Lớp G, trường Chu Văn An (Ba Đình-Hà Nội) niên khóa 1970-1973 có hai bạn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chưa tìm được phần mộ.

Từ năm 2015, những người bạn học cùng lớp bắt đầu tổ chức việc tìm kiếm hài cốt của bạn. Năm 2016, bạn bè trong lớp đã tìm được phần mộ liệt sĩ Đặng Trần Cảnh (nhà ở phố Thụy Khuê) trong số 120 ngôi mộ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kiên Giang. Đã tìm được Cảnh, không thể không tiếp tục đi tìm Vũ Duy Hùng. Hùng sinh năm 1954, nhà ở phố Đội Cấn, nhập ngũ ngày 6-1-1972, sau mấy tháng huấn luyện được bổ sung vào đội hình của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đúng mùa hè đỏ lửa. Trong trận tiến công đánh chiếm cao điểm 275, ngày 26-11-1972, Hùng bị thương và hy sinh tại trận địa. Hùng nhập ngũ khi vừa qua tuổi 17, hy sinh khi chưa tròn 18 tuổi. Từ đó đến nay gia đình không biết anh được an táng ở đâu.

Hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hùng được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hà Nội.

Chúng tôi hiểu rằng ở nơi từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất, số lượng bom, pháo giội xuống vào loại kỷ lục thì hy vọng tìm được hài cốt của liệt sĩ Vũ Duy Hùng là rất mong manh. Khi tìm được nhà Hưng (em trai của liệt sĩ Vũ Duy Hùng), chúng tôi được nghe kể lại: Cuối năm 1972, có anh bộ đội nói là ở cùng đơn vị (gia đình cũng không biết tên, địa chỉ) tìm về gia đình với chiếc ba lô đựng chút di vật và báo tin anh Hùng đã hy sinh; được an táng gần bìa rừng, trên mộ có đánh dấu bằng một tảng đá. Mấy chục năm qua, hầu như năm nào vợ chồng anh Hưng cũng vào Quảng Trị, đi đến từng nghĩa trang để thắp nhang và tìm hài cốt của anh. Một lần, tình cờ gặp được CCB cùng trung đoàn với anh Hùng năm xưa, gia đình biết được, anh Hùng hy sinh ở động Ông Do.

Tháng 6-2017, chúng tôi thành lập một nhóm, trao đổi bàn bạc, phân tích mọi khả năng, xác định phương hướng và quyết tâm cao đi tìm đồng đội. Bắt đầu tìm hiểu qua các tài liệu (của cả ta và địch) về các trận đánh cuối năm 1972 ở động Ông Do, chúng tôi tìm gặp nhiều CCB với định hướng phải bắt đầu từ việc tìm những người cùng đơn vị, cùng tham gia trận đánh ngày 26-11 với Vũ Duy Hùng. Nói vậy nhưng trên thực tế không hề đơn giản. May mắn, chúng tôi đã tìm gặp được Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, trước anh là Tiểu đoàn trưởng của Vũ Duy Hùng và trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 26-11-1972. Lúc đầu, anh Thắng cũng không nhớ được gì nhiều lắm do mới nhận chức tiểu đoàn trưởng (khi mới 23 tuổi) chỉ 3 ngày trước khi vào trận. Qua thời gian, anh dần hồi tưởng và lục tìm các tư liệu mà anh còn lưu giữ được, đã giúp chúng tôi dựng lại sơ đồ trận đánh. Khu vực Vũ Duy Hùng hy sinh dần được thu hẹp. Và cũng thật may mắn, anh Thắng nhớ ra người trung đội trưởng của Vũ Duy Hùng, quê ở Ninh Bình. Chúng tôi lên đường tìm gặp người CCB tên là Tuyến, năm nay đã 72 tuổi. Sau chiến tranh, anh Tuyến trở về quê sống cùng gia đình. Nghe chúng tôi trình bày, anh nhớ ngay và xúc động nói: “Tôi vẫn luôn nghe văng vẳng bên tai tiếng kêu trong đêm tối của Hùng lúc bị thương, nhưng không sao cứu được!”. Tâm sự của người CCB già càng làm chúng tôi thêm quyết tâm. Qua lời kể của CCB Tuyên, chúng tôi đã xác định rõ hơn vị trí Hùng bị thương và hy sinh sau đó. Lập tức, một đoàn lên đường vào Quảng Trị.

Ở Quảng Trị có một người dân địa phương tên là Truyền có bố là liệt sĩ, mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài việc lo cơm áo hằng ngày, anh Truyền đã nhiều năm miệt mài đi tìm và cùng các cơ quan chức năng cất bốc, quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ (HCLS). Nghe chúng tôi cung cấp thông tin, anh Truyền chợt nhớ là còn lưu được biên bản bàn giao HCLS của hai ngôi mộ lẻ từ năm 1998 cho ban CHQS huyện, có một người dân địa phương tên là Muôn cùng tham gia. Âu cũng là cơ duyên! Đoàn đã gặp hai anh Muôn và Hạnh, những người đã tìm và quy tập hai bộ HCLS nói trên. Theo anh Muôn, trên động Ông Do có khá nhiều HCLS, nhưng chỉ có duy nhất hai ngôi mộ lẻ nằm trên sườn điểm cao 275 và đều nằm trong khu vực mà chúng tôi xác định là địa điểm Vũ Duy Hùng hy sinh. Hài cốt của hai liệt sĩ này đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Làm việc với các cơ quan của huyện Hải Lăng, đoàn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình.

Sau khi đề nghị và được Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chấp thuận cho giám định ADN, đoàn thứ hai của chúng tôi lên đường vào Quảng Trị, cùng giám định viên Viện Pháp y Quân đội lấy mẫu giám định ADN. Nhìn xung quanh bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi rưng rưng xúc động. Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng có khoảng 1.800 ngôi mộ. Nhà bạt dựng xong thì trời bắt đầu mưa nặng hạt. Giám định viên pháp y cẩn trọng lấy mẫu từ hai ngôi mộ số 1.743 và 1.744. Công việc hoàn tất, đoàn quyết định hành quân ra Hà Nội ngay để tránh cơn bão số 10 đang tiến sát miền Trung.

Gần hai tháng kể từ khi đoàn thứ hai kết thúc công việc, thông tin ban đầu về kết quả giám định ADN cho biết: Có cơ sở để tin rằng một trong hai mẫu cốt phẩm liệt sĩ là của Vũ Duy Hùng, tuy nhiên, kết quả chính thức thì còn phải chờ thêm. Những ngày chờ đợi quả là dài lê thê và cuối cùng niềm vui vỡ òa khi chúng tôi có văn bản chính thức xác nhận kết quả giám định ADN của Viện Pháp y Quân đội, khẳng định HCLS ở ngôi mộ số 1.743 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hải Lăng là của Vũ Duy Hùng! Niềm vui như trong mơ. Phần mộ của Hùng đã được tìm thấy đúng 45 năm sau ngày anh hy sinh. Chúng tôi quyết tâm cố gắng hoàn thiện nhanh nhất mọi thủ tục để đón bạn về trước ngày giỗ.

Sau 3 ngày kể từ lúc nhận được thông tin chính thức, các thủ tục cơ bản đã hoàn tất. Cuối tháng 11-2017, một số bạn bay vào Huế, rồi ra Quảng Trị từ chiều hôm trước để lo các thủ tục giấy tờ với các cơ quan địa phương. Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi thuê xe ô tô 16 chỗ, cùng gia đình liệt sĩ Vũ Duy Hùng xuất phát từ Hà Nội vào Quảng Trị. Được tiếp đón, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cất bốc HCLS, cả đoàn về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng. Với sự giúp đỡ của Ban Quản lý nghĩa trang, HCLS Vũ Duy Hùng được cất bốc, phủ Quốc kỳ, được gia đình, bạn bè đưa về quê nhà. Đến Hà Nội, tất cả bạn bè, gia đình đã có mặt tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần chờ đón HCLS Vũ Duy Hùng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, lần lượt từng người thắp nén hương cho bạn, ai cũng rưng rưng.

Sau lễ truy điệu, đoàn xe tang, đi đầu là xe của lực lượng tiêu binh, đưa HCLS về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hà Nội sau 45 năm Vũ Duy Hùng xa quê.

Bài và ảnh: PHÙNG BẢO - BÙI CHUẨN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/don-ban-ve-trong-vong-tay-be-ban-544673