Đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đền Khe Sặt (Con Cuông)

Sáng 9/3, UBND huyện Con Cuông tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đền Khe Sặt tại khối 6, thị trấn Con Cuông.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Đại diện Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Con Cuông, đại diện lãnh đạo các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Đô Lương... cùng đông đảo người dân và du khách thập phương.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Tường Vi

Sau phần rước bằng từ UBND huyện lên đền Khe Sặt với sự tham gia của hàng trăm người dân và các em học sinh là màn sử thi đậm bản sắc văn hóa các dân tộc dài 30 phút hoành tráng, đầu tư công phu với sự tham gia đông đảo của các diễn viên quần chúng tái hiện lại những công lao đóng góp lớn của Ngài Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - là vị Hoàng tử thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ, sinh năm Mậu Tý (988) tại Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay).

Diễn văn tại buổi lễ nhấn mạnh: Ông là người tinh thông kinh sách, văn võ song toàn. Năm 1039, ông được Vua Lý Thái Tông cử vào Nghệ An lo việc thu thuế. Năm 1041, ông được bổ làm Tri châu Nghệ An và được ban tước Uy Minh hầu. Từ đây, sự nghiệp của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang thực sự gắn bó với mảnh đất và con người xứ Nghệ.

Hàng trăm người dân và các em học sinh tham gia rước Bằng từ UBND huyện Con Cuông về đền Khe Sặt. Ảnh: Tường Vi

Trong 16 năm làm Tri châu Nghệ An (1041 - 1057), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có nhiều cống hiến to lớn cho mảnh đất xứ Nghệ trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự... Đặc biệt, với nhân dân vùng Cự Đồn (Con Cuông ngày nay) Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều biện pháp, làm “thay da đổi thịt” cả một vùng đất. Đó là công lao khai hoang, lập làng. Những dấu vết lịch sử còn lại cho thấy, ngoài vùng Khe Diêm, nhiều nơi trên địa bàn này cũng được khai phá như vùng Khe Choăng (nay thuộc xã Châu Khê), Khe Thơi (nay thuộc xã Lạng Khê)...

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhân dân nhiều nơi trên địa bàn Con Cuông và vùng phụ cận lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng làng, tại đền Khe Sặt còn thờ Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Bản cảnh Thành hoàng, mẫu Tứ phủ và một số vị phật.

Đền Khe Sặt thờ Uy MInh Vương Lý Nhật Quang. Ảnh: Tường Vi

Đền Khe Sặt được xây dựng từ hàng trăm năm trước, gồm 2 tòa bái đường và hậu cung, ngoài ra còn có cổng, lầu quan văn, lầu quan võ... Đến khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, đền bị hoang phế. Năm 2012, nhân dân thập phương đã công đức tiền của, công sức để khôi phục lại hậu cung và đến năm 2017 tiếp tục khôi phục bái đường.

Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố quyết định công nhận đền Khe Sặt là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau phần lễ là phần hội với các giải thể thao bóng chuyền nam và các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, kéo co, đẩy gậy…

Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đền Khe Sặt là cơ sở để huyện Con Cuông tiếp tục bảo vệ, phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa, từ đó có nhiều hoạt động cho Lễ hội đền Khe Sặt hàng năm. Cùng với Di tích lịch sử Quốc gia Bia Ma Nhai, Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nhà Cụ Vi Văn Khang, chứng tích Thành Trà Lân trong đại thắng của Nghĩa quân Lê Lợi làm nên “Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay” cùng với những danh thắng nổi tiếng như thác Khe Kèm, khe nước Mọc... sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn đối du khách thập phương khi về với Con Cuông./.

Tường Vi

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/don-bang-xep-hang-di-tich-lich-su-cap-tinh-den-khe-sat-con-cuong-post285967.html