Đòn bẩy để giảm nghèo ở Bình Liêu

Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 của Huyện ủy Bình Liêu chẳng những đã 'đi tắt, đón đầu' nhằm biến những tiềm năng, lợi thế thành cơ hội phát triển du lịch, mà còn là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo của huyện trong nhiệm kỳ vừa qua.

Du lịch trải nghiệm những cung đường tuần tra biên giới, cột mốc quốc gia ở Bình Liêu những năm qua thu hút rất nhiều du khách, nhất là khách trẻ, ưa mạo hiểm. Ảnh: Bùi Duẫn (CTV)

Du lịch trải nghiệm những cung đường tuần tra biên giới, cột mốc quốc gia ở Bình Liêu những năm qua thu hút rất nhiều du khách, nhất là khách trẻ, ưa mạo hiểm. Ảnh: Bùi Duẫn (CTV)

Nghị quyết số 01 được ban hành ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVII, xác định mục tiêu từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững gắn với việc đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định Bình Liêu có thế mạnh về du lịch trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới. Tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 cũng giao nhiệm vụ cho Bình Liêu tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu gắn với bản sắc dân tộc vùng miền, chú trọng sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.

Hiện thực hóa Nghị quyết, từ năm 2016 đến nay, Bình Liêu đón hơn 340.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú hơn 78.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 94 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Bình Liêu đón hơn 73.000 lượt khách, doanh thu hơn 22 tỷ đồng. Năm 2020 phấn đấu số khách nội địa đến địa bàn đạt trên 42.000 lượt.

Hội hoa sở lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2015, là hoạt động văn hóa tiêu biểu của nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu. Ảnh: La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Du lịch phát triển, các hạ tầng thiết yếu được đầu tư theo, người dân được hưởng lợi. Tại thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết, kết cấu hạ tầng còn rất hạn chế. Huyện chỉ có duy nhất nhà nghỉ Bình Sơn đủ tiêu chuẩn. Các nhà nghỉ còn lại quy mô nhỏ, dịch vụ ăn uống hạn chế; đường giao thông, dịch vụ viễn thông chưa đảm bảo. Do vậy, các điểm đến không kết nối được với khách du lịch.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện đã quan tâm đầu tư hạ tầng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; đã hoàn thành các tuyến đường tuần tra biên giới và đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp như: Các cột mốc biên giới phía Tây và Cột mốc 1305, đường Lục Ngù - Khe Tiền, Nà Ếch - Khe Vằn, Đồng Văn - Khe Tiền, thị trấn Bình Liêu - Húc Động.

Huyện đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tạo động lực và hợp tác phát triển du lịch biên giới; hoàn thành đường liên thôn, liên xã đến các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn; tổ chức trồng cây sở tạo cảnh quan tại các trục đường chính, điểm công cộng.

Bình Liêu đã phát triển các mô hình du lịch homestay khá hiệu quả. Ảnh: Bùi Duẫn (CTV)

Từ năm 2019, huyện huy động nguồn lực hoàn thiện các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch xây dựng bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch tại Bản Cáu, xã Lục Hồn; dự án nâng cấp, mở rộng đền và Đài tưởng niệm liệt sĩ Cao Ba Lanh; khu du lịch trải nghiệm rừng sở; công viên đồi truyền hình; mở rộng chợ Đồng Văn; điểm dừng chân Cột mốc 1305.

Huyện đã đẩy mạnh đầu tư, hoàn hiện hạ tầng viễn thông, duy trì 34 trạm phát sóng di động để phục vụ du lịch và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Viettel đã cơ bản phủ sóng di động tới 100% thôn, bản và toàn bộ tuyến du lịch biên giới.

Về cơ sở dịch vụ lưu trú, đến nay toàn huyện có 28 cơ sở với gần 300 phòng. Trong đó, 8 cơ sở với 58 phòng đã được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách; 20 cơ sở với hơn 200 phòng đang trong quá trình xem xét thẩm định. Các cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống từng bước được đầu tư như: Bình Liêu Place, nhà hàng Việt Tiến, nhà hàng Dũng Thảo, nhà hàng Bình Sơn I, II, III.

Chẳng những thoát nghèo mà nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn phát triển mô hình homestay khá hiệu quả như: Homestay A Dào, homestay Sông Moóc, homestay Hoàng Sằn. Ngoài ra, còn một số dịch vụ cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc, phục vụ ăn uống, bán nông sản... Nhiều hộ phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng nhằm phục vụ du khách, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Với phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá”, Bình Liêu khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo bền vững, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, đầu tư vào các ngành, nghề liên quan đến phát triển du lịch; khuyến khích cộng đồng dân cư trên địa bàn phát triển các sản phẩm du lịch, coi trọng việc thực hiện các dự án nhỏ trong điều kiện chưa thu hút được các dự án dịch vụ du lịch lớn đầu tư vào địa bàn.

Dù vào mùa nước cạn, thác Khe Vằn vẫn rất đông du khách.

Khi chuyển sang thiết lập trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19, huyện Bình Liêu đang kêu gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch ngoài ngân sách nhà nước đối với các dự án du lịch trọng tâm như: Dự án du lịch cộng đồng Lục Hồn, du lịch sinh thái thác Khe Vằn, khai thông tuyến du lịch biên giới Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc); dự án trồng hoa của HTX Hoa Bình Liêu...

Như vậy, nhờ hiệu quả từ một Nghị quyết đem lại, du lịch trên địa bàn huyện có bước phát triển vượt bậc, hạ tầng được quan tâm triển khai thực hiện, người dân vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu từ chính mô hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện còn 388 hộ nghèo, chiếm 5,19%, năm 2020 dự kiến còn 3,59% (giảm 120 hộ nghèo). Tính từ năm 2016 đến nay, huyện Bình Liêu giảm 39,12% hộ nghèo, bình quân giảm 9,78%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của huyện và chỉ tiêu giao của tỉnh.

Những điều đó đã minh chứng Nghị quyết số 01 là chủ trương lớn, khẳng định tầm nhìn, định hướng đúng đắn từng bước hình thành 3 trụ cột kinh tế chính của huyện là nông - lâm nghiệp, kinh tế biên mậu và kinh tế du lịch. Trong đó, du lịch đang thúc đẩy kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển, giúp người dân cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/don-bay-de-giam-ngheo-o-binh-lieu-2486925/