Đón Cách mạng công nghiệp 4.0: Nhanh chóng định hình chiến lược sản xuất

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang trở thành một 'làn sóng' ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp (DN). Điều này đòi hỏi các DN phải chủ động và có những bước đi quyết liệt, đặc biệt là nhanh chóng định hình lại chiến lược sản xuất, kinh doanh mới.

Mức độ tiếp cận thấp

Tại Hội thảo Khả năng sẵn sàng của DN sản xuất công nghiệp trong tiếp cận với CMCN 4.0 do Bộ Công Thương phối hợp Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) - đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện khảo sát trên 2.659 DN, với số lượng phiếu gửi đi là 14.666, chia 18 nhóm ngành công nghiệp - thương mại.

Doanh nghiệp chủ động tiếp cận với CMCN4.0

Doanh nghiệp chủ động tiếp cận với CMCN4.0

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các DN sản xuất công nghiệp đang có mức độ tiếp cận thấp với cuộc CMCN 4.0, trong đó, những trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất là chiến lược tổ chức và sản phẩm thông minh. "Tuy nhiên, kết quả này có mức độ tương đồng cao với kết quả đánh giá của VCCI năm 2017 về cách mạng công nghệ số ở Việt Nam, cũng như đánh giá của một số tổ chức như Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ban Thư ký ASEAN khi so sánh mức độ sẵn sàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới" - Tiến sĩ Nguyễn Thắng nhấn mạnh.

Báo cáo cũng chỉ rõ, các DN nhà nước vượt trội hơn so với DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài nhờ quy mô lớn hơn, tập trung theo ngành và sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao. Đáng lưu ý, tình hình khá hơn ở các ngành dầu khí, điện, hóa chất, sản xuất xe có động cơ và điện - khí đốt - nước, trong khi một số ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí… đang có mức độ sẵn sàng thấp hơn. Điểm sáng đối với các DN hiện nay chính là trụ cột về "vận hành thông minh" và "người lao động" (kỹ năng). Đây là trụ cột có mức độ sẵn sàng cao hơn so với các trụ cột khác. Cụ thể, ở "vận hành thông minh": Mức độ sẵn sàng tương đối cao với 61% DN được đánh giá ở mức "cơ bản" hoặc cao hơn; ở trụ cột "người lao động" (kỹ năng), có 43% DN ở mức cơ bản hoặc cao hơn.

Cần chiến lược thích nghi 4.0

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - nhận định, CMCN 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên thế giới, song mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, để có được những định hướng, chính sách phát triển phù hợp, giải pháp cụ thể hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận, tham gia vào cuộc CMCN 4.0, cần phải hiểu DN đang đứng ở đâu so với các yêu cầu của một nền sản xuất hiện đại, thông minh.

Để nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, đòi hỏi các DN phải nhanh chóng định hình lại chiến lược sản xuất, kinh doanh mới, phù hợp. Chiến lược đó cần được cụ thể hóa, gắn với hoạt động đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản trị, điều hành thông minh; phát triển nguồn nhân lực 4.0… là những yêu cầu đặt ra cho DN trên con đường xây dựng một nhà máy số trong tương lai. "Phát triển nhà máy số chính là tâm điểm của CMCN 4.0 và đây cũng là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương trong thời gian tới" - ông Trần Việt Hòa nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI - cho rằng, hiện nay, kỷ nguyên số hay CMCN 4.0 đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, từng cá nhân, tổ chức. Do đó, nếu DN không sẵn sàng, có năng lực, nhận thức, tư duy và từ đó đưa ra những chiến lược, hành động cụ thể để nắm bắt được cơ hội từ CMCN 4.0, sẽ không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và bị bỏ lại phía sau trong "cuộc chơi" này.

Hiểu và lắng nghe những khó khăn, đề xuất để từng bước hỗ trợ DN nâng cao năng lực, tiến tới chủ động tham gia vào CMCN 4.0 chính là mục tiêu và yêu cầu đặt ra trong công tác triển khai của Bộ Công Thương.

Nga Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-cach-mang-cong-nghiep-40-nhanh-chong-dinh-hinh-chien-luoc-san-xuat-116791.html