Đón chào Xuân Canh Tý 2020: Lên đường cùng tự do!

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn công bố nước Việt Nam tự do, độc lập trước quốc dân đồng bào, cũng là nơi ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trung ương Đảng chọn làm địa điểm hội họp để ra những quyết sách, chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh ra mắt Chính phủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á tại Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945.

Ngôi nhà nằm ở trung tâm khu phố buôn bán và du lịch sầm uất nhất của Thủ đô Hà Nội, trên khoảng đường nối giữa từ Hồ Gươm với chợ Đồng Xuân. Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, ngôi nhà vẫn được giữ nguyên bài trí đơn sơ mà ấm áp như những ngày lịch sử của Mùa thu Độc lập đầu tiên ấy.

Khu phố sầm uất du lịch và thương mại đã trải qua nhiều thời đoạn. Khu phố ấy đã thực hiện chủ trương tiêu thổ, trở nên im vắng khi ngọn lửa kháng chiến bùng lên ở thành Hà Nội rồi lặng lẽ trong những năm chống Pháp. Khu phố ấy linh hoạt, vẫn đông đúc nhộn nhịp khi còi báo yên, nhưng rất nhanh chóng tản ra dưới bầu trời thời chiến tranh phá hoại với sự xuất hiện của máy bay Mỹ. Bây giờ, khu phố ấy bừng bừng sức sống, náo nhiệt người và xe ban ngày, rộn ràng phố đi bộ vào ban đêm cho đến tận sớm mai.

Hồ Gươm, có tên cũ là hồ Lục Thủy vì màu nước xanh, là hồ Thủy Quân vì đây là nơi luyện tập và duyệt thủy binh của triều đình. Cái tên Hoàn Kiếm có từ thế kỷ thứ XV gắn với truyền thuyết Lê Lợi được ban kiếm thần đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Đuổi giặc xong rồi thì vua phải trả kiếm cho rùa thần ở hồ này, để tập trung nhân tâm mà dựng xây đất nước yên bình.

Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội, được lập nên từ đầu thế kỷ XIX (1804) khi nhà Nguyễn bắt đầu xây dựng lại kinh thành Thăng Long. Chợ là đầu mối bán buôn lớn đủ các mặt hàng, trong đó nhiều nhất là hàng tơ lụa, vải vóc. Nối hồ Hoàn Kiếm với chợ Đồng Xuân là các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… Đây chính là khu phố biểu tượng cho sự giàu có, phát đạt trong buôn bán suốt cả thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang có hai mặt ở hai con phố, mặt sau là số 35 Hàng Cân. Chủ ngôi nhà là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Họ là đại tư sản, đứng đầu hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng công nông, được lãnh đạo, tổ chức và tiến hành bởi hai giai cấp lao khổ, công nhân và nông dân. Ngày đầu thành công, giữa nhiều gian khó, thiếu thốn, Bộ tư lệnh của cuộc cách mạng công nông đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ hào hiệp của những người giàu có nhất trong xã hội thời bấy giờ. Đó là những đại diện ưu tú của giai cấp tư sản và tiểu tư sản Việt Nam, những nhà đại tư sản dân tộc. Ông chủ buôn bán tơ lụa dành ngôi nhà to đẹp nhất của mình ở khu phố trung tâm Hà Nội để Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cao cấp sử dụng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây trước khi ra mắt quốc dân với vị thế người đứng đầu chính quyền mới. Bộ quần áo kaki Chủ tịch mặc khi đọc Tuyên ngôn Độc lập là chọn từ loại vải đẹp nhất của hiệu buôn này may tặng. Các cán bộ đến hội họp, gặp gỡ tại đây được phục vụ chu đáo cơm nước và chăm sóc với sự nể trọng của chủ nhà.

Cũng từ đây, đã mở ra một phong trào lớn, thu hút sự ủng hộ hết lòng, chí tình, chí nghĩa của những nhà tư sản lớn ở Hà Nội và các thành phố, đô thị cả nước với chính quyền công nông. Những câu chuyện về hiến tế tài sản, vàng bạc, nhân lực cho cách mạng tại “Tuần lễ Vàng”, trong việc dựng Kỳ đài Độc lập và suốt thời gian từ lúc ra mắt chính quyền đến khi bước vào Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), là những hình ảnh đẹp đến quyến rũ về sức hấp dẫn lẫn nhau giữa cách mạng giải phóng dân tộc và tinh thần yêu nước của giới tinh hoa, giàu có.

Bác Hồ chụp hình lưu niệm với giới công thương sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ chụp hình lưu niệm với giới công thương sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tư tưởng cách mạng vô sản của thế giới để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Người nêu cao ý chí giải phóng dân tộc với chủ trương trước hết là mang lại tự do, độc lập cho đất nước. Người thành lập Mặt trận Việt Minh để mọi giai cấp, mọi tầng lớp yêu nước có mưu cầu tự do, độc lập được tập hợp lại rộng rãi nhất, tạo thành sức mạnh không thể khuất phục của cách mạng. Chính điều này đã tạo nên sự gắn bó của các tầng lớp tinh hoa xã hội là những người trí thức và giai cấp tư sản, tiểu tư sản, để họ đi cùng con đường với cách mạng.

Những đóng góp của những đại diện tiểu tư sản và tư sản dân tộc đối với chính quyền công nông trong những ngày lịch sử ấy cũng chính là một cuộc lên đường cùng tự do và độc lập, là mong đợi của chính họ.

Thảo Tuyên ngôn Độc lập trong bối cảnh của sự tập hợp rộng lớn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựng thêm một áng hùng văn vào bên cạnh những “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, “Bình Ngô đại cáo” trong kho tàng hùng văn của nước Việt: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Giai cấp tiểu tư sản, tư sản Việt Nam hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Xuất thân của giai cấp này là từ những văn thân, trí thức, các bậc chí sĩ và giới lao động tinh hoa. Đó là những con người thức thời và khao khát độc lập, tự do. Họ chán ghét thái độ nhu nhược của các vị vua bạc nhược. Họ tranh thủ những điều kiện của công cuộc khai hóa văn minh, mở rộng công nghiệp của người Pháp trong quá trình khai thác thuộc địa để phát triển sản nghiệp, trở nên giàu mạnh.

Rất nhiều các nhà tư sản, tiểu tư sản đã đồng hành trong cùng các văn thân, sĩ phu chống lại thực dân Pháp trong nhiều cuộc kháng chiến bền bỉ nổ ra trước khi thành lập Đảng cộng sản (3/2/1930) và hình thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chính vì lý do này mà khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thăng hoa, kết tinh những giá trị về tự do, độc lập thì giai cấp tiểu tư sản, tư sản Việt Nam đã cùng lên đường ngay.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển đất nước là tự do độc lập phải gắn liền với giàu mạnh và văn minh. Người tâm niệm con đường ấy phải có sự đồng hành của những người biết làm giàu cho mình và đóng góp vào sự giàu mạnh chung của quốc gia, dân tộc.

Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, Người viết: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Rất đáng tiếc, lịch sử đã có những bước đi nghiệt ngã. Đất nước sau khi giành được tự do, độc lập, đã phải bước vào liên tiếp những cuộc chiến tranh máu lửa. Mà trong chiến tranh, giữa sự sống còn, chết chóc, hy sinh, thì việc làm giàu phải chìm xuống... Sau đó, vào thời kỳ hậu chiến, câu chuyện này vẫn còn có những diễn biến theo quán tính một thời.

Hiện nay, với việc ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh trong phát triển đất nước thịnh vượng. Nghị quyết này cùng với nhiều quyết sách hình thành từ Công cuộc Đổi Mới đến hiện tại, đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên những dấu ấn về sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, hội nhập với cả một không gian lớn rộng toàn cầu.

Đây sẽ là một tầm vóc mới trong cuộc đồng hành đẹp đẽ: Giàu mạnh, văn minh lên đường cùng tự do và độc lập!

Nguyễn Hoàng Nhật

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/don-chao-xuan-canh-ty-2020-len-duong-cung-tu-do-20180504224233728.htm