Đòn đánh cuối Idlib: Điểm kết hòa bình hay vẫn là một cuộc phản công?

Ước tính khoảng 3 triệu người dân Syria rơi vào cảnh khốn đốn do ảnh hưởng của các xung đột tại khu vực.

Cuộc chạy trốn khắc nghiệt của người dân Syria

Idlib là thành trì cuối cùng của phe đối lập Syria. Và hơn một nửa người dân Syria tại Idlib đang cố gắng chạy trốn khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra tại Syria với nỗi kinh hoàng trong suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, dường như không có nơi nào khác để có thể chạy trốn khỏi bom đạn.

Thành phố Idlib, Syria. Ảnh:Sputnik

Trong nhiều tuần qua, các quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, chính quyền Syria quyết tâm lấy lại Idlib từng tấc đất và sẽ mở rộng cuộc tấn công lớn cuối cùng nhằm giành lại toàn vẹn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường quân tại biên giới và luôn cố găng ngăn chặn hơn 3 triệu người dân Syria đang tìm kiếm nơi trú ngụ an toàn tránh bom đạn. Trong khi đó, các phụ huynh ở đây thậm chí còn tìm kiếm mặt nạ chống khí độc cho con cái nhằm hạn chế rủi ro cao của một cuộc tấn công vũ khí hóa học có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Cũng về vấn đề Idlib, đại sứ đặc biệt Liên Hợp Quốc tại Syria kêu gọi tập trung cao vào các tay súng nước ngoài và chú ý tới sự liên quan của 10.000 lực lượng Al Qaeda mà Liên Hợp Quốc luôn cho rằng là các phần tử khủng bố.

Hiện tại, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn cuộc tấn công Idlib thông qua thỏa thuận khu vực phi quân sự.

Washington liên tục đưa ra tuyên bố việc đáp trả thích đáng nếu bất kỳ cuộc tấn công vũ khí hóa học nào diễn ra tại Syria. Mỹ cho rằng sẽ ra sức ngăn chặn cuộc tấn công lớn và được mô tả giống như một thảm họa nhân đạo.

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang trở nên mềm mỏng hơn trong việc giải quyết các vấn đề Syria vào thời điểm hiện tại.Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã thống nhất cho một thỏa thuận phi quân sự và tạm dừng cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào phe đối lập Syria tại Idlib.

Theo Bloomberg, Tổng thống Putin không hề mong muốn căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ tạo nên xung đột cho Syria. Tại thế trận cuối cùng ở Idlib, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã là một phe. Việc cân bằng lực lượng liên tục thay đổi từ khi Nga tham gia vào chiến tranh Syria cách đây 3 năm.

“Tổng thống Trump có vẻ như là nhân vật quan trọng và trọng tâm cho sự thay đổi thế trận hiện tại”, các nhà quan sát cho biết.

Idlib có thể kết thúc bằng thỏa thuận hòa bình?

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào có thể thông qua một thỏa thuận hòa bình cho Idlib và chấm dứt các cuộc tấn công tại nội chiến Syria dai dẳng?

Có nhiều hi vọng cho điều này. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể nếu có thể giải quyết bằng thiện chí chính trị và quyết tâm ngoại giao. Thực tế, thỏa thuận Idlib là điều đầu tiên mà đại sứ mới Mỹ tại Syria James Jeffrey dường như muốn nghiêm túc trong việc xây dựng chính sách của Mỹ với khu vực này.

Nhà giám sát Syria đồng thời là chuyên gia cấp cao Viện chính sách Trung Đông – ông Hassan đã viết trên Twitter rằng: “Mỹ đóng vai trò trung tâm nhằm ngăn chặn tấn công khủng khiếp tại Idlib. Điều đó cũng ngầm định Washington có thể tạo ra khác biệt nếu có thiện chí”.

Thực tế, ông Jeffrey là một trong số một vài quan chức Mỹ luôn nhận được nhiều khen ngợi từ Tổng thống Tayyip Erdogan. Ông Erdogan cho rằng quyết định bổ nhiệm ông Jeffrey với vai trò đại diện mới của Washington về Syria là hoàn toàn phù hợp.

Tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các tuyên bố của Mỹ tuần trước đã lặp lại các lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước sẽ cùng liên minh đối phó với cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc tấn công Idlib. Một vài quan chức Washington cân nhắc đây là nỗ lực đầu tiên nhằm điều chỉnh lại quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nhằm hướng đến chính sách Syria chặt chẽ.

Điều chắc chắn, các cảnh báo của Mỹ nhằm đối phó với cuộc tấn công của Idlib sẽ đồng nghĩa với nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với Nga. Giới quan sát cho rằng, người Mỹ sẽ trên cùng một chiến tuyến với Ankara khi Nga ra sức hậu thuẫn Syria tổng tấn công vào Idlib.

Điều đó cũng tạo nên một nỗ lực khác, hướng đến thiện chí tốt cho quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới. Mỹ liên tục cân nhắc việc đưa người Kurd đối phó với khủng bố IS trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là xem họ giống như nhóm khủng bố. Nga đang tính toán “khoảng cách chia xa” giữa Washington và Ankara về điều này và lấp đầy khoảng cách giữa hai bên. Có lẽ việc đưa ông Jeffrey trở thành đại diện mới của Mỹ tại Syria phần nào tạo nên khác biệt và là tiến trình chắc chắn đảm bảo an ninh cho phía Đông Bắc Syria.

Trong nhiều năm, Mỹ đã có ảnh hưởng nhất định tại Syria cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của Nga trên thực địa và ảnh hưởng mở rộng của Iran tại khu vực. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng sử dụng sức mạnh ngoại giao để giải quyết vấn đề Idlib, tránh bất kỳ cuộc chiến đổ máu nào hay không? Hay khoảnh khắc hiện tại chỉ là một khoảng lặng để tiếp tục cho một cuộc chiến tàn khốc gây nên thảm họa nhân đạo về một nội chiến dai dẳng không có điểm kết?

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/don-danh-cuoi-idlib-diem-ket-hoa-binh-hay-van-la-mot-cuoc-phan-cong-364825.html