Đòn đánh từ UAV tự sát Lancet Nga khiến pháo tự hành M109 Ukraine biến dạng

Hình ảnh về pháo tự hành M109 của Ukraine bị UAV tự sát Lancet Nga tập kích đẫn tới biến dạng cho thấy loại pháo này rất dễ tổn thương.

Truyền thông Nga cho biết, UAV tự sát Lancet đã khiến pháo tự hành M109 do Mỹ phát triển được cấp cho Ukraine bị tổn hại nghiêm trọng.

Những hình ảnh trong xung đột Đông Âu cho thấy, pháo M109 khi bị UAV tự sát Lancet tấn công thường sẽ bị biến dạng.

Thậm chí khẩu pháo tự hành nặng 30 tấn này bị xé bung ra nhiều mảnh vương vãi trên một khoảng đất rộng.

Giải thích cho điều này, giới phân tích quân sự cho rằng do lớp giáp của M109 chỉ dày từ 13-15mm ở các bên và 19mm ở mặt trước, vì vậy chúng khó lòng chịu được đòn tấn công từ trên cao của UAV tự sát.

Pháo tự hành M109 thường được giao nhiệm vụ pháo kích ở khoảng cách xa, chúng không xung trận trực tiếp như xe tăng, vì thế lớp giáp mỏng hơn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên với sự phát triển của UAV tự sát và vũ khí tấn công chính xác như tên lửa hay đạn pháo thông minh, lớp giáp của pháo M109 trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Hiện nay Mỹ và đồng minh đang gia cường thêm cho lớp giáp M109 để chúng có thể sống sót tốt hơn trong chiến tranh hiện đại.

Phương Tây đã chuyển pháo tự hành M109 cho Kiev chỉ ít lâu sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Đến tháng 11 cùng năm, khẩu M109 đầu tiên của Ukraine đã bị hư hại bởi đòn tập kích của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó liên tục báo cáo về pháo tự hành M109 của Ukraine bị phá hủy trên chiến trường.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, đã có tới 58 khẩu pháo tự hành M109 phương Tây chuyển cho Ukraine bị phá hỏng trong chiến đấu. Kiev chưa lên tiếng về thông tin này.

Ukraine được cho là đang sở hữu khoảng 164 khẩu pháo tự hành M109 do phương Tây cung cấp.

Pháo tự hành M109 Paladin là một trong những vũ khí chủ lực của quân đội Mỹ và một số nước NATO, loại pháo này do tập đoàn BAE Systems Land&Armaments chế tạo vào những năm 1960.

M109 đã từng là khẩu pháo tự hành phổ biến nhất thế giới do Mỹ sản xuất khi nó được sử dụng bởi cả Đức, Thụy Điển, Anh, Australia, cùng hàng loạt các quốc gia châu Âu và châu Á khác.

Có trọng lượng tổng cộng 27,5 tấn, khẩu pháo tự hành này có chiều dài 9,1 mét, rộng 3,15 mét và có chiều cao 3,25 mét.

Pháo tự hành M109 có kíp chiến đấu cần tới 6 người. Trong đó bao gồm hai pháo thủ nạp đạn, một xạ thủ, một trợ lý pháo binh, một chỉ huy và một lái xe.

Khẩu pháo này có cỡ nòng 155mm với đầu đạn và liều phóng tách rời.

Điểm đặc biệt của khẩu pháo này đó là nó có thể xoay tháp pháo 360 độ như một chiếc xe tăng, cùng với đó khoang pháo rộng cho phép pháo thủ di chuyển dễ dàng bên trong thân pháo.

Còn vị trí lái xe lại được bố trí riêng biệt phía trước tháp pháo.

Việc tháp pháo của M109 có thể xoay được 360 độ là điều cực kỳ đặc biệt bởi thông thường trên các khẩu pháo tự hành kiểu này, góc xoay tháp pháo là rất hẹp.

Ngoài hỏa lực là khẩu pháo chính, M109 còn được trang bị thêm một khẩu súng máy 12,7mm ở trên nóc.

Có tốc độ bắn tối đa 4 viên mỗi phút, tuổi thọ của nòng pháo M109 có thể đạt hơn 7.500 phát.

Khẩu pháo tự hành M109 này của quân đội Mỹ có khả năng bắn ra hỏa lực khá dày đặc, nhất là khi được triển khai trong một trận địa pháo từ 3-4 hệ thống.

Tùy từng loại đạn mà tầm bắn của khẩu pháo này có thể từ 18 km cho tới tối đa 30 km khi sử dụng đạn tăng tầm.

Ngoài ra M109 có khả năng bắn loại đạn XM982 Excalibur S dẫn đường bằng GPS với tầm bắn tối đa lên đến 40 km.

Pháo được trang bị động cơ diesel 8V71T có công suất lên tới 450 mã lực.

Tỉ số kéo của động cơ này là 18,7 sức ngựa trên mỗi tấn, cho phép M109 di chuyển được với tốc độ tối đa lên tới 56 km/h trên đường bằng.

Hiện Mỹ đang phát triển phiên bản M109A7 có thể bắn hạ cả máy bay chiến đấu.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/don-danh-tu-uav-tu-sat-lancet-nga-khien-phao-tu-hanh-m109-ukraine-bien-dang-post569822.antd