Dồn dập bàn giao các 'ông lớn' về 'siêu' Ủy ban: Các bộ quản lý có nhẹ gánh?

14/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã hoàn tất việc chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) chỉ trong 2 ngày 10 và 12/11. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây đều là các DN lớn, nhưng không vì vậy mà vai trò của các Bộ bị giảm nhẹ, mà là để các Bộ tập trung thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước (QLNN)…

Mặc dù đã bàn giao VNPT và MobiFone sang “siêu” Ủy ban song Bộ TT&TT vẫn sẽ phối hợp để tiếp tục thúc đẩy 2 DN này phát triển hơn nữa…

“Nhà gái”, “Nhà trai”…

Nếu như ngày 10/11 chỉ có Bộ Công Thương bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thì trong ngày 12/11, dồn dập từ sáng đến tối, “siêu” Ủy ban này chạy “sô” để nhận bàn giao các DN từ Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Một cảm giác lưu luyến khó tả khi các bộ quản lý ngành phải chia tay “những đứa con cưng” bao lâu nay vẫn được xem “vốn quý” của Bộ mình. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong lễ bàn giao TCty Đầu tư Kinh Doanh vốn nhà nước (SCIC) - DN vẫn được mệnh danh là “siêu” tổng công ty, DN duy nhất của Bộ phải bàn giao, đã xúc động nhớ lại 12 năm “nuôi nấng” SCIC, kể từ khi đi vào hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, để hoàn thiện mô hình hoạt động như ngày nay. Còn tân Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong thời khắc bàn giao VNPT và MobiFone rằng ông có cảm giác như nhà gái “gả con” về nhà chồng.

Chia sẻ cảm xúc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nói vui: “Nhà gái” hay “nhà trai” gì thì Thủ tướng cũng đại diện cho cả”. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và tới nay, các bộ, ngành đã lần lượt chuyển giao các DN trực thuộc về Ủy ban xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước là tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý DN…

“Rảnh tay” để thực hiện chức năng quản lý

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc bàn giao VNPT và MobiFone không làm giảm nhẹ vai trò, chức năng của Bộ TT&TT mà Bộ sẽ có điều kiện tập trung vào thực hiện chức năng QLNN đối với ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, với vai trò chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần tiếp tục cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT thúc đẩy VNPT và MobiFone ngày càng đổi mới và phát triển hơn nữa, tận dụng tối đa các tiềm năng và lợi thế, thực hiện tái cơ cấu 2 DN, mang lại hiệu quả cao nhất đóng góp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định không vì việc bàn giao các DN lớn về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, vai trò của các bộ bị giảm nhẹ mà để các cơ quan tập trung thực hiện tốt hơn vai trò QLNN được quy định tại Điều 8 của Luật Quản lý, đầu tư và sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại 5 nội dung QLNN về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN tạo Luật này bao gồm: Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; Xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN; theo dõi, giám sát hoạt động của DN; Ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích trong từng thời kỳ; Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước tại DN; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Khẳng định các bộ sẽ có nhiều việc phải làm, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc tách bạch 2 chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý DN cũng góp phần bảo toàn, phát triển vốn nhà nước hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí.

Giải tỏa cho những băn khoăn về việc “siêu” Ủy ban làm thế nào để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại nhiều DN thuộc các lĩnh vực khác nhau, tại lễ bàn giao VNPT và MobiFone sang Ủy ban, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, VNPT và MobiFone vẫn tiếp tục chịu sự QLNN của Bộ TT&TT về ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, Bộ TT&TT còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển, tạo lập các khung khổ kinh doanh, hội nhập quốc tế.

“Do vậy, sau khi tiếp nhận quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với VNPT và MobiFone, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ chỉ đạo, quản lý các DN tập trung vào sản xuất, kinh doanh để có hiệu quả tốt nhất, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Quộc hội và Chính phủ giao, đồng thời nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới gắn với tái cơ cấu DN theo các phương án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/don-dap-ban-giao-cac-ong-lon-ve-sieu-uy-ban-cac-bo-quan-ly-co-nhe-ganh-423384.html