Dồn dập vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản

Liên tục từ đầu năm tới nay nhiều doanh nghiệp đã rót vốn đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu cho nông sản trên khắp cả nước, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao để gia tăng xuất khẩu cũng như tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Gia tăng đầu tư chế biến sâu nâng giá trị nông sản

Trong những ngày đầu tháng 5/2021 tại hai tỉnh Long An, Đồng Tháp đã có các dự án chế biến nông sản được khởi công đầu tư. Theo đó, sáng ngày 7/5, Công ty CP Louis Holdings đã khởi công nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh xuất khẩu Toccoo tại TP. Tân An, tỉnh Long An. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, công suất 4 tấn/giờ, mỗi năm dự kiến cung cấp cho chuỗi cung ứng thực phẩm từ 15.000 đến 20.000 tấn sản phẩm.

Dù mới khởi công song ông Huỳnh Quang Vinh - Tổng giám đốc Công ty Louis Holsings cho biết nhà máy có thể chính thức đi vào vận hành vào tháng 7/2021. Mục tiêu doanh thu của nhà máy sẽ đạt từ 800 - 1.000 tỷ đồng sau khi chính thức đi vào vận hành.

Còn tại Đồng Tháp, vào đầu tháng 5/2021 UBND tỉnh Đồng Tháp đã chấp thuận chủ trương đầu tư một dự án Nhà máy chế biến trái cây trên địa bàn huyện Hồng Ngự qua lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Dự án có công suất chế biến trái cây dự kiến 168.000 tấn/năm (chế biến xoài, chuối, đu đủ, rau củ và các loại trái cây khác), với tổng vốn đầu tư là 250 tỷ đồng và dự kiến hoạt động từ quý III/2022.

Các sản phẩm nông sản chế biến sâu sẽ đem lại giá trị gia tăng hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân

Các sản phẩm nông sản chế biến sâu sẽ đem lại giá trị gia tăng hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu dự án nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới thông qua chế biến trái cây bằng phương pháp hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp và chế biến. Sản phẩm cuối cùng là các loại trái cây và rau củ được cấp đông như xoài cấp đông (IQF mango), xoài xay nhuyễn và cô đặc (puree and concentrate), rau củ cấp đông (bắp, khoai và đậu nành), chuối cấp đông (IQF banana), đu đủ cấp đông...

Trước đó trong tháng 4/2021, Công ty TNHH B’Lao Food đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến rau, củ, quả tại tỉnh Lâm Đồng với công suất 50.000 tấn/năm. Nhà máy được triển khai thi công xây dựng trong 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ nay đến quý II/2022 sẽ đi vào hoạt động còn giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào quý IV/2023. Khi đi vào hoạt động, hàng năm, nhà máy có thể tiêu thụ khoảng 150.000 tấn rau, củ, quả nguyên liệu. Với dự án này, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương, đặc biệt là nâng cao giá trị của các sản phẩm trái cây như sầu riêng, bơ và chanh dây.

Cũng trong tháng 4/2021, Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đã được Công ty CP thực phẩm Á Châu đưa vào hoạt động tại Lào Cai. Với công suất chế biến trên 10.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy không chỉ là niềm vui cho người dân Mường Khương và các địa phương lân cận, mà còn cho người trồng cây ăn quả ở các tỉnh lân cận, giúp giải tỏa mối lo của người nông dân về tiêu thụ nông sản làm ra.

Đón đầu lợi thế của các FTA

Mặc dù xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song theo đánh giá của các doanh nghiệp thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chế biến rất tiềm năng. Cụ thể, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong quý I/2021, dù ảnh hưởng dịch song xuất khẩu rau quả vẫn đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, thời gian qua Việt Nam đã ký kết rất nhiều FTA thế hệ mới, theo cam kết của các FTA này, nông sản Việt sẽ có cơ hội rộng cửa vào các thị trường EU, Nhật Bản, Úc… với thuế suất 0%.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, trong năm 2021, triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ FTA đã có hiệu lực. Theo đó, việc tận dụng tính hiệu lực của các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đang giúp mở đường ra cho các doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản muốn đạt giá trị gia tăng cao phải được chế biến sâu, đảm bảo các tiêu chuẩn rõ ràng về truy xuất nguồn gốc cũng như chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế.

Chính vì vậy không chỉ các doanh nghiệp có tiềm lực vốn mà ngay cả những hợp tác xã cũng đang mạnh dạn đầu tư cho chế biến sâu. Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre -chia sẻ, chiến lược của hợp tác xã là không chỉ kinh doanh ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường khó tính; không chỉ bán trái bưởi tươi mà còn sản xuất các sản phẩm chế biến từ bưởi. Chính vì vậy tháng 3/2021 hợp tác xã đã khởi công xây dựng khu phức hợp đa chức năng để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín cho trái bưởi.

Cũng theo ông Bảo, nhờ ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, đạt chuẩn Global GAP mà các sản phẩm của hợp tác xã đã được xuất khẩu trực tiếp qua Canada và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-dap-von-dau-tu-vao-linh-vuc-che-bien-nong-san-156659.html