'Đón đầu' cơ hội, xuất khẩu nông sản 2019 hy vọng vào một khởi sắc mới

Xuất khẩu nông sản liên tiếp đạt kỷ lục trong những năm gần đây. Bước sang năm 2019, với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, nông sản Việt sẽ càng có thêm nhiều cơ hội để 'vươn ra thế giới'.

Sáng 11/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng chúc mừng Lễ xuất khẩu những chuyến hàng rau quả đầu tiên sang Nhật Bản năm Kỷ Hợi 2019 của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Điều này hứa hẹn một năm mới thành công với nông sản Việt khi đã vươn được tới những thị trường khó tính.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%.

Xuất khẩu nông sản giữ được đà tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Xuất khẩu nông sản giữ được đà tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện được mục tiêu này Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, đặc biệt là hai hiệp định chính là CPTPP và EVFTA.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường Trong năm 2019, các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường mới. Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42-43 tỷ USD vì vậy rất khả thi.

Để tạo cơ hội cho năm 2019, Bộ NN&PTNT chú trọng công tác dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài...

Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, sau nhiều nỗ lực đàm phán, từ năm 2019, Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho 8 mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, gồm: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Chúng ta cũng đã đàm phán được để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12/2018 sang tháng 6/2019.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), đồng thời với những thuận lợi, cũng có khá nhiều thách thức đặt ra với xuất khẩu nông sản Việt Nam. Dự báo, năm nay mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm do tác động của chiến tranh thương mại, cũng như việc hàng rào bảo hộ được dựng lên. Điều đáng lo ngại là những nước được dự báo suy giảm tăng trưởng đều là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Trung Quốc được dự báo giảm 0,3%; EU, Nhật Bản đều giảm 0,2%.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nông sản Việt và các doanh nghiệp cũng đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó phải kể đến Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn về xuất khẩu nông lâm thủy sản vào một thị trường vô cùng rộng lớn và giàu tiềm năng.

"Trên thực tế, ngay cả trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều cơ hội khi các nhà đầu tư đang có chính sách hướng Nam, rời Trung Quốc tìm đến các thị trường khác. Đây cũng là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, vì vậy những mặt hàng đang bị đánh thuế cao trong cuộc chiến thương mại như đồ gỗ, thủy sản đều có thể tìm thấy cơ hội", TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.

Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, việc đầu ra vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất tiểu ngạch sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu rau, quả Việt Nam năm nay không tăng mạnh như những năm trước.

"Quan điểm của cả hai bên là nông sản Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Việc này giúp nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận thị trường của các DN và nâng cao khả năng thích ứng của bà con nông dân, vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng, đồng thời hướng tới làm ăn bài bản tại thị trường này.", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Đây có lẽ sẽ là hướng đi phù hợp nhất cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam tới thị trường lớn này.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam đang đứng ở vị trí 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, trong năm qua, có 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là tôm, rau quả, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ.

H.V/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/don-dau-co-hoi-xuat-khau-nong-san-2019-hy-vong-vao-mot-khoi-sac-moi-20190213122641193.htm