Dọn dẹp 'nhạc rác'

Hiếm có thời nào như thời nay, cứ cầm micro lên là có thể trở thành ca sĩ, gọi là 'ca sĩ'.

Dễ dàng, tùy tiện như thế là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ca khúc thảm họa, giọng ca thảm họa tràn lan không chỉ trên mạng xã hội mà nghiễm nhiên xuất hiện trên cả một số chương trình gameshow thi thố ca nhạc ở không ít kênh truyền hình.

Nếu như vài ba năm về trước, nhiều hoa khôi, người mẫu, diễn viên có lợi thế ngoại hình bắt mắt, tự tin lấn sân sang ca hát để che lấp phần nào giọng ca làng nhàng, non nớt của mình, thì thời gian gần đây, không ít Tiktoker, Youtuber, Vlogger, Streamer tuy tài hèn sức mọn cũng “đổ bộ” lên các nền tảng mạng xã hội bằng những sản phẩm âm nhạc thảm họa bởi ca từ vô nghĩa, nhảm nhí và hình ảnh dung tục, phản cảm.

Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Chỉ cần nghe qua những cái tên bài hát như: “Bốc bát họ”, “Ông bà già tao lo hết”, “Lái máy bay”, “Trơn”, “Quan hệ rộng”... cũng đủ thấy tính khiêu khích nhố nhăng, câu khách rẻ tiền của những sản phẩm âm nhạc này.

Đáng nói hơn, ngay cả trên một số kênh truyền hình được tổ chức xuất bản, phát sóng theo một quy trình chặt chẽ, nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà có “nhà đài” vẫn để lộ, lọt những “ca từ nhại, bài hát chế” thiếu tính giáo dục, văn hóa.

Bức xúc trước tình trạng này, một nhạc sĩ tên tuổi và có trách nhiệm xã hội từng cảnh báo rằng, việc tán phát, phát sóng những sản phẩm âm nhạc có nội dung dung tục, hình ảnh phản cảm sẽ tác động tiêu cực đến khán giả, nhất là khán giả trẻ. Cái thứ “nhạc rác”, nhạc chế nhảm nhí này nếu không được ngăn chặn sẽ là mầm mống tai họa cho nền âm nhạc nước nhà!

Công tâm mà nói, không thể phủ nhận những đóng góp, cống hiến của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ khi nỗ lực tìm tòi, đổi mới để góp phần làm phong phú nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, vì chạy theo trào lưu nhất thời của dòng nhạc “mì ăn liền” và bị cuốn theo lối “sống nhanh, sống gấp” của một bộ phận giới trẻ mà nhiều ca khúc, MV (video ca nhạc) của người làm nhạc trẻ trở nên sơ sài, sống sượng, cẩu thả, ít giá trị thẩm mĩ. Mặt khác, do muốn “hâm nóng” tên tuổi nhanh chóng mà có ca sĩ, nhạc sĩ và một số Tiktoker, Youtuber... vội vàng cho ra đời những MV non nớt, què quặt, làm vẩn đục môi trường văn hóa âm nhạc.

Cuối năm ngoái, một số sản phẩm âm nhạc vi phạm nghiêm trọng thuần phong mỹ tục, như ca khúc có nội dung loạn luân giữa bố chồng-nàng dâu, MV xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo... đã bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, do tính chất mở của môi trường mạng thời nay nên ai cũng có thể tự thu âm, tự sản xuất và tự phát hành MV trên các nền tảng mạng xã hội, nên việc ngăn cấm triệt để các sản phẩm “nhạc rác” không dễ dàng.

Rác thường là những thứ phải bỏ đi vì sự tồn tại của nó có thể làm ô uế môi trường. Những sản phẩm “nhạc rác” cũng là một thứ phải dọn dẹp để góp phần làm trong sạch môi trường mạng. Muốn vậy, giải pháp khả thi hiện nay là phát huy sức mạnh của dư luận xã hội và “quyền lực” của mỗi người sử dụng mạng và khán giả trong việc lên án, tẩy chay, kiên quyết nói “không” với những “nhạc rác” trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa, tức là không chỉ xử phạt hành chính mà cần “treo micro” trong một thời gian nhất định đối với các cá nhân vi phạm. Các kênh phát thanh, truyền hình kiên quyết cấm sóng đối với các ca sĩ, diễn viên, người làm nhạc cho ra đời những sản phẩm âm nhạc nhảm nhí, nhố nhăng, dung tục.

Khi không còn cơ hội xuất hiện ở những sân chơi, chương trình âm nhạc chính thống, bản thân người trong cuộc sẽ tự phản tỉnh và cũng không có điều kiện, môi trường chính danh để xuất hiện trước đông đảo công chúng...

NGÔ DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/don-dep-nhac-rac-709432