Đơn giản hóa dịch vụ công vì người dân

Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hệ thống hành chính vẫn còn tồn tại những chậm trễ và nhũng nhiễu.

Do đó, nhiều ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tổ chức tại Hà Nội ngày 11-9 cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa dịch vụ công, vì người dân và doanh nghiệp, vì nền kinh tế.

Nhiều mô hình cải cách hành chính hiệu quả

Qua gần 4 năm hoạt động thí điểm, Trung tâm Hành chính công tỉnh và cấp huyện tại tỉnh Quảng Ninh đã trở thành mô hình mẫu trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính. Chia sẻ tại hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, công khai, minh bạch, giao tiếp ứng xử đúng mực, trả kết quả sớm là cốt lõi làm nên thành công của Trung tâm Hành chính công tại Quảng Ninh. Đơn cử, tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, thời gian giải quyết TTHC giảm từ 40 đến 60% so với trước, số hồ sơ quá hạn chỉ chiếm 0,01%…

Cũng nhận được nhiều đánh giá về những cải thiện trong công tác cải cách TTHC, tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, cho biết, trước đây, tại Hà Nội, lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… là một trong những hoạt động luôn khiến nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) phàn nàn. Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng chính quyền điện tử, qua đó nhiều TTHC được sửa đổi, bổ sung; những thủ tục rườm rà, không cần thiết được bãi bỏ, tạo được sự hài lòng của người dân và DN.

Cần sớm triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng tập trung trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại các cơ quan Nhà nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đề xuất, các bộ, ngành cần xác định rõ thời gian giải quyết TTHC; từ đó các địa phương có cơ sở để tiếp tục cắt giảm; đồng thời cũng cần xem xét phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong quá trình giải quyết TTHC. “Đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa. Cán bộ được cử đến làm việc tại trung tâm hành chính công phải có năng lực, vị trí việc làm và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu giải quyết TTHC và có thẩm quyền nhất định để trực tiếp thẩm định và phê duyệt hồ sơ tại trung tâm, tránh tình trạng công chức bộ phận một cửa như là văn thư cấp cao như trước đây”-ông Đặng Huy Hậu đề xuất.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng kiến nghị, các bộ, ngành sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, an sinh xã hội,... làm nền tảng để nhiều địa phương triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như các ứng dụng khác phục vụ quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, DN được tốt hơn. Đồng thời, sớm triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn kiến trúc thống nhất trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đặc biệt, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, để tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư xây dựng các phần mềm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo hướng các bộ, ngành được giao xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC có trách nhiệm tổ chức xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để áp dụng dùng chung trong cả nước.

Xin lỗi công khai khi chậm giải quyết TTHC

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại hội nghị cũng cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo cơ chế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Kế hoạch thực hiện Nghị định 61 tập trung theo 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm hoàn thiện thể chế; ứng dụng CNTT; kiện toàn tổ chức và bố trí trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa các cấp, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong việc giải quyết TTHC; rà soát, công bố danh mục TTHC, tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC, tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc việc triển khai nghị định.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn chỉ ra rằng, ở một số lĩnh vực vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu và chi phí không chính thức; TTHC mặc dù đã được cải cách nhưng vẫn còn nhiều “cửa”, nhiều “khóa”; cắt giảm nhiều thủ tục chưa đạt như mong muốn… “Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động”-Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 61; tham khảo cách làm, kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời nhanh chóng xây dựng, kết nối đồng bộ Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp bộ, cấp tỉnh; ứng dụng CNTT theo hướng tập trung vào việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành trong năm 2019; chú trọng đánh giá mức độ hài lòng của người dân; nghiên cứu những chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên chức làm việc tại bộ phận một cửa… “Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc xây dựng các dịch vụ công mức độ 3, 4. Việc xây dựng dịch vụ công phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng”-Phó thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh tới việc phải giải quyết đúng hạn TTHC, hạn chế tối đa việc người dân, DN phải đi lại nhiều lần, Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/don-gian-hoa-dich-vu-cong-vi-nguoi-dan-549286