Đòn năng lượng của Nga đánh vào điểm yếu của châu Âu

Động thái siết xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào tuần này của Nga có nguy cơ giáng đòn mạnh vào một trong những điểm yếu của các nhà lãnh đạo châu Âu: Chiếc hòm bỏ phiếu.

Tổng thống Emmanuel Macron sẽ là một trong những nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên phải đối diện cử tri, thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 19/6 (giờ địa phương).

Kết quả thăm dò cho thấy các ứng viên đảng Phục hưng của ông Macron cùng đồng minh đang có mức độ ủng hộ sát nút với đối thủ trong cuộc chạy đua vào những chiếc ghế trong Quốc hội Pháp.

Nga đã siết dòng khí đốt khi lãnh đạo ba nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu - gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi - đến thăm Kyiv hôm 16/6. Ảnh: Bloomberg.

Những nền kinh tế lớn khác của châu Âu sẽ tổ chức bầu cử tại thời điểm gần mùa đông tiếp theo. Đây sẽ là lúc sự thiếu vắng khí đốt Nga trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết trong các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh của châu Âu.

Đức, nước phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn Pháp, sẽ trải qua đợt thử thách đầu tiên vào tháng 10, khi bang Hạ Saxony có cuộc bầu cử cấp khu vực. Italy, một nước khác cũng nhập khẩu nhiều khí đốt Nga, dự kiến có bầu cử quốc gia vào giữa năm sau.

Châu Âu cố xoa dịu cử tri

Sức ép mà Nga đang đặt ra đối với giá nhiên liệu châu Âu từ trước đã buộc chính phủ các nước tại đây phải tăng chi để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Italy tung biện pháp cắt giảm thuế để giảm chi phí năng lượng cho những hộ gia đình thu nhập thấp và một số doanh nghiệp. Rome cũng cắt thuế nhiên liệu để giảm giá cả ở trạm xăng cho người tiêu dùng. Các biện pháp này sẽ sớm hết hiệu lực nhưng Rome đang cân nhắc việc gia hạn.

Ông Macron đã cố xoa dịu cử tri với gói chi tiêu chính phủ trị giá 28 tỷ USD để áp mức giá trần cho khí đốt và điện, cũng như để trợ cấp cho xăng.

Tuy nhiên, động thái ấy vẫn không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của chính trị gia cực tả Jean-Luc Melenchon, người đã đoàn kết các đảng cánh tả thành liên minh thống nhất trong cuộc đua vào Quốc hội Pháp.

Nga đã siết dòng khí đốt khi lãnh đạo Pháp, Italy và Đức - ba nước có nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu - đến thăm Kyiv hôm 16/6. Ảnh: Reuters.

Ông Melenchon còn kêu gọi cần can thiệp về lâu dài vào thị trường, trong khi ông Macron e ngại chính sách này vì lo sợ một làn sóng biểu tình mới, theo các quan chức.

“Chúng ta đang chứng kiến sự gián đoạn sâu rộng xảy ra đối với mô hình kinh tế châu Âu. Điều này sẽ để lại hậu quả với tình hình chính trị - xã hội của khu vực”, ông Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên cấp cao tại viện chính sách Bruegel tại Brussels.

“Đức và các nước khác xây dựng sức mạnh kinh tế của họ qua lợi thế cạnh tranh nhờ có được nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga”, ông Tagliapietra nói. “Họ sẽ phải suy nghĩ lại mô hình kinh doanh trong khi điều này rất thách thức”.

Châu Âu có đủ khí đốt tự nhiên để vượt qua mùa hè, thời điểm nhu cầu còn ở mức rất thấp. Từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, các nước EU đã đua nhau nạp đầy các cơ sở trữ khí đốt và đến nay, những cơ sở này đã đầy khoảng một nửa.

Tuy nhiên, hệ quả kinh tế vẫn đã xuất hiện. Lạm phát leo thang và bóng ma khủng hoảng kinh tế đã làm giảm đi niềm tin của người tiêu dùng. Lạm phát ở các nước dùng đồng tiên chung của khối EU đã tăng đến mức cao kỷ lục 8,1% vào tháng 5.

Giá nhiên liệu tăng cao từng là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ phong trào biểu tình "áo khoác vàng" tại Pháp. Ảnh: AFP.

Ông Macron biết rõ hậu quả

Tổng thống Macron không còn xa lạ với hậu quả của giá nhiên liệu tăng cao.

Chính giá nhiên liệu đã làm bùng nổ chuỗi biểu tình “áo khoác vàng” tại Pháp để rồi đến cuối năm 2018, phong trào này biến tướng thành các cuộc bạo loạn hoành hành dọc Đại lộ Champs-Elysees, để lại các cửa hiệu tan tành và những chiếc xe cháy sém.

Phong trào biểu tình lan khắp châu Âu và thống trị các cuộc tranh luận chính trị ở nhiều nước trong nhiều tháng.

“Người dân đã bị kéo căng tới cùng cực”, Anthony Badou-Bonsou, một kỹ sư dự án thất nghiệp 38 tuổi sống tại ngoại ô Paris có dự định bầu cho các ứng viên của ông Melenchon, nói. “Tới một lúc nào đó, giới hạn sẽ bị phá vỡ và các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ lại bùng nổ”.

Pháp không phải nước duy nhất bỏ ra nhiều tiền để giảm tác động từ khủng hoảng năng lượng. Hy Lạp đang chi hơn 3% sản lượng kinh tế hàng năm để che chắn các hộ gia đình và doanh nghiệp trước giá nhiên liệu tăng, theo tính toán của viện Bruegel dựa trên dữ liệu chính phủ.

Chiến sự Ukraine vẫn tiếp diễn mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi giá nhiên liệu đang ngày một tăng. Ảnh: Anadolu Agency.

Tương tự, Tây Ban Nha và Italy chi hơn 2%, trong khi Pháp và Đức chi hơn 1%.

“Việc chi tiêu như vậy không thể kéo dài mãi nhưng không có lối đi nào dễ dàng để thoát khỏi tình thế này”, ông Tagliapietra nói. “Châu Âu sẽ không bao giờ trở lại mối quan hệ năng lượng như trước với Nga và tác động từ việc này sẽ còn tồn tại trong thời gian rất dài”.

Những tác động đầu tiên nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào ngày 19/6. Bất chấp khoản chi tiêu ông Macron bỏ ra để kiềm chế giá nhiên liệu, nhiều người cho rằng các động thái ấy chưa đủ xa.

Hãng thăm dò Harris Interactive dự đoán đảng của ông Macron cùng đồng minh sẽ mất ghế ở Quốc hội, đe dọa tới thế đa số của họ.

“Việc giảm được một vài xu ở trạm xăng sẽ không thể khiến mọi chuyện tốt đẹp hơn”, Remy Antille, một giám đốc doanh nghiệp làm việc tại Paris từng bỏ phiếu cho ứng viên của ông Melenchon trong vòng bầu cử Quốc hội đầu tiên của Pháp, nói.

Người dân ném cà chua vào tổng thống Pháp Đoạn video cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron suýt bị ném trúng cà chua giữa lúc đi thăm một khu chợ ở thành phố Cergy, ngoại ô thủ đô Paris, sau khi tái đắc cử.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/don-nang-luong-cua-nga-danh-vao-diem-yeu-cua-chau-au-post1327832.html