Dọn nhà sau lũ

Cuối cùng chờ mãi thì nước cũng rút. Mấy ngày trong lũ khiến mẹ tôi kiệt quệ, trông mặt bà bơ phờ, xơ xác đến là thương. Mà không chỉ riêng mẹ tôi, ai nấy trong nhà đều mệt mỏi trông thấy. Nhà ở vùng chiêm trũng lại nằm trong vùng hay có thiên tai, nên hàng năm lũ lụt, mưa bão lúc nào cũng ghé thăm. Khổ cực, mất mát, đau thương lắm nhưng chẳng thể dứt bỏ quê hương mà đi nơi khác được.

Cuối cùng chờ mãi thì nước cũng rút. Mấy ngày trong lũ khiến mẹ tôi kiệt quệ, trông mặt bà bơ phờ, xơ xác đến là thương. Mà không chỉ riêng mẹ tôi, ai nấy trong nhà đều mệt mỏi trông thấy. Nhà ở vùng chiêm trũng lại nằm trong vùng hay có thiên tai, nên hàng năm lũ lụt, mưa bão lúc nào cũng ghé thăm. Khổ cực, mất mát, đau thương lắm nhưng chẳng thể dứt bỏ quê hương mà đi nơi khác được.

Kiếm được vài nhánh củi khô còn sót lại, mẹ nhóm bếp bắc ấm nước pha mì tôm chống đói. Mấy ngày qua lũ về ăn mì tôm sống, uống nước lã ngán đến tận họng, lúc ăn sợi mì tôm chín như được thưởng thức sơn hào hải vị vậy. Ngon quá chừng. Nhưng ăn chưa kịp xong bát mì, cả nhà lại nắc nỏm lo công cuộc dọn đống hoang tàn sau lũ. Nhìn đống đồ lỉnh kỉnh tan hoang do lũ không biết nên bắt đầu từ đâu. Phải căng mắt lắm mới phân biệt được cái nào là dụng cụ, đồ dùng gì. Vì sau lũ, mọi thứ đều bị lớp phù sa đỏ ngầu bám vào. Ba khỏe nhất nhà, tiên phong sắp xếp lại chỗ ở, kéo cái giường bê bết bùn ra giữa sân, múc từng gàu nước dưới giếng lên kì cọ. Ba nói, gì thì gì phải bắt đầu từ chỗ ngủ, có chỗ ngủ thì mới yên giấc được. Mẹ sửa soạn lại nồi niêu xoong chảo, góc chạn trong bếp. Cái nào cái nấy nhìn vào chỉ muốn vất đi cho xong. Nhưng bỏ đi thì không biết lấy cái gì mà dùng, nên đành cố gắng rửa. Thật đến cực cho mẹ biết bao nhiêu, kì cọ cả ngày cũng chưa thể xong công việc.

Mấy chị em chúng tôi lật đật chạy tới góc học tập xem “tình hình” như thế nào. Có lần tôi đã khóc rưng rức, khi toàn bộ sách vở của tôi bị cuốn trôi trong lũ. “Như thế này thì còn đi học sao được nữa”. Thằng em út mếu máo. “Không có sách vở con ở nhà chăn bò sao?”. Cho đến khi mẹ nói cứ đến lớp, rồi cha mẹ sẽ xoay xở sau chúng tôi mới nín khóc. Rồi cũng đến ngày đi học. Trên người không có một món đồ gì phục vụ cho học hành, lên lớp học ké với chúng bạn. Năm sáu đứa học chung một quyển sách. Đợi quà ủng hộ từ mọi người gửi đến chúng tôi mới có sách học. Nghĩ đến ngày tháng ấy khóe mắt tôi lại xè cay…

Ngắm dọn trong nhà hòm hòm rồi thì lại ra vườn dọn tiếp. Cây cối đổ ngổn ngang. Nhìn quả xanh chưa đến kỳ thu hoạch rụng rơi lả tả mà tiếc gì đâu. Xoài, na, hồng, ổi rồi cả bưởi nữa cứ rụng đầy vườn. Đám trẻ con vô tư nhặt những quả bưởi, quả xoài xanh vào rửa sạch cắt ra ăn rau ráu. Hoa màu dường như chẳng vớt vát được chút gì. Tất cả bị chìm trong lũ, nước dập tơi tả. Mẹ tôi cứ đứng tần ngần mãi trước vạt cà tím, mắt đục ngầu như phù sa. Thoáng là biết mẹ đang rơi nước mắt, tôi cũng rưng rưng theo. Mẹ than thở, nếu lũ không về thì chẳng mấy lâu nữa mà thu hoạch được cà tím, kiếm chút tiền phục vụ đàn con ăn học. Vậy mà…

Bước ra phía chuồng gà, chuồng heo trống huơ trống hoắc. Thường ngày thấy lũ gà, lũ heo kêu thấy nhức cả đầu, ghét quá thế nhưng sau lũ vắng bóng tiếng chúng lại nhớ. Mất hết cả rồi! Mãi rất lâu sau ba mẹ cũng như người dân trong làng mới ổn định lại được cuộc sống như trước đây.

***

Ký ức sau lũ năm xưa tôi vẫn luôn còn nhớ. Cho dù bây giờ tôi không còn sống ở quê nữa. Mới đó… mà hơn hai chục năm trôi qua. Ba tôi cũng đã theo gió mây mà bay về trời. Năm nay nhìn người dân miền Trung oằn lưng chống lũ, khắc phục lũ tôi lại rớt nước mắt. Nhất là mẹ tôi, mấy hôm mẹ trằn trọc không ngủ. Tôi biết mẹ cũng như tôi, đang nhớ lại ký ức năm xưa của mình một thuở. Hôm qua, khi nằm ngủ với mẹ, tôi thấy mẹ ú ớ câu nói “lũ ơi!”, tôi nghe mà nhói cả lòng.

Tản văn: Tăng Hoàng Phi

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_233553_don-nha-sau-lu.aspx