'Dọn rác' trên không gian mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Đây được kỳ vọng là một trong những phương tiện hữu hiệu nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi tình trạng ngập tràn “thông tin rác” vốn đã và đang rất phổ biến trên không gian mạng.

Tin giả, rác bẩn vẫn ngập tràn không gian mạng bất chấp việc có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố hình sự

Tin giả, rác bẩn vẫn ngập tràn không gian mạng bất chấp việc có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố hình sự

Lệch chuẩn "thông tin rác" trên mạng

Không gian mạng dần dần đã không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Trên đó không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả lừa đảo… Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.

Tình trạng "ngập tràn rác" trên không gian mạng là điều mà cả dư luận và cơ quan chức năng lên tiếng lâu nay. Những thứ "rác" ấy không chỉ làm vẩn đục không gian mạng mà còn gây nhiều mối nguy hại cho con người, xã hội.

Đáng nói hơn, Youtube, Tik Tok và Facebook hiện đang là mảnh đất “câu view”, làm giàu của rất nhiều người. Có vlog xoáy sâu các tin “giật gân”, bịa đặt, “câu view”. Có trang chuyên nói xấu xã hội, nói xấu Nhà nước để thu hút sự đồng tình của những thành phần có nhận thức lệch lạc. Có kênh chuyên kể chuyện tục bậy, vi phạm thuần phong mỹ tục…

Không chỉ tung ra những thông tin “rác”, gây hoang mang dư luận, các kênh này còn tạo ra và nuôi dưỡng thị hiếu tầm thường của cư dân mạng, thậm chí góp phần “đầu độc” dân trí.

Không quá khó để có thể kể ra hàng loạt những kênh có những hành vi gây nguy hiểm, tổn hại cho xã hội, tạo ra các nội dung xấu, sai trái, thiếu chuẩn mực về đạo đức như Youtuber Thơ Nguyễn với cách xây dựng nội dung clip cho thiếu nhi không hướng đến giáo dục kĩ năng, kiến thức bổ ích cho các em nhỏ mà bày ra những trò nghịch ngợm vô bổ, trong đó có cả nghịch dại.

Hay vlog Bà Tân, một trong những người tạo ra trào lưu nông dân nấu ăn ở Việt Nam, từ sự chất phác, dễ thương ban đầu đã đi dần vào con đường lố lăng, “câu view”.

Nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những “rác thải” độc hại đang ngập tràn trên mạng Internet, trong những năm gần đây, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Sở TT&TT các địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội YouTube, Facebook vi phạm.

Những cái tên từng làm “nóng” dư luận như kênh Hưng blog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn... và mới đây là kênh YouTube Hoàng Anh-Timmy chứa đựng nhiều nội dung phản cảm, đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh YouTube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tình trạng tin giả, rác bẩn vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng bất chấp hậu quả việc người tung tin không chỉ đối diện nguy cơ bị phạt hành chính mà mức độ cao hơn, có thể truy tố hình sự.

Cần chế tài và trách nhiệm của người dùng

Chủ động rà soát, kiên quyết xử lý các vi phạm trên không gian mạng... đó là những hành động đã và đang được Vĩnh Phúc kiên quyết thực hiện và xử lý, đặc biệt là những thông tin sai lệch trên không gian mạng gây hậu quả nghiêm trọng.

Có thể kể ra rất nhiều trường hợp vi phạm và đã bị xử lý như: T.V. H, sinh năm 1999 (xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường), chủ tài khoản facebook “Hoàng Soobin” đăng thông tin sai sự thật về việc “Nhà nước phun thuốc trên bầu trời…” bị xử phạt 10 triệu đồng.

B. H. A, sinh năm 1997, (phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên), chủ tài khoản facebook “Anh Hien Bui”, đăng tải thông tin sai sự thật “Có 31 người tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc mắc bệnh…”, đã bị xử phạt 10 triệu đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam năm bị can liên quan đến clip giả mạo về quán bar Karaoke Sunny về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

Quá trình điều tra, các cán bộ công an xác định đoạn clip được các đối tượng đăng tải lên trang web livebong.net đã phát tán đến rất nhiều người, riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc bước đầu xác định có khoảng 6.000 người truy cập…

Cùng với sự quyết liệt của các cơ quan trức năng trong việc quyết liệt xử lý các vi phạm, việc cơ quan quản lý nhà nước ra văn bản chấn chỉnh tình trạng “rác” mạng xã hội là rất cần thiết, vì thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật.

Trong số đó có nhiều nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức, sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa, phản cảm, tung tin giả, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... tác động tiêu cực đến dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Nhằm xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, bên cạnh những biện pháp mạnh nhằm kiên quyết xử lý những vi phạm trên không gian mạng trong thời gian qua, ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT ban hành Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội.

Đây không chỉ là cẩm nang nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam, mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau trên mạng, giúp hàn gắn xã hội tốt hơn.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Thái Hòa, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương chia sẻ: “Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp tạo ra một môi trường mạng lành mạnh hơn, đặc biệt là cho trẻ em - đối tượng cần bảo vệ nhất nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng nhất. Theo quan điểm của cá nhân tôi thấy, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để có hệ quy chiếu cho những phát ngôn trên mạng. Bên cạnh đó, bộ quy tắc ứng xử trên mạng cũng cần đảm bảo không vi phạm quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật”.

Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng cũng không nên thờ ơ, bàng quan với vấn nạn “rác” văn hóa trên mạng đang hằng giờ, hằng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, khối óc mình mà nếu mỗi người không đủ tri thức để loại bỏ.

Nếu người dùng mạng xã hội đứng ngoài cuộc chiến chống “rác” văn hóa trên không gian mạng thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả căn cơ, bền vững trong cuộc chiến này. Do đó, chung tay làm sạch “rác” văn hóa trên mạng xã hội là trách nhiệm không của riêng ai.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/63958/don-rac-tren-khong-gian-mang.html