Dồn tâm sức để tăng tốc

1. Tăng tốc trong 2 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 ở mức cao nhất, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch của năm 2021, đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2020 ngày 30-10 vừa qua.

Chỉ đạo được nêu trong bối cảnh cả nước đi gần hết năm 2020 với ngổn ngang khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Thường thì cuối năm là lúc "chạy nước rút" về đích hoàn thành kế hoạch cả năm nhưng riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương tăng tốc để thực hiện ở mức cao nhất kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuẩn bị cho năm 2021.

9 tháng năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) nước ta tăng 2,12% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2020, nhưng là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN và số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương; hàng loạt nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới đều dự báo GDP giảm, thậm chí giảm sâu 5-8%.

Đáng chú ý, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, quý I-2020 GDP tăng 3,68%, quý II-2020 GDP tăng 0,39%, quý III-2020 GDP tăng 2,62%. Nếu phác thảo bằng đồ thị, nền kinh tế nước ta đã đi qua điểm đáy quý II và phục hồi trong quý III.

Tháng 10-2020, kinh tế nước ta tiếp tục có những dấu hiệu tích cực: Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19%, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu phục hồi khả quan, thặng dư thương mại 10 tháng năm 2020 cao kỷ lục, đạt 18,7 tỷ USD. Giá trị thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2020 đạt cao nhất trong 5 năm qua, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2019…

Những kết quả trên khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; khẳng định nỗ lực, cố gắng của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo đà tăng tốc trong 2 tháng còn lại của năm 2020, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội cao nhất, với tinh thần càng khó khăn càng phải quyết tâm hơn, ý chí hơn.

2. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III; khả năng năm 2020, GDP có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%. Tuy nhiên, như chỉ đạo của Thủ tướng thì các bộ, ngành, địa phương phải "dồn cả tâm cả sức để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa”. Tinh thần quyết tâm hơn, ý chí hơn để đưa đất nước tiến lên phải được thể hiện ở từng cấp, ngành, từng lĩnh vực, từng công việc; cụ thể hóa thành hành động từ người đứng đầu, đến các cán bộ, công chức, mỗi doanh nghiệp, từng người dân.

Để làm được điều đó, tiến độ thực hiện và giá trị giải ngân vốn đầu tư công cần được tiếp tục đẩy mạnh, từ đó thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thu hút các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Hơn thế, đó còn là cơ sở quan trọng để tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn. Đi đôi với đó là kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước và tiếp tục tận dụng mọi cơ hội duy trì đà tăng tiến của xuất khẩu, tạo đầu ra cho sản xuất của doanh nghiệp. Cán cân thương mại xuất siêu, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc tiếp tục sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV-2020.

Ngoài những ngành được coi là trụ cột của tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới”, nhiệm vụ tăng tốc trong những tháng cuối năm còn là hỗ trợ những ngành vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; là nhanh chóng khắc phục điểm yếu của nền kinh tế được bộc lộ thời gian qua… Bởi dù nhận định, đánh giá có lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không thể chủ quan khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Nhiều rủi ro, thách thức vẫn ở phía trước như căng thẳng thương mại, bất ổn tài chính thế giới; thiên tai, lũ lụt ở khu vực miền Trung; thu ngân sách có nguy cơ thấp hơn dự toán… cũng chưa cho phép được lạc quan quá mức.

Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế coi Việt Nam là một trong những "điểm sáng" hiếm hoi trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế phải vật lộn với dịch Covid-19 là sự khích lệ đáng tự hào. Đánh giá này là động lực để các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực, với tinh thần càng khó khăn, càng quyết tâm hơn, tăng tốc 2 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội cao nhất và chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/983106/don-tam-suc-de-tang-toc