Đòn trừng phạt mới của Mỹ để 'chặn dòng tiền quan trọng' sang Moscow

Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 13/5 (giờ địa phương) đã ký một dự luật lưỡng đảng cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga, nhiên liệu chính được sử dụng bởi các nhà máy điện hạt nhân, một động thái nhằm cắt đứt một trong những dòng tiền quan trọng cuối cùng từ Mỹ sang Nga.

Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn uranium của Nga. Ảnh minh họa Getty Images.

Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn uranium của Nga. Ảnh minh họa Getty Images.

Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng có động thái cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, chỉ một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022. Dù vậy, mặt hàng uranium cần nhiều sự cân nhắc hơn, một phần vì Nga cung cấp khoảng 20% nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, khiến một số nhà lập pháp lo ngại sự gián đoạn đối với 93 lò phản ứng hạt nhân của nước này.

Các công ty Mỹ trả khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để làm giàu uranium từ Rosatom, tập đoàn điện hạt nhân nhà nước của Nga. Các khoản tiền này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi có tài liệu tiết lộ vào năm ngoái rằng Rosatom đã cung cấp cho ngành công nghiệp vũ khí Nga các bộ phận, công nghệ và nguyên liệu thô cho nhiên liệu tên lửa.

Dự luật lưỡng đảng sẽ cấm nhập khẩu uranium từ Nga bắt đầu sau 90 ngày kể từ ngày ban hành, đồng thời, sẽ cung cấp quyền miễn trừ cho đến năm 2028 đối với các công ty điện lực buộc phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân một khi nguồn cung cấp của Nga bị cắt. Dự luật cũng tạo điều kiện để giải ngân khoản tiền 2,7 tỷ USD được thông qua trong luật trước đây nhằm xây dựng ngành công nghiệp chế biến uranium trong nước.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định: "Luật mới này tái lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân. Nó sẽ giúp đảm bảo ngành năng lượng cho các thế hệ mai sau".

Dự luật đã được Hạ viện thông qua vào tháng 12 năm ngoái, nhưng đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Thượng viện.

Các quan chức tại Bộ Năng lượng và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã thảo luận về khả năng thực hiện hành động cấm nhập khẩu uranium của Nga nếu Quốc hội không thông qua dự luật.

Tổng thống Biden đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt được 100% điện sạch vào năm 2035. Các lò phản ứng hạt nhân tạo ra hơn một nửa lượng điện không phát thải ở Mỹ và nhiều người ủng hộ loại năng lượng này kỳ vọng nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện hạt nhân của Mỹ gần đây đã phải đối mặt với những thách thức tài chính. Với việc thiếu nguồn cung uranium, những khó khăn này dự kiến sẽ còn tăng thêm.

Sự phụ thuộc của Mỹ vào uranium của Nga bắt nguồn từ chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân năm 1993 ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Theo chương trình có tên "Từ Megaton thành Megawatt", Mỹ đã mua 500 tấn uranium từ các đầu đạn hạt nhân đã tháo dỡ của Nga và chuyển nó thành nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington ca ngợi thỏa thuận này là đôi bên cùng có lợi: Moscow rất cần tiền mặt để đổi lấy việc cung cấp nhiên liệu giá rẻ cho các cơ sở của Mỹ và xoa dịu những người ủng hộ kiểm soát vũ khí. Nhưng ngày nay, một số chuyên gia cho rằng chương trình này đã gây ra hậu quả không mong muốn là cung cấp nhiên liệu rẻ tiền của Nga khiến các công ty Mỹ và châu Âu phải vật lộn để cạnh tranh.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/don-trung-phat-moi-cua-my-de-chan-dong-tien-quan-trong-sang-moscow-i731104/