Đơn vị, cá nhân nhũng nhiễu doanh nghiệp, 2 năm sau vẫn bị 'trảm'

Chính phủ vừa ra Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, yêu cầu triển khai giải pháp nhằm cắt giảm chi phí không chính thức cho DN.

Chính phủ yêu cầu VCCI phát động trong các DN không đưa hối lộ cho mọi cán bộ công chức, thực hiện Nghị quyết 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. (Ảnh minh họa)

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện nhũng nhiễu

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho DN;

Xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, DN; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trực thuộc. Cần công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền.

Văn phòng Chính phủ tham mưu giúp Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp; xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với DN tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi DN tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập DN (nếu có). Trực tiếp thanh tra kết luận các tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý đúng quy định pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội DN tích cực vận động DN thành viên phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; tập hợp các kiến nghị, phản ánh của DN thành viên gửi Thanh tra Chính phủ; phát động trong các DN không đưa hối lộ cho mọi cán bộ công chức.

Xây dựng các công cụ, giải pháp hỗ trợ, bảo vệ DN thành viên sau khi họ tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức…

Tiếp tục cắt giảm 50% thủ tục đầu tư kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% thủ tục đầu tư kinh doanh như đã nêu Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2018 của Chính phủ; rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm cụm từ "điều kiện kinh doanh" để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các quy định không cần thiết về thủ tục lập quy hoạch, giấy phép quy hoạch, thủ tục xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội DN chủ động, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho DN…

L.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/don-vi-ca-nhan-nhung-nhieu-doanh-nghiep-2-nam-sau-van-bi-tram-640977.ldo