Đón vốn đầu tư ESG: Nút thắt ở khâu quản trị doanh nghiệp

Trên thị trường tài chính Việt Nam, dòng vốn phát triển bền vững (ESG) vẫn đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, những hạn chế về nhận thức và thực hành ESG trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang là 'nút thắt' chủ yếu khiến dòng chảy này chưa được mạnh mẽ.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Vietnam), đơn vị quản lý quỹ đầu tư cổ phiếu ESG đầu tiên tại Việt Nam tiết lộ, giá trị tài sản ròng của quỹ này đã tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm thành lập vào tháng 11/2022. Đây được xem là một tín hiệu khả quan cho thấy, dòng vốn đầu tư ESG vẫn đang không ngừng gia tăng.

Được biết, Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF) của UOBAM Vietnam là quỹ mở đầu tiên trên thị trường Việt Nam áp dụng đánh giá chuẩn mực ESG song song với các tiêu chuẩn thông thường để lựa chọn cổ phiếu.

Tuy nhiên, vẫn còn đó “nút thắt” khi thiết lập tiêu chuẩn ESG khiến “dòng chảy” này trên thị trường tài chính Việt Nam chưa được mạnh mẽ như một số quốc gia khác. Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng đã chỉ ra một số điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần tháo gỡ, khắc phục.

Ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG, UOB Asset Management Việt Nam

Ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG, UOB Asset Management Việt Nam

- Xin ông cho biết, sau 1 năm hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh như năm 2023, hiệu quả của Quỹ hiện ra sao?

Năm 2023 là năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư của Quỹ UVEEF vẫn đạt mức khả quan so với thị trường. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ tăng 17,7%, vượt trội 5,5% so với mức tăng của chỉ số VN-Index. Mức tăng trưởng này nằm trong top 10 quỹ cổ phiếu có thành tích ấn tượng trong năm 2023 theo thống kê của nền tảng phân phối quỹ mở Fmarket.

Với hiệu quả đầu tư tốt thu hút dòng tiền mới vào Quỹ, tính đến ngày 12/04/2024, giá trị tài sản ròng của quỹ đã tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm thành lập vào tháng 11/2022.

Quý I/2024, Quỹ UVEEF tiếp tục lọt top 10 quỹ cổ phiếu có lợi nhuận tốt nhất

Quý I/2024, Quỹ UVEEF tiếp tục lọt top 10 quỹ cổ phiếu có lợi nhuận tốt nhất

- Theo UOBAM Vietnam, đâu là những thách thức khi tiến hành đầu tư ESG tại Việt Nam? UOBAM Vietnam đã xử lý những khó khăn này như thế nào?

Theo chúng tôi, thách thức chính khi đầu tư ESG tại thị trường Việt Nam là nhiều công ty trên thị trường chứng khoán chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh, do đó chưa có sự đầu tư đúng mực nguồn lực cho ESG bao gồm nhân sự chuyên trách ESG, nguồn dữ liệu và tiêu chuẩn báo cáo.

Thông tin và dữ liệu về ESG mà các doanh nghiệp công bố còn khá hạn chế. Các công ty hiện tại vẫn chưa cởi mở trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến ESG khiến cho quá trình thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu các tổ chức đánh giá độc lập về ESG như ở các thị trường phát triển hơn trong lĩnh vực này cũng là một trở ngại cho việc đầu tư ESG tại Việt Nam.

UOBAM Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn này. Trong đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, tận dụng nhiều kênh tiếp cận như đối thoại trực tiếp với các công ty hoặc thông qua các kênh môi giới như công ty chứng khoán, cũng như tận dụng vai trò cổ đông tại các doanh nghiệp mà chúng tôi sở hữu cổ phần để tìm hiểu sâu hơn, góp phần gia tăng nhận thức và thúc đẩy thực hành ESG của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc đánh giá ESG của chúng tôi được thực hiện theo quy trình và chuẩn mực của tập đoàn UOBAM. Tất cả báo cáo đánh giá ESG mà UOBAM Việt Nam thực hiện cho các công ty trong danh mục theo dõi của chúng tôi tại Việt Nam đều phải được gửi về Văn phòng Phát triển Bền vững của UOBAM tại Singapore để xem xét và phê duyệt, trước khi chúng tôi được phép sử dụng cho việc ra quyết định đầu tư.

Các công ty hiện tại vẫn chưa cởi mở trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến ESG

Các công ty hiện tại vẫn chưa cởi mở trong việc chia sẻ các thông tin liên quan đến ESG

- Hiện nay, có một số quan ngại về mức độ tin cậy của dữ liệu ESG mà các công ty công bố, có thể tiềm ẩn nguy cơ; “tẩy xanh”. UOBAM Vietnam đánh giá thế nào về quan ngại nói trên? Quỹ có đề xuất giải pháp gì chống lại/giảm thiểu nạn “tẩy xanh” và các hành vi tương tự?

Như chia sẻ, để hạn chế rủi ro về tẩy xanh, UOBAM Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp với các công ty trong danh mục đầu tư và theo dõi của chúng tôi. Trong hoạt động này, chúng tôi gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo và bộ phận phụ trách ESG của các công ty, thăm quan doanh nghiệp để tìm hiểu chi tiết hơn các thực hành ESG mà công ty đang thực hiện so với cam kết trên các báo cáo đã phát hành.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chia sẻ với doanh nghiệp về các chuẩn mực và thực hành ESG theo chuẩn trong khu vực và cố gắng thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực và thực hành này. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng để cải thiện mức độ tin cậy về dữ liệu ESG cho toàn thị trường, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh yêu cầu đối với công bố thông tin về ESG bằng việc quy định rõ ràng và cụ thể hơn các nội dung ESG mà doanh nghiệp cần công bố, phù hợp theo lĩnh vực mà họ đang hoạt động, và cần có cơ chế giám sát để thúc đẩy việc tuân thủ các quy định này.

Khi tiến hành đầu tư ESG tại Việt Nam, phía nhà đầu tư sẽ có các biện pháp đánh giá, đảm bảo không gặp phải bất kỳ hình thức bóp méo, “tẩy xanh” hay gian lận nào khác

Khi tiến hành đầu tư ESG tại Việt Nam, phía nhà đầu tư sẽ có các biện pháp đánh giá, đảm bảo không gặp phải bất kỳ hình thức bóp méo, “tẩy xanh” hay gian lận nào khác

- Theo đánh giá của UOBAM Vietnam, đâu là những điểm hạn chế trong thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cần làm gì để cải thiện những điểm hạn chế đó?

Trong 3 yếu tố E (Môi trường), S (Xã hội) và G (Quản trị doanh nghiệp), chúng tôi nhận thấy yếu tố G của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn hạn chế nhất. Theo hệ thống chấm điểm ESG của UOBAM và thống kê trong hơn 120 công ty niêm yết nằm trong danh mục theo dõi đầu tư của chúng tôi (chiếm gần 90% giá trị vốn hóa thị trường), điểm trung bình về yếu tố quản trị doanh nghiệp là thấp nhất so với yếu tố môi trường và yếu tố xã hội. Hạn chế của yếu tố quản trị doanh nghiệp một phần là vì các quy định hiện tại của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách nhất định so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này khiến các công ty ít có động lực thay đổi để áp dụng các thực hành ESG tốt hơn trong quản trị doanh nghiệp.

Tôi cho rằng trong bối cảnh xu hướng đầu tư ESG ngày càng được quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần hiểu rõ tầm quan trọng của thực hành quản trị doanh nghiệp tốt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cần mạnh dạn để thực hiện các thay đổi trong mô hình quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hành tốt ESG, thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững từ nước ngoài. Bản thân UOBAM Việt Nam, thông qua các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ các công ty trong việc thiết lập các thực hành ESG tốt trong quản trị doanh nghiệp.

Theo đại diện UOBAM, 'G' là yếu tố hạn chế nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hành ESG

Theo đại diện UOBAM, 'G' là yếu tố hạn chế nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hành ESG

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường đầu tư ESG tại Việt Nam? Xin ông bật mí một số định hướng chiến lược hoạt động của Quỹ trong thời gian tới.

Đầu tư ESG tại Việt Nam hiện chưa phát triển mạnh như các nước khác, dù đây là một xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ trên thế giới. Tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng thu hút vốn lớn cho lĩnh vực này.

Thứ nhất, xu hướng đầu tư và phát triển bền vững nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ khi Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và đầu tư vào năng lượng tái tạo hướng đến cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ hai, nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với đầu tư bền vững ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các yêu cầu cao về tiêu chuẩn ESG của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng đến từ các quốc gia phát triển hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được cam kết hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh. Đơn cử như gần đây, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP) với các quốc gia trong nhóm G7 cam kết cung cấp nguồn vốn lên tới 15,8 tỷ đô la để hỗ trợ Việt Nam cho việc thực hiện mục tiêu phát thải nhà kính ròng bằng 0 và chuyển đổi việc sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Trong thời gian tới, chiến lược đầu tư của Quỹ UVEEF vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào cổ phiếu của các công ty có yếu tố cơ bản tốt và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành ESG cao trong hoạt động của mình. Đồng thời, chúng tôi cũng gia tăng hơn nữa các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần cải thiện thực hành ESG tại các công ty mà Quỹ đang đầu tư như mục tiêu chúng tôi đề ra.

Thái Hà

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/don-von-phat-trien-ben-vung-canh-bao-van-nan-tay-xanh-d110314.html