Đón xuân trong mái ấm Nghĩa tình Trường Sơn

Trong ngôi nhà ấm áp hương xuân ngày cuối năm, ông Hồ Văn Tiến tâm sự: 'Khi xây dựng xong nhà, thì BĐBP gọi đến bàn giao, chứ mình không phải lo gì hết'. Đó là một trong nhiều ngôi nhà nghĩa tình được BĐBP Quảng Trị thực hiện theo phương châm 'chìa khóa trao tay'.

Ông Hồ Văn Tiến vui mừng với căn nhà mới.

Chia sẻ với số phận

Ông Hồ Văn Tiến nhìn cậu con trai Hồ Văn Lươn bằng ánh mắt của một người cha đã ở tuổi 55. Cả cuộc đời ông bà luôn sống trong phập phồng, mừng vui lẫn lộn khi thằng Lươn khôn lớn và hiện nay đã học đến lớp 9 trường huyện. Người dân xã A Ngo, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị đều cảm thông cho hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình ông Tiến. Đó là 3 đứa con sinh ra đều lần lượt phát bệnh và chết. "Đứa 5 tuổi, đứa 6 tuổi, đứa 8 tuổi. Nó đang lớn bình thường rồi tự nhiên sinh tật, què quặt rồi bỏ đi" - Ông Tiến hồi tưởng câu chuyện buồn về gia đình của mình. Đó là những người con sinh ra bị mắc di chứng chất độc da cam/dioxin từ người cha cựu chiến binh.

Sau giải phóng, vợ chồng ông Hồ Văn Tiến như bóng cây héo rũ dưới chân núi Cà Lươi. Mấy người con sinh ra, đứa nào cũng bị tật nguyền rồi chết. Gia đình sống nghèo nàn trong một ngôi nhà cũ kỹ. Xét hoàn cảnh gia đình ông Tiến khó khăn, chương trình xây dựng nhà "Nghĩa tình Trường Sơn" do BĐBP phối hợp với báo Sài Gòn giải phóng, Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Quảng Trị tổ chức, đã xây dựng nhà cho gia đình ông. Gói kinh phí xây dựng nhà là 45 triệu đồng, gia đình ông Tiến sung thêm gỗ để làm cột kèo trị giá khoảng 10 triệu đồng. Sau một thời gian thi công, ngôi nhà có tổng diện tích 60m2 được dựng lên khá khang trang. Mái lập tôn được cắt liền và ốp từ trên xuống dưới trông khá đẹp mắt. Cách đây 3 tháng, khi làm lễ bàn giao nhà, ông Tiến đã làm thịt một con lợn nhỏ để thết đãi bà con hàng xóm. Tài sản gia đình hiện có 3 con bò, 3 đám rẫy, giờ có thêm ngôi nhà mới. Ngày bàn giao nhà, anh em Đoàn Thanh niên Đồn BPCK La Lay còn mang tặng các vật dụng cho gia đình.

"Từ năm 1966 - 1968, máy bay Mỹ liên tục rải chất độc hóa học xuống Đắkrông. Cá dưới suối chết hết. Sau này, ở gần khu vực sân bay, anh em thấy máy bay phản lực ào qua rải bột trắng nên mang súng AK bắn cả băng đạn nhưng không trúng. Cái bột đó có mùi giống như cua nướng bị cháy. Sau này, mình mới biết vì nhiễm độc nên con mình sinh ra đều bị chết non" - Ông Tiến kể lại với nỗi buồn thắt lòng.

Cũng được BĐBP xây tặng nhà "Nghĩa tình Trường Sơn", trong ngôi nhà mới ở xã A Ngo, huyện Đắkrông, ông Hồ Văn Bông phấn khởi, bà con thường đến tham quan và khen ngợi. Được sống trong ngôi nhà xây diện tích 60m2, ông Bông luôn nói lời cảm ơn Nhà nước, BĐBP quan tâm nên mới có cuộc sống ổn định đến cuối đời. Nhiều người ở bản nói, ông Bông là người sống có tình, có nghĩa nên được người khác đền đáp cái ơn. Tháng 2-1962, ông Bông nhập ngũ, là, chiến sĩ thông tin của Tỉnh đội Quảng Trị. Năm 1972, ông Bông xuất ngũ với quân hàm Thượng sĩ, về tham gia công tác ở địa phương. Năm 1989, ông Hồ Văn Bôn là bác của ông Bông bị ốm chết và bỏ lại 4 người con. Vậy là theo phong tục của làng, ông Bông phải nối chồng và đến chung sống với bà Hồ Thị Hường là vợ của người bác đã mất. Người vợ của ông Bông là bà Hồ Thị Lài không đồng ý cho ông làm chồng nối nên bỏ về quê. Một mình ông Bông và người vợ già nuôi 4 người con, sống cảnh nghèo khó. Bản thân ông Bông cũng không có chế độ trợ cấp gì nên cái đói cứ đeo bám triền miên. Xét hoàn cảnh của ông Bông, BĐBP đã xây dựng cho ông ngôi nhà “Nghĩa tình Trường Sơn". Ngôi nhà cũng do BĐBP đứng ra gánh vác toàn bộ quá trình xây dựng.

"Kiến trúc sư biên phòng"

Ông Hồ Văn Tiến là một trong nhiều gia đình cựu chiến binh Trường Sơn được BĐBP xây dựng nhà theo phương châm "chìa khóa trao tay". Ông Tiến tâm sự thật thà rằng, gia đình không lo gì hết, toàn bộ việc xây dựng nhà do Đồn BPCK La Lay tính toán, gọi thợ, khoán công... cho đến ngày bàn giao. Bởi người đồng bào nơi đây cầm trong tay số tiền đó cũng không biết cách tính toán làm sao để hoàn thành một ngôi nhà đảm bảo chất lượng và rất dễ bị những người xây dựng tính giá thành cao hơn thực tế.

Ông Hồ Văn Bông chuẩn bị cho lễ khánh thành nhà mới của mình.

Trung úy Hoàng Xuân Biên, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BPCK La Lay cho biết: "Thợ xây dựng ở huyện miền núi tính giá công xây dựng 250.000 đồng/người/ngày. Vật liệu xây dựng chở từ miền xuôi lên cũng đội giá vì công vận chuyển. Nếu người dân địa phương gọi chủ thầu tới và khoán xây dựng nhà với gói tiền 45 triệu đồng thì chỉ làm được nhà 35m2. Còn BĐBP huy động thêm nguồn của gia đình như góp gỗ làm mái, làm cửa, đồng thời tính toán cặn kẽ thì ngôi nhà đã được mở rộng diện tích lên 60m2".

Chủ thầu xây dựng nhà thấy BĐBP tính sát giá thị trường, giám sát chặt chẽ nên đều tuân thủ các quy định trong quá trình thi công xây dựng. Khi bàn giao gói kinh phí 45 triệu đồng, BĐBP sẽ giữ lại 9 triệu đồng để bảo hành nhà. Một năm sau, chủ thầu sẽ đến nhận đủ tiền nếu ngôi nhà không bị hư hỏng và xuống cấp theo điều khoản đã thống nhất.

Theo thống kê, trong những năm qua, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp xây dựng gần 160 nhà nghĩa tình và công trình dân sinh trên địa bàn biên giới, biển đảo với tổng trị giá gần 170 tỷ đồng. Đó là các công trình nhà "Đại đoàn kết", nhà “Đồng đội", nhà trong chương trình "Mái ấm nơi biên giới hải đảo", nhà "Nghĩa tình Trường Sơn" và 5 công trình dân sinh. Bên cạnh những công trình góp phần san sẻ hoàn cảnh khó khăn và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với các gia đình chính sách, còn có các công trình góp phần xây dựng mối quan hệ nghĩa tình giữa nhân dân 2 nước Việt - Lào. Đó là Trạm xá bản Ka Túp của Lào. Công trình này đã góp phần rất lớn vào việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn. Đây là công trình do Đồn BPCK Quốc tế Lao Bảo vận động các doanh nghiệp số tiền 500 triệu đồng để xây dựng. Để duy trì hoạt động của trạm y tế được thường xuyên, đảm bảo phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh, quân y đồn biên phòng phối hợp với y tế thôn bản thường xuyên khám bệnh và cấp phát thuốc cho bà con. Chứng kiến việc làm trên, đồng bào Ka Túp càng hiểu hơn sự thủy chung, nghĩa tình sâu đậm giữa quân dân 2 bên khu vực biên giới. Những công trình đó tạo thêm sắc xuân trong mùa xuân nơi biên cương.

Lê Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/don-xuan-trong-mai-am-nghia-tinh-truong-son/