Đông Anh, Hà Nội: Xưởng gỗ trái phép 'chình ình' nhiều năm, dân thường ai cũng biết?

Xưởng gỗ quy mô lớn 'mọc' trên đất nông nghiệp và vi phạm hành lang đê điều tại xã Đại Mạch. Mặc dù sai phạm đã rõ 'như ban ngày', song xưởng gỗ này vẫn tồn tại đến nay là 7 năm

Nếu đi dọc theo tuyến đê bối sông Hồng, đoạn đi qua địa phận thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, bạn đọc sẽ được “chiêm ngưỡng” một xưởng sản xuất gỗ với quy mô hơn 1 nghìn m2 nằm “chễm chệ” ngay dưới chân đê. Và điều đặc biệt hơn: xưởng sản xuất gỗ được dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang an toàn đê điều.

Theo tìm hiểu của PV, xưởng gỗ trái phép này thuộc công ty TNHH Xây dựng thương mại và chế biến lâm sản Thăng Long, do ông Đàm Văn Chuyền (trú cùng địa phương) làm chủ, có diện tích khoảng 1274 m2.

Xưởng gỗ bắt đầu xuất hiện từ năm 2011 và tồn tại cho đến tận bây giờ. Dù được cho là có nhiều sai phạm liên quan đến đất đai và hành lang đê điều song không hiểu vì sao, trải qua suốt 7 năm trời xưởng gỗ vẫn mặc nhiên hoạt động mà không hề bị cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cưỡng chế, tháo dỡ?

Xưởng sản xuất gỗ của Công ty TNHH Xây dựng thương mại và chế biến lâm sản Thăng Long nằm trên đất nông nghiệp và vi phạm hành lang đê điều tại xã Đại Mạch (ảnh Hoàng Phương)

Thừa nhận về việc xưởng gỗ lập trái phép trên đất nông nghiệp, ông Vương Ngọc Chi, Chủ tịch UBND xã Đại Mạch cho biết, khu đất này là đất UBND xã cho ông Chuyền đấu thầu để làm mô hình trang trại tổng hợp từ hơn chục năm nay. Hết thời hạn 5 năm lại đấu thầu lại, với giá 1350 đồng/m2.

Tuy nhiên, theo ông Chi, khu đất nông nghiệp hơn 1 nghìn m2 này được UBND xã Đại Mạch giao cho ông Chuyền từ năm 2005 nhưng không thông qua hình thức đấu giá? Ông Chi lý giải, thời điểm đó chưa có chủ chương đấu giá đất nông nghiệp. Ban đầu, ông Chuyền thuê khu đất nông nghiệp này với mục đích trồng hoa. Thế nhưng, trải qua nhiều năm trồng hoa không hiệu quả, ông Chuyền lại chuyển sang “tận dụng” khu đất nông nghiệp để làm… xưởng sản xuất gỗ.

“Đất này của UBND xã quản lý và cho đấu thầu. Nó chỉ sai cái là sản xuất gỗ ở đó”. “Trước đây không phải đấu thầu lại, nếu hết hạn hợp đông thì lại gia hạn thêm” ông Chi nói.

Đối với việc này, UBND xã Đại Mạch đã biết và có báo cáo sự việc với UBND huyện Đông Anh, đồng thời yêu cầu ông Chuyền chuyển nhà xưởng đi nơi khác

Hơn nữa, cũng theo ông Chi, việc lập nhà xưởng trên đất nông nghiệp đã đươc nhiều cơ quan báo chí phản ánh trước đó. Nếu đúng theo lời vị Chủ tịch UBND xã Đại Mạch chia sẻ thì UBND huyện Đông Anh đã nắm rất rõ việc xưởng chế biên gỗ lập trên đất nông nghiệp. Thế nhưng một điều lạ ở chỗ, công trình trái phép vẫn không hề bị cưỡng chế, phá bỏ mà hoạt động “bình yên” trong suốt 7 năm trời.

Phải chăng các cấp chính quyền huyện Động Anh không biết, không nghe và không nhìn thấy xưởng sản xuất gỗ trái phép, quy mô hơn 1 nghìn m2 đang tồn tại trên địa giới mà mình quản lý?!

Tại buổi làm việc giữa PV và đại diện UBND xã Đại Mạch, ông Vương Ngọc Chi đã cung cấp cho PV quyết định xử phạt hành chính số 1839/QĐ – XPVPHC của UBND huyện Đông Anh ban hành ngày 19/8/2015. Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và chế biến lâm sản Thăng Long vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không có cam kết bảo vệ môi trường…; chuyển mục đích sử dụng 1274m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy chữa cháy…Hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 15 triệu đồng.

Trong quyết định cũng nêu rõ: “buộc khôi phục lại tình trạng khu đất như trước khi vi phạm. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 45 ngày. Kể từ ngày nhận được quyết định này”.

Cũng với đó, tại điều 3 của quyết định xử phạt hành chính số 1839/QĐ – XPVPHC của UBND huyện Đông Anh ban hành ngày 19/8/2015 thể hiện rõ: “Công ty TNHH Xây dựng thương mại và chế biến lâm sản Thăng Long phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Một văn bản thông báo của UBND xã Đại Mạch về xưởng sản xuất gỗ trái phép

Mặc dù đã có quyết định xử phạt và buộc phá dỡ công trình từ năm 2015, thế nhưng chủ xưởng sản xuất gỗ vẫn “quyết tâm” giữ xưởng trên đất nông nghiệp, vẫn hoạt động cho đến ngày nay. Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền mà cụ thể là UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đại Mạch vẫn chưa có động thái “cưỡng chế thi hành” như trong quyết định xử phạt đã nêu ở trên. Phải chăng quyết định được bạn hành mà việc thi hành thì bị “bỏ ngỏ”, chưa giải quyết dứt điểm sai phạm.

Khi được hỏi về việc tại sao xưởng gỗ có từ năm 2011 nhưng đến năm 2015 mới có quyết định xử phạt của UBND huyện Đông Anh, ông Chi thông tin rằng có nhiều quyết định xử phạt khác nữa nhưng chưa cung cấp được cho PV. Cũng như khi PV ngỏ ý muốn xem hợp đồng thuê đất giữa Công ty TNHH Xây dựng thương mại và chế biến lâm sản Thăng Long (do ông Chuyền làm chủ) với UBND xã Đại Mạch thì vị Chủ tịch xã cũng chưa cung cấp được. Mặc dù trước đó, PV đã đề nghị UBND xã Đại Mạch chuẩn bị những tài liệu liên quan đến xưởng gỗ trái phép để PV có những căn cứ phản ánh sự việc một cách khách quan, đa chiều.

Trong một diễn biến khác, vị Chủ tịch UBND xã Đại Mạch cũng thừa nhận xưởng sản xuất gỗ đã vi phạm hành làng an toàn đê điều. Vậy nhưng, cũng theo lý giải của ông Chi, vì xưởng sản xuất gỗ nằm một chỗ, không di chuyển, không động trạm gì đến đê nên không nguy hiểm?!

Được biết, chủ xưởng sản xuất gỗ đã mua được mảnh đất khác và có ý định chuyển xưởng gỗ đến địa điểm mới vào cuối năm 2018. Thế nhưng dù xưởng sản xuất gỗ trái phép của ông Chuyền có được chuyển đi để phù hợp với quy định pháp luật thì vẫn còn đó những câu hỏi của dư luận về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền huyện Đông Anh như thế nào khi để xưởng gỗ tồn tại trong suốt thời gian khá dài mà không hề bị “sờ gáy”? Hay, phải chăng đã có sự "làm ngơ" cho sai phạm của các cơ quan chức năng, "tạo điều kiện" cho xưởng gỗ trái phép tồn tại lâu dài?

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dong-anh-ha-noi-xuong-go-trai-phep-chinh-inh-nhieu-nam-dan-thuong-ai-cung-biet-55396.htm