Đông Âu căng thẳng vì dịch nCov, Phần Lan có thể phong tỏa thủ đô lần đầu tiên

Tại Đông Âu, các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Trong khi đó, lần đầu tiên Phần Lan phải áp lệnh phong tỏa đối với 5 thành phố, bao gồm thủ đô Helsinki.

Người Phần Lan biểu tình phản đối các hạn chế chống dịch.

Người Phần Lan biểu tình phản đối các hạn chế chống dịch.

Các bệnh viện của Hungary đang phải chịu áp lực “phi thường” do số người nhiễm Covid-19 gia tăng – các bác sĩ cho biết hôm qua (24/3) khi đất nước trở thành điểm nóng dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 tấn công châu Âu.

Giống như hầu hết các nước trong khu vực, Hungary đã cố gắng để hạn chế lây nhiễm trong giai đoạn đầu vào tháng 3-4 năm ngoái với các biện pháp ngăn chặn nhanh chóng và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một làn sóng lây nhiễm mới tràn qua khu vực vào năm 2021 đã khiến Hungary vượt Cộng hòa Séc để trở thành quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới (theo số liệu từ Our World in Data). Các chuyên gia cho biết nguyên nhân là do các biến thể dễ lây lan hơn.

Với dân số 10 triệu người, Hungary đã có gần 19 ngàn người tử vong vì nCov. Hungary cũng là nước dẫn đầu EU về nhập khẩu vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người. Họ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho 1,7 triệu người nhưng điều này vẫn chưa đủ.

Trong khi các ca nhiễm mới ở Cộng hòa Séc và Slovakia bắt đầu giảm, Ba Lan lại báo cáo số ca mắc mới kỷ lục gần 30.000 người và chính phủ phải cân nhắc đưa bệnh nhân tới các khu vực khác nhau để bệnh viện đỡ quá tải. Nhà hát, trung tâm mua sắm, khách sạn và rạp chiếu phim đã phải đóng cửa vào tuần trước khi tình trạng lây nhiễm gia tăng. Tuy nhiên, người ta lo ngại lễ Phục sinh sắp tới sẽ khiến dịch bệnh khó kiểm soát vì nhiều người có thể tới nhà thờ.

Tại Phần Lan, chính phủ đã đề xuất áp lệnh phong tỏa tại 5 thành phố, bao gồm thủ đô Helsinki và chỉ cho phép người dân rời nhà vì một số lý do đặc biệt. Lệnh phong tỏa này là lần đầu tiên Phần Lan giới hạn việc đi lại trong đại dịch. Nó sẽ được đưa ra quốc hội bỏ phiếu để thông qua. Quốc gia 5,5 triệu dân này đã ghi nhận 73.516 ca nhiễm virus corona và 811 ca tử vong. Phần Lan từng được ca ngợi là một trong những nơi xử lý dịch mà ít gây ảnh hưởng nhất châu Âu.

Tại Brazil, số ca tử vong liên quan tới Covid-19 đã vượt 300.000 vào hôm qua khi Bộ trưởng Y tế mới của TT Jair Bolsonaro cam kết tiêm 1 triệu mũi mỗi ngày nhằm thúc đẩy quá trình kiểm soát khủng hoảng. Quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latinh này có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ và chiếm ¼ số ca tử vong toàn cầu. Nguyên nhân của đợt bùng phát dịch mới này được cho là do chiến dịch triển khai tiêm vắc xin chắp vá, biến chủng mới dễ lây nhiễm và thiếu các biện pháp hạn chế cộng đồng.

Tại Mỹ, số ca mắc Covid-19 đã vượt 30 triệu người vào hôm qua khi các bang tăng tốc việc tiêm vắc xin bằng cách giới hạn độ tuổi. Bên cạnh đó, bất chấp các lời khuyên của chuyên gia y tế, một số bang đã loại bỏ yêu cầu đeo khẩu trang. Các biến chủng mới dễ lây lan hơn cũng là nguyên nhân của đợt gia tăng này. Mặc dù số ca mắc có xu hướng tăng nhiều hơn tại 30 trên 50 bang so với tuần trước, các quan chức y tế hy vọng việc tiêm vắc xin sẽ ngăn chặn sự gia tăng về số ca tử vong. Mỹ đã mất 544.000 người vì đại dịch này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/dong-au-cang-thang-vi-dich-ncov-phan-lan-co-the-phong-toa-thu-do-lan-dau-tien-Ezo0MEQMg.html