'Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn nhưng chính sách hạn hẹp'

Thủ tướng chỉ ra mâu thuẫn đang tồn tại ở Đồng bằng sông Cửu Long là tiềm năng rất lớn nhưng thể chế, cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Ông đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này.

Phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong chương trình hành động mà ông trình bày tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, diễn ra sáng 8/5.

Thủ tướng nhắc lại Chính phủ đã có Nghị quyết 120 với tinh thần cùng đồng bào ĐBSCL xây dựng thể chế để phát triển khu vực này. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn dù đã làm được một số việc trong nghị quyết nhưng so với yêu cầu, mong muốn, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của khu vực thì "chưa được bao nhiêu".

Trước tình hình đó, Thủ tướng chỉ ra một số nút thắt cần tháo gỡ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng cao tốc từ Cần Thơ đi Campuchia

Đầu tiên là hạ tầng. Cụ thể, hạ tầng cứng là giao thông, hạ tầng mềm là đào tạo, giáo dục, trí tuệ con người, truyền thống lịch sử hào hùng của Việt Nam và khu vực. Thủ tướng nhận định cần xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, xây dựng thể chế để phát triển.

"Ai làm việc này? Không ai khác ngoài chúng ta. Tất nhiên là có sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhưng phải phát huy tính chủ động, sáng tạo. Cần tháo gỡ một số cơ chế để tự lực, tự cường, tự đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời cửa biển của mình", Thủ tướng chia sẻ.

Ông chỉ ra mâu thuẫn cần giải quyết tại Đồng bằng sông Cửu Long là "tiềm năng lớn nhưng chính sách, cơ chế còn hạn hẹp".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu phát triển Cần Thơ thành trung tâm của khu vực. Ảnh: Thuận Thắng.

Thủ tướng cho biết vừa qua, Chính phủ rất quyết tâm để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên là nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống giao thông vận tải của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ ra cần phát triển thế mạnh đường thủy nội địa. Bên cạnh đó là giao thông đường biển, hàng không, phát triển mạnh hơn đường bộ, cụ thể là cao tốc. Chính phủ đang kêu gọi các tỉnh tự lực, tự cường, cùng Chính phủ xây dựng cao tốc từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, xuống Cà Mau; hệ thống cao tốc từ Cần Thơ đi Campuchia.

"Qua sông bắc cầu, qua ruộng đổ đất, lấp cát. Tất nhiên, cơ cấu địa chất Đồng bằng sông Cửu Long khác, đầu tư có thể cao hơn. Nhưng không vì thế mà không làm", Thủ tướng khẳng định.

Cùng với đó, ĐBSCL cần tập trung quy hoạch các cảng vận tải đường thủy nội địa, phát triển hệ thống sông rạch, nghiên cứu xây dựng thêm cảng, có thể xem xét cảng tại Sóc Trăng.

Cuối cùng là giải thoát cơ chế hàng không. Sân bay của ĐBSCL còn hạn hẹp bởi quy chế, quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Thủ tướng nhận định cần giải phóng nguồn lực này.

5 đầu việc cho Cần Thơ

Sau khi chia sẻ suy nghĩ của cá nhân cũng như Ban cán sự Đảng Chính phủ về định hướng phát triển Cần Thơ, Thủ tướng nhắc lại Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 59 về phát triển Cần Thơ. Nhiệm vụ của Chính phủ và TP Cần Thơ là thể chế hóa từ nghị quyết của Đảng.

Thủ tướng phân tích những năm đầu thành lập, TP Cần Thơ tăng trưởng rất nhanh, sau đó chững lại. Ban đầu, do quy mô kinh tế lúc đầu còn bé nên tăng trưởng dễ, nhưng khi quy mô lớn lên thì rõ ràng tăng trưởng chậm đi.

Chính phủ đặt ra nhiệm vụ phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một trong những thành phố lớn của khu vực. Thủ tướng sẽ cùng TP Cần Thơ cụ thể hóa Nghị quyết 59 để xây dựng Cần Thơ thành trung tâm của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, đầu mối giao thông, logistics, trung tâm dịch vụ. Sự phát triển này phải gắn với thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, lợi thế của nông nghiệp, hạt gạo, trái cây.

Thủ tướng nhận định hiện tại Cần Thơ phải làm tốt việc trên, đồng thời phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp, các vật tư nông nghiệp phù hợp, giải quyết bài toán thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh ĐBSCL cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cao tốc. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra 5 đầu việc. Thứ nhất là xây dựng thương hiệu hàng hóa. Vừa qua, gạo ST25 bị tranh chấp thương hiệu cho thấy ta chưa đề cao nhận thức về vấn đề này. Thứ hai là quy hoạch vùng nguyên liệu, ví dụ như phát triển lúa, trái cây, ôtô... Thứ ba là vận dụng khoa học công nghệ, ví dụ nâng cao chất xám khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp. Thứ tư là phải có doanh nghiệp làm đầu ra và cung ứng vật tư nông nghiệp. Thứ năm là phải có hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng nhấn mạnh để thực hiện hóa chính sách cần đưa ra mục tiêu, công việc đảm bảo "3 rõ" - rõ mục tiêu, rõ người, và rõ việc để làm. Ông nhận định phải luôn đặt con người, sự vật trong chiều hướng phát triển, phát huy điểm tốt, khắc phục điểm chưa tốt và phải đổi mới, phát triển dựa trên cơ sở lấy thực tiễn làm thước đo.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết do thời gian hạn chế, ông không thể đi vào những công việc cụ thể. Nhưng ông đã đề nghị TP Cần Thơ chuẩn bị chương trình làm việc với Chính phủ để giải quyết khó khăn, trước hết là vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách. Trong đó, TP cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, đặc biệt quan tâm đời sống người dân ở vùng sâu vùng xa, người yếu thế chịu sự tác động của đại dịch.

Ông cũng đề nghị Đại học Cần Thơ xây dựng hệ sinh thái đại học sao cho phát triển nguồn nhân lực cao, xứng tầm với tiềm năng khu vực.

Thủ tướng quán triệt tinh thần là việc gì đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục làm, việc gì chưa có luật hoặc luật chưa sát thực tiễn thì mạnh dạn rút kinh nghiệm, thử nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Phát triển nông nghiệp là vấn đề được nhiều ứng cử viên đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ quan tâm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, ứng cử viên Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina, thể hiện khát vọng xây dựng TP Cần Thơ trở thành một vùng kinh tế nông nghiệp trong chương trình hành động của mình.

Bà Thoa quan tâm đến vấn đề tam nông - nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Ứng cử viên chỉ ra những bất cập mà Cần Thơ phải đối mặt lâu nay là: được mùa rớt giá, khó tiếp cận vốn đầu tư, thu nhập bình quân nông dân thấp.

Để giải quyết thách thức này, bà Thoa hướng tới giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp và tăng cường năng lực lao động nông nghiệp và nông thôn, phát triển dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, tăng vị thế của người nông dân.

TP Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử với 13 ứng cử viên để bầu 7 đại biểu Quốc hội khóa XV (10 người do TP Cần Thơ giới thiệu, 3 người do Trung ương đề xuất). Thủ tướng Phạm Minh Chính là ứng viên ở tổ bầu cử số 1 gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Ngày 8/5, buổi sáng, Thủ tướng tiếp xúc cử tri tại Đại học Cần Thơ. Chiều cùng ngày, ông tiếp xúc cử tri tại UBND phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Ngoài ông Phạm Minh Chính, đơn vị này có 4 ứng cử viên khác, gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ và bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ ứng cử đại biểu Quốc hội tại một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hai nhiệm kỳ trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều ứng cử đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-bang-song-cuu-long-co-tiem-nang-lon-nhung-chinh-sach-han-hep-post1213050.html