Đồng bằng sông Cửu Long đang... chìm, vì đâu?

Ngập sâu, dồn dập và kéo dài từ đầu nguồn đến cuối nguồn hạ lưu sông Mekong. Tất cả như cho thấy ĐBSCL đang chìm dần vì thực tế mực nước lũ năm nay chỉ ở mức trung bình nhiều năm gần đây. Đáng lo hơn là bên cạnh ảnh hưởng từ sự bất thường của thiên tai, còn có những tác động tiêu cực từ nhân tai. Nhưng nhận diện nhân tai như thế nào để có giải pháp ứng phó hữu hiệu thì không đơn giản.

Cảnh ngập quốc lộ 91 đoạn đi qua phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, An Giang. Ảnh: Lục Tùng

Dồn dập, khắp nơi...

Liên tiếp mấy ngày nay nhiều tuyến đường nội ô TP.Long Xuyên (An Giang), nhất là trục đường Trần Hưng Đạo, tương ứng với tuyến quốc lộ đi ngang qua trung tâm TP.Long Xuyên; đường Ung Văn Khiêm, dẫn vào ĐH An Giang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, đường Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng… bị ngập nặng. Có nơi nước ngập sâu đến hơn 50cm và hơn thế nữa. Không chỉ uy hiếp các tuyến giao thông, cơn nước bất thường còn làm ngập sâu nhiều khu chợ sầm uất như chợ Bình Khánh, chợ Mỹ Xuyên...

Tình trạng này cũng diễn ra ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp). Nước theo các miệng cống thoát nước thải sinh hoạt trào lên, không chỉ gây ảnh hưởng việc đi lại và mua bán, kinh doanh... vừa gây mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Không chỉ có vùng đầu nguồn, mà ngay cả vùng dưới nguồn và hạ nguồn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu,... cũng rơi vào tình trạng ngập nghiêm trọng. Không chỉ đe dọa nhiều vườn cây ăn trái, ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân, hay làm ngập nhiều tuyến giao thông nội ô, tràn vào tận nhà dân cư, công trình công cộng... mà còn nhấn chìm luôn cả quốc lộ. Đi dọc quốc lộ 1A từ Vĩnh Long sang Cần Thơ rồi Sóc Trăng, Bạc Liêu, liên tiếp hình ảnh của những đoạn đường ngập nước. Đặc biệt là đoạn giáp ranh Hậu Giang - Sóc Trăng, dài hơn 2km ngập mênh mông với độ sâu lên đến 60-70cm. Thậm chí theo người dân địa phương, vào cao điểm, có nơi ngập sâu cả mét. Vì vậy liên tiếp mấy ngày qua, truyền thông và mạng xã hội liên tiếp phát đi hình ảnh cùng những thông điệp đắng lòng: Đầu nguồn - nhiều tuyến đường nội ô bị ngập sâu; Cần Thơ thất thủ, Bạc Liêu - quốc lộ 1A bị ngập sâu...

Đây là hiện tượng chưa từng có. Bởi trên thực tế mực nước lũ năm nay không quá lớn so với trung bình các năm gần đây. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước cao nhất ngày 11.10 trên sông Hậu tại Long Xuyên là 2,72m, vượt báo động III 0,22m. Giải thích về hiện tượng này, ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn An Giang - cho biết: Do sông đang bước vào thời kỳ nước rong (là con nước lớn nhất trong tháng, xuất hiện 2 lần vào ngày 18 và 30 âm lịch). Trong khi đó, lại trùng vào thời điểm triều cường, làm dội nước sông Mekong trên đường đổ ra biển, khiến mực nước sông tăng, gây ngập ở vùng giữa, gồm các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Và nhiều khả năng tình hình ngập kiểu này sẽ còn kéo dài. Bởi theo dự báo, đến ngày 13.10, nhiều khả năng mực nước sẽ bắt đầu xuống, nhưng với tốc độ chậm và vẫn ở trên mức báo động III.

Tại ải, tại ai?

Trao đổi với chúng tôi, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về thủy lợi - cho biết, ngập úng trên diện rộng hiện nay là biểu hiện của tác động biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng (BĐKH-NBD) mà ĐBSCL là một trong 5 vùng trên thế giới chịu tác động mạnh nhất. Trong đó, BĐKH-NBD làm thay đổi chế độ hoàn lưu, dòng chảy biển, chế độ sóng và làm tăng mực nước sông ngòi kênh rạch... Tuy nhiên, theo TS Trường, bên cạnh yếu tố từ thiên tai, cũng cần nhận ra những tác động nhân tai. Tức những tác động do chính con người gây ra đã vô tình tiếp tay cho thiên tai tăng sức công phá mạnh hơn khả năng vốn có của nó.

Theo đó, bên cạnh tác động từ “bên ngoài”, như sự thay đổi “nhân tạo” trên suốt dòng chính sông Mekong, dồn đẩy vùng ĐBSCL với tư cách là hạ nguồn sông Mekong vào thế bị động nguồn nước, còn có những thay đổi “bên trong” đã “mở cửa sau” cho thiên tai bùng phát trên diện rộng... Có ý kiến cho rằng, ngập úng hiện nay là do sụt lún diễn ra nhanh. Cụ thể, kết quả nghiên cứu “Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm tại ĐBSCL” của các chuyên gia Đại học Utrecht, Viện Nghiên cứu Deltares Hà Lan, ĐH Cần Thơ và Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam công bố vào năm 2017, cho thấy, chỉ trong vòng 25 năm, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng với tốc độ bình quân mỗi năm vài cm, cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng vài mm/năm. Nguyên nhân chính được xác định là do khai thác nước ngầm quá mức.

Tôn trọng kết quả nghiên cứu này, nhưng TS Trường bác bỏ ý kiến “vịn” vào đây để “khái quát” lên rằng: BĐKH-NBD làm tăng độ sâu ngập úng một, nạn sụt lún đất làm tăng độ sâu ngập úng đến mười. “Đó là nhận định không chuẩn xác. Bởi sụt lún đất mang tính cục bộ, không đồng đều, chủ yếu tập trung ở những khu vực khai thác nước ngầm quá mức”.

LỤC TÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dong-bang-song-cuu-long-dang-chim-vi-dau-635789.ldo