Đồng bằng sông Cửu Long: Du lịch chưa tạo ra sự đột phá

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn là 'vùng trũng' về phát triển du lịch và chưa tạo ra sự đột phá của du lịch.

Đó là nhận định của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (DLVN) tại diễn đàn “Phát triển du lịch ĐBSCL” được tổ chức ngày 29-11, tại TP Cần Thơ. Diễn đàn do Hiệp hội DLVN phối hợp với UBND TP Cần Thơ thực hiện, theo chỉ đạo của Ban kinh tế Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hiệp hội DLVN, ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên du lịch nhưng nơi đây du lịch phát triển khá chậm, cả về lượng khách, về sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch và công tác xúc tiến du lịch.

Sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long được cho là vẫn còn trùng lặp và đơn điệu. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài tham quan chợ đêm tại TP Cần Thơ.

Thống kê của Hiệp hội Du Lịch ĐBSCL cho thấy, mặc dù những năm gần đây lượng khách du lịch đến ĐBSCL tăng nhưng vẫn còn ít so với tiềm năng của vùng. Trong năm 2018, tổng số khách du lịch của toàn vùng đạt 3,4 triệu lượt. Nếu chỉ so sánh riêng với TP Hồ Chí Minh (đón khoảng 7,5 triệu lượt khách trong năm 2018) thì ĐBSCL còn thấp hơn rất nhiều.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến du lịch ĐBSCL chậm phát triển, như: Sản phẩm du lịch của ĐBSCL còn trùng lặp và đơn điệu; nhân lực du lịch đang bị thiếu và yếu trầm trọng; khó huy động nguồn lực xã hội trong công tác xúc tiến du lịch; hiệu quả liên kết vùng chưa được như mong đợi.

Theo ông Bình, các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm đến chính sách thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam. Doanh nghiệp muốn Nhà nước có các chính sách đột phá về visa để tạo điều kiện cho ngành thu hút được nhiều khách hơn, mở rộng được thị trường, đặc biệt các thị trường có khách chi trả cao và ở dài ngày. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có đột phá về chính sách visa. Ông Bình dẫn chứng: Về độ mở, Việt Nam vẫn xếp hạng ở nhóm thấp nhất ở Đông Nam Á, trong khi du lịch các nước trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam bằng chính sách miễn visa. Thái Lan miễn visa cho 57 nước, Indonesia miễn visa cho 163 nước (chủ yếu là miễn đơn phương), Malaysia miễn visa 162 nước, Singapore miễn visa cho 80% các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam chỉ dừng lại ở 24 nước (trong đó có 15 nước miễn visa đơn phương).

Tin, ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/dong-bang-song-cuu-long-du-lich-chua-tao-ra-su-dot-pha-603883