Đồng bằng sông Cửu Long 'khát' bác sĩ

Theo thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 7,85 bác sĩ/1 vạn dân, rất thấp so với cả nước. Việc tuyển dụng bác sĩ về công tác tại các địa phương ở ĐBSCL đã khó, nhưng việc giữ bác sĩ gắn bó lâu dài với địa phương càng khó hơn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có 160 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đa khoa khu vực, đa khoa tỉnh và bệnh viện chuyên khoa, trong đó, 21 bệnh viện có các chuyên ngành hiếm như: lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Khó khăn của ngành y tế ở ĐBSCL hiện nay là các bệnh viện chuyên khoa chưa đủ bác sĩ, nhất là tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các bệnh viện tỉnh thiếu trầm trọng bác sĩ các chuyên ngành hiếm.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện kỹ thuật đặt stent điều trị hẹp động mạch ngoài sọ chobệnh nhân lớn tuổi

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, khó khăn nhất đối với ngành y tế Kiên Giang hiện nay là thiếu nguồn bác sĩ, dược sĩ, nhất là ở lĩnh vực ngoại nhi và ung bướu. Mỗi năm tỉnh có khoảng 40-50 sinh viên đào tạo theo địa chỉ ra trường nhưng cũng chỉ bù đắp cho lượng bác sĩ nghỉ hưu và một số bác sĩ xin chuyển công tác.

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang đang “khát” nhân lực các ngành hiếm, nhất là khi Khoa Lao và bệnh phổi tách ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành Bệnh viện Lao và bệnh phổi, vì hiện nay tỉnh chỉ có 8 bác sĩ chuyên ngành lao, trong khi nhiều chỉ tiêu đang đào tạo chưa về nhận việc, nên nguồn nhân lực ngành hiếm không thể đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang chia sẻ: Hiện tỷ lệ bác sĩ của tỉnh chỉ đạt 5,76 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi tỉnh còn phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cả người dân nước bạn Campuchia, nên lực lượng bác sĩ thiếu trầm trọng.

PGS.TS Trần Việt An, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y dược Cần Thơ thông tin: Cả khu vực ĐBSCL có 13 trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y, còn lại là bác sĩ chuyên khoa khác. Bên cạnh đó, cả khu vực có 8 bệnh viện lao và bệnh phổi đi vào hoạt động từ lâu, nhưng số bác sĩ chuyên ngành lao đến công tác lại khá ít, nhiều tỉnh chỉ có 1-2 bác sĩ. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh cũng đang đối mặt với thực trạng không đủ bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành ung bướu của bệnh viện.

Theo Đại học Y dược Cần Thơ, năm 2018 trường có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp, trong đó có 493 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp theo địa chỉ sử dụng. Năm nay, trường tiếp tục tuyển sinh 1.450 chỉ tiêu, trong đó có 410 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Tuy nhiên, số chỉ tiêu đào tạo này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế ở các địa phương. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu gần 2.000 bác sĩ, dược sĩ. Ước tính đến năm 2020 sẽ có 9 bác sĩ, 2 dược sĩ/1 vạn dân, trung bình mỗi năm tăng 0,4 bác sĩ và 0,25 dược sĩ/1 vạn dân.

Lý giải cho thực trạng nguồn nhân lực y tế tại ĐBSCL trong nhiều năm luôn thiếu trước hụt sau, bác sĩ Từ Quốc Tuấn cho biết: Trong khi An Giang đang thiếu nhân lực y tế thì nhiều sinh viên được đào tạo theo địa chỉ sử dụng sau khi tốt nghiệp lại không chịu về tỉnh công tác và chấp nhận bồi thường để tự do tìm việc. Bên cạnh đó, một số địa phương sát biên giới rất khó giữ chân bác sĩ. Thực tế, 2-3 năm gần đây, trừ hệ liên thông, hơn 20% cán bộ y tế đào tạo theo địa chỉ sử dụng chính quy bỏ việc.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua, Vĩnh Long có 19 bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, trong đó có cả lãnh đạo phòng, khoa và trung tâm y tế. Những bác sĩ xin nghỉ việc đều có chuyên môn cao, thâm niên công tác lâu dài và được đào tạo sau đại học. Qua thống kê, các bệnh viện, cơ sở y tế công ở Vĩnh Long đang thiếu hụt khoảng 300 bác sĩ.

Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế Kiên Giang đã phải giải quyết cho 6 bác sĩ, 1 dược sĩ cao cấp và 1 thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập.

Bàn về giải pháp hạn chế tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế tại vùng ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cần phải nghiên cứu tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Đại học Y dược TP HCM năm 2018 đã ngưng đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Để giúp các tỉnh ĐBSCL gỡ khó nguồn nhân lực y tế hiện nay, Đại học Y dược Cần Thơ cần quan tâm đào tạo nhân lực y tế cho các tỉnh lâu dài và nên giữ lại loại hình đào tạo theo địa chỉ. Hiện số bác sĩ/1 vạn dân của Đồng Tháp rất thấp, chỉ đạt 6,37. Mỗi năm tỉnh cần khoảng 100 bác sĩ.

Đại diện UNBD thành phố Cần Thơ cũng cho hay, thành phố Cần Thơ còn thiếu nhiều bác sĩ ở bệnh viện chuyên khoa, tuyến y tế cơ sở. Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế rất phàn nàn ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, sắp tới Cần Thơ triển khai mô hình bác sĩ gia đình nhưng chưa có nguồn nhân lực để triển khai. Do đó, Cần Thơ rất mong được tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ.

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ khẳng định: Trước khi phân bổ chỉ tiêu, trường đã trực tiếp làm việc và thống nhất với từng tỉnh. Chỉ tiêu dựa vào quy định của Bộ Y tế, năng lực đào tạo của trường, kể cả số lượng thí sinh thi, kết quả điểm thi... Trường khó có thể tăng thêm chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, những thí sinh dự tuyển vào trường có điểm thi từ 21,5 trở lên có thể chuyển sang học theo diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh. Các tỉnh cũng có thể tận dụng thêm nguồn nhân lực từ diện này.

Bên cạnh tăng chỉ tiêu đào tạo, yếu tố quan trọng nhất để giữ chân đội ngũ cán bộ y tế làm việc lâu dài tại ĐBSCL chính là môi trường làm việc, sử dụng đúng người, đúng việc và phải có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Sở Y tế Vĩnh Long vừa ban hành chính sách hỗ trợ công chức, viên chức ngành y tế được cử đi đào tạo sau đại học và chính sách thu hút bác sĩ về nhận công tác. Sinh viên đang học 3 năm cuối có nhu cầu đăng ký về tỉnh công tác được hỗ trợ một lần là 25 triệu đồng, bác sĩ tốt nghiệp là 130 triệu đồng…

Còn tại Kiên Giang, từ tháng 7/2017, tỉnh đã thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đối với những thầy thuốc có trình độ từ bác sĩ đa khoa trở lên được đào tạo chính quy, cam kết làm việc tại tỉnh từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một lần 150 triệu đồng. Nếu làm việc tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn còn được hỗ trợ nhà ở công vụ, hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà.

Đan Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dong-bang-song-cuu-long-khat-bac-si-514303.html